Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong những năm qua, thuê bao di động (TBDĐ), đặc biệt là thuê bao di động trả trước trên địa bàn tỉnh Tây Ninh phát triển với tốc độ nhanh, đến nay gần như đã tới ngưỡng “bão hoà”. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 1.228.000 thuê bao, riêng thuê bao di động trả trước tương đương với dân số trong tỉnh, chiếm 1.185.000 thuê bao.
Đoàn thanh tra làm việc với chủ một cửa hàng bán sim điện thoại.
TRÀN LAN SIM ĐĂNG KÝ THÔNG TIN “ẢO”
Theo nguồn tin từ Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT), căn cứ theo số liệu báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông, trong thời gian qua, số lượng thuê bao di động trả trước phát sinh gấp nhiều lần số lượng thuê bao di động trả trước rời mạng mỗi tháng. Bên cạnh tính tiện dụng, dễ kiểm soát được số tiền trong tài khoản, một nguyên nhân khác là các doanh nghiệp viễn thông thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi thẻ nạp đối với thuê bao di động trả trước, không chú trọng khuyến mãi đối với dịch vụ thuê bao di động trả sau, khiến nảy sinh tình trạng TBDĐ trả trước phát triển “nóng”.
Dù không lạ gì những hệ luỵ của sim rác, các doanh nghiệp viễn thông vẫn chưa thực hiện nghiêm trách nhiệm được quy định về công tác quản lý TBDĐ trả trước. Công tác chăm sóc, hướng dẫn, tập huấn cho các điểm đăng ký thông tin (ĐKTT) chưa được quan tâm, duy trì thường xuyên.
Ông Hoàng Xuân Liên - Chánh Thanh tra Sở TT-TT cho biết, sau ngày 1.6.2012, khi Thông tư số 04/2012/TT-BTTTT có hiệu lực, cả 3 doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh (Vinaphone, Mobiphone, Viettel) đều chủ động tổ chức các hội nghị tập huấn cho các điểm ĐKTT.
Khi phát triển mới một điểm ĐKTT, việc tập huấn được thực hiện trực tiếp ngay tại trung tâm giao dịch hoặc cử nhân viên đến điểm ĐKTT, điểm đăng ký thuê bao để hướng dẫn, sau đó, các điểm này còn được cung cấp đầy đủ các văn bản, quy định, chính sách có liên quan. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế của Sở TT-TT, nhiều điểm ĐKTT không có hợp đồng uỷ quyền đăng ký thông tin hoặc đã ngừng hoạt động điểm ĐKTT, nhưng không có thanh lý hợp đồng đã đăng ký với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp không tự tổ chức, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định, quy trình ĐKTT thuê bao di động trả trước của doanh nghiệp đối với điểm ĐKTT trực thuộc. Qua kiểm tra, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng sim đã được đăng ký sẵn thông tin thuê bao của người khác, nhưng Sở TT-TT không nhận được bất cứ văn bản thông báo của doanh nghiệp về việc chấm dứt hợp đồng uỷ quyền ĐKTT thuê bao di động trả trước với các điểm ĐKTT vi phạm.
Ngoài ra, công tác xử lý khi phát hiện vi phạm cũng còn gặp khó khăn. Sim thuê bao di động trả trước đã ĐKTT của người khác do các điểm ĐKTT ở các tỉnh khác kích hoạt, nhưng được phân phối và bày bán trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Khi phát hiện, Sở TT-TT Tây Ninh chỉ có thể trực tiếp xử lý vi phạm điểm bán, chứ không thể xử lý vi phạm của điểm ĐKTT đã đăng ký thông tin “ảo” rồi kích hoạt sim.
TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ THUÊ BAO DI ĐỘNG TRẢ TRƯỚC
Trước tình hình trên, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động, kinh doanh dịch vụ viễn thông di động, người sử dụng dịch vụ di động, vào tháng 12.2016, Sở TT-TT đã triển khai thực hiện kế hoạch công tác quản lý thuê bao di động trả trước trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp cùng với ngành chức năng, 3 doanh nghiệp viễn thông di động Vinaphone, Mobiphone, Viettel trên địa bàn tỉnh đã ký cam kết khoá dịch vụ, thu hồi các sim kích hoạt sẵn vi phạm các quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp viễn thông cũng đã phát tờ rơi tuyên truyền về chính sách, quy định của Nhà nước về đăng ký thông tin thuê bao; tổ chức kiểm tra, giám sát các điểm bán, điểm đăng ký thông tin thuê bao và các kênh phân phối khác của đơn vị để chấn chỉnh, xử lý; đồng thời chủ động cử cán bộ làm đầu mối phối hợp với Sở TT-TT trong việc thanh tra, kiểm tra công tác quản lý thuê bao di động trả trước trên địa bàn tỉnh…
Về phía công luận, trên số báo ra ngày 10.2.2017, Báo Tây Ninh đã có bài viết phản ánh tình trạng sim rác vẫn được bán tràn lan. Ngay sau đó, Thanh tra Sở TT-TT cho biết, sẽ tăng cường thanh, kiểm tra các cửa hàng kinh doanh sim số trên địa bàn tỉnh, “quyết liệt” xoá sim rác nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dùng. Kết quả, sau đợt thanh, kiểm tra có gần 45.000 sim rác đã được các nhà mạng trên địa bàn tỉnh khoá, hơn 110 sim rác bị tịch thu.
Tiếp xúc một số cửa hàng kinh doanh sim số tại phường 2, phường 3 (thành phố Tây Ninh), Khu công nghiệp Chà Là (huyện Dương Minh Châu), chúng tôi ghi nhận đa số các cửa hàng này sau khi có quyết định thu hồi sim kích hoạt sẵn của các nhà mạng, cùng với việc thanh tra, kiểm tra gắt gao của các cơ quan liên quan đều đã ngưng kinh doanh.
Chị D - chủ cửa hàng kinh doanh sim số gần Khu công nghiệp Chà Là cho biết: “Nếu trước đây, trung bình mỗi tuần, cửa hàng bán được gần 50 sim các loại thì nay chỉ bán được khoảng 10 sim. Khách hàng đến chủ yếu hỏi mua thẻ điện thoại. Cũng có một vài khách hàng hỏi mua sim, nhưng khi nghe tư vấn phải đem chứng minh nhân dân ra điểm giao dịch của các nhà mạng để kích hoạt sim và tài khoản 0 đồng, không kèm theo khuyến mãi “khủng” như trước thì đều bỏ đi, không mua nữa”.
Chị D cho biết thêm: “Mỗi chiếc sim khuyến mãi (sim số đã kích hoạt sẵn – PV) tôi chỉ lời từ 5.000 – 10.000 đồng, nhưng do có quy định mới, bán sim số đã kích hoạt sẵn bị phạt tới hàng chục triệu đồng nên tôi không dám bán nữa. Hiện cửa hàng còn hơn 100 sim số kích hoạt sẵn của nhà mạng Viettel, Vinaphone, đã bị khoá 2 chiều và đang chờ nhà mạng xử lý”.
Ông Hoàng Xuân Liên thông tin, qua quá trình thanh, kiểm tra, các doanh nghiệp viễn thông di động chủ yếu vi phạm về chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đăng ký lưu giữ và sử dụng thông tin thuê bao di động trả trước; chưa triển khai ít nhất 1 điểm đăng ký thông tin thuê bao tại mỗi xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; chưa thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cho chủ điểm ĐKTT thuê bao các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng sim thuê bao di động trả trước…
Khách hàng đến mua sim tại một cửa hàng.
Đối với cửa hàng, đại lý uỷ quyền ĐKTT thuê bao và kênh phân phối sim của doanh nghiệp, vi phạm chủ yếu của các điểm này là giấy chứng nhận kinh doanh không có ngành nghề kinh doanh sim thuê bao di động; hay có giấy chứng nhận kinh doanh ngành nghề kinh doanh sim thuê bao di động, nhưng lại không có hợp đồng uỷ quyền ĐKTT thuê bao di động hoặc hợp đồng phân phối sim với các nhà mạng; bán sim thuê bao di động đã được kích hoạt sẵn; quảng cáo có “số đẹp” của các đại lý kinh doanh sim, môi giới bán cho khách hàng để hưởng hoa hồng…
Bên cạnh đó, cũng còn nhiều biển hiệu “Điểm bán hàng”, “Điểm bán sim” đặt tại các tiệm kinh doanh tạp hoá, văn phòng phẩm, quán nước, tiệm sửa xe… để kinh doanh sim, trong khi các điểm này lại không phải là đại lý của doanh nghiệp viễn thông.
Trong quá trình tiến hành thanh tra, kiểm tra, Sở TT-TT đã tuyên truyền, vận động các cửa hàng, điểm ĐKTT, người dân đang giao dịch các quy định của pháp luật về quản lý thuê bao di động trả trước, vận động các cửa hàng, điểm ĐKTT giao trả các sim đã đăng ký thông tin về doanh nghiệp, người phân phối.
Đồng thời yêu cầu các cửa hàng, điểm ĐKTT ký cam kết không bán sim được đăng ký thông tin của người khác; không mua bán, trao đổi thiết bị có chức năng kích hoạt sim trái quy định của pháp luật. Từ đó, tình hình sim rác đã giảm đáng kể, hầu hết các điểm phân phối sim trên địa bàn tỉnh không còn bày bán công khai sim kích hoạt sẵn như trước đây. Dù vậy, vẫn còn một số đại lý đang giữ một số lượng lớn sim số đẹp lén lút ký gửi tại một số đại lý chưa làm cam kết để bán cho người dân.
Được biết, trong thời gian tới, Sở TT-TT sẽ tiếp tục theo dõi việc thực hiện chế độ báo cáo thống kê cơ sở áp dụng đối với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, để phát hiện các bất thường trong phát triển của chỉ tiêu thuê bao di động; giám sát việc triển khai điểm ĐKTT thuê bao tại mỗi xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Sở sẽ thường xuyên rà soát, theo dõi việc triển khai thực hiện các chương trình khuyến mãi; việc bán, chiết khấu thương mại đối với sim thuê bao của các doanh nghiệp. Phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh tổ chức tập huấn, phổ biến các quy định về quản lý thuê bao di động trả trước cho các điểm ĐKTT… Đồng thời, Sở sẽ tiến hành kiểm tra thường xuyên và xử lý nghiêm những điểm tái phạm để chấm dứt hoàn toàn tình trạng bán sim được kích hoạt sẵn trên địa bàn tỉnh.
TRÚC LY – VŨ NGUYỆT
Từ năm 2007, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có quy định về việc quản lý thuê bao di động trả trước. Qua quá trình thực tế triển khai quy định tại các địa phương trên cả nước, Bộ TT-TT đã từng bước hoàn thiện quy định, tạo hành lang pháp lý đối với công tác quản lý thuê bao di động trả trước theo hướng dẫn chặt chẽ hơn. Cụ thể: Quyết định số 03/2007/QĐ-BTTTT ngày 4.9.2007 của Bộ trưởng Bộ TT-TT về việc ban hành quy định quản lý thuê bao di động trả trước: Chủ thuê bao di động trả trước có 3 hình thức đăng ký thông tin là ĐKTT qua tin nhắn SMS; đăng ký qua cổng thông tin điện tử hoặc đăng ký trực tiếp tại điểm giao dịch. Thông tư số 22/2009/TT-BTTTT ngày 24.6.2009 của Bộ TT-TT quy định quản lý thuê bao di động trả trước: Chủ thuê bao di động trả trước chỉ được đăng ký trực tiếp tại điểm giao dịch. Thông tư số 14/2012/TT-BTTTT ngày 13.4.2012 của Bộ TT-TT quy định quản lý thuê bao di động trả trước: Bổ sung thêm quy định cấm mua bán, lưu thông, sử dụng sim đa năng để ĐKTT thuê bao, thiết bị có chức năng kích hoạt sim thuê bao không cần bẻ SIM; yêu cầu về điều kiện pháp lý để trở thành điểm ĐKTT. Thông tư số 04/2012/TT-BTTTT ngày 12.10.2012 của Bộ TT-TT quy định giá cước dịch vụ thông tin di động mặt đất: Mỗi sim thuê bao di động trả trước hoà mạng mới, doanh nghiệp viễn thông phải trả cho Nhà nước một số tiền gọi là cước hoà mạng trị giá 15.000 đồng. Theo Công văn số 3992/BTTTT-Ttra ngày 11.11.2016, Bộ TT-TT đã chỉ đạo các Sở TT-TT trên cả nước tiến hành thanh tra việc kích hoạt thuê bao, khuyến mãi không đúng quy định. Năm 2017, Bộ tiếp tục chỉ đạo các Sở TT-TT triển khai thanh tra diện rộng việc chấp hành pháp luật quản lý thuê bao di động trả trước trên cả nước. |