Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Hơn 2 tháng nay, tại 3 ha ruộng lúa nước của nhà anh Đảnh (sát đường đi cầu Phao, ấp Thuận Đông, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu) mọc đầy rau chốc.
Cứ mỗi sáng và chiều, bất kể nắng mưa, có khoảng 10 người xuống ruộng nhổ rau đem đi bán tại chợ địa phương, hay mang sang tận chợ BaVet (Campuchia) bán với giá từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg.
Nhổ rau chốc đem bán. |
Với nông dân địa phương, đây là loại rau rất quen thuộc trong các bữa ăn dân dã hàng ngày vào mùa mưa. Chỉ cần ra ruộng nhổ về, lặt bỏ rễ và lá, lấy thân (khoảng 5- 8cm) thì đã có được một loại rau sạch để ăn.
Theo anh Sơ (ngụ xã Lợi Thuận), buổi sáng mỗi ngày, vợ chồng anh ra ruộng nhổ khoảng 25-30 kg rau, rửa sạch, bó thành từng bó, sau đó mang đến bán cho mối ở chợ Mộc Bài. Bình quân, gia đình anh có thu nhập khoảng 500.000 đồng đến 600.000 đồng mỗi ngày từ bán rau chốc.
Ngoài gia đình anh Sơ, những người dân khác ở địa phương cũng tham gia nhổ rau chốc đem bán.
Rau chốc. |
Anh Sơ cho biết thêm, người dân Campuchia rất thích rau chốc, họ thường ăn rau với lẩu mắm; riêng người dân Nam Bộ dùng rau chốc chấm với mắm kho, cá chiên nước mắm…
Rau chốc là cây thủy sinh thân nhỏ, sống trên vùng đất ngập cạn, phát triển tốt ở ruộng lúa nước, đầm lầy, mương, bờ kênh… Rau mọc thẳng đứng trong đất, thân xốp, do các bẹ lá hợp thành, cao 10-30 cm, được dùng ăn sống hay luộc, xào.
Có thể nói, rau chốc là một trong những loại “rau sạch”, không chỉ tạo thêm sự phong phú trong bữa ăn hàng ngày, mà còn là điều kiện tốt để cải thiện đời sống của người dân nghèo ở địa phương.
Hùng - Dũng