Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đang chuyển biến phức tạp. Để phòng tránh bệnh lây lan, nhiều người hạn chế ra đường, hạn chế đến các cửa hàng ăn uống, hoặc đi mua sắm...
Nhưng đối những thứ rất cần thiết cho đời sống hằng ngày, như lương thực, thực phẩm tươi sống, nhiều người không thể không đến chợ, siêu thị, hoặc các tiệm tạp hoá. Từ thực tế này, tôi lại nhớ thời niên thiếu của mình.
Thuở ấy, dù không có dịch bệnh gì nghiêm trọng, cũng chẳng có ai khuyến cáo hay cấm đoán, nhà tôi cũng như nhiều bà con ở xóm nhỏ ven sông cũng ít khi đi chợ, hay la cà quán xá. Chỉ những ngày gần tết, hoặc những khi gia đình có đám tiệc hay khi thật cần thiết, bà con xóm tôi mới đi chợ hay ra đường...
Sở dĩ nhiều người ở xóm ít khi đi chợ, một phần vì ít có tiền, một phần chợ xa nhưng phần chính là bà con quê tôi không cần thiết phải đi chợ thường xuyên. Bởi lương thực, thực phẩm tươi sống ai cũng “thủ sẵn” trong nhà, trong đó có những thứ do thiên nhiên ban phát và những thứ từ bàn tay siêng năng, cần mẫn của con người làm ra.
Thiên nhiên ban tặng cho quê tôi một cánh đồng lúa phì nhiêu. Người có nhiều ruộng đất khỏi phải nói rồi, không những có lúa ăn quanh năm, mà còn có lúa dư để bán. Những hộ ít ruộng, hoặc không có ruộng thì đi đập lúa mướn ăn chia với chủ ruộng, rồi dọn ruộng, cày cấy mướn cũng được chủ ruộng trả công bằng lúa. Vì vậy trong nhà vẫn có bồ lúa để dành ăn, rất ít người và cũng ít khi phải đi đong “gạo lon, gạo lít” từng ngày...
Còn thực phẩm tươi sống thì cá dưới sông rạch, dưới ruộng rất nhiều, chỉ cần siêng năng đánh bắt là nhà nào cũng có cá ăn quanh năm. Không những thế, nhiều nhà đánh bắt ăn không hết thì phơi khô, hoặc làm mắm đồng để dành ăn. Ngoài cá ra, trên đồng ruộng còn có chuột đồng, rắn, ếch… ai chịu khó săn lùng cũng cải thiện được bữa ăn hằng ngày.
Cùng với động vật, thiên nhiên cũng không quên ban phát các loại thực vật ăn được và ăn ngon mà người ta gọi là rau rừng hay rau sông. Rau sông cũng vô cùng phong phú, có loại mọc trên cạn theo bờ ruộng, bờ sông rạch như rau vừng, trâm ổi, rau sơn, rau câu, rau chạy, chuối nước; có loại mọc dưới nước như rau hẹ, rong cây, bông súng…
Không chỉ tập trung khai thác những thứ sẵn có trong thiên nhiên, người dân quê tôi siêng năng cần mẫn, chủ động tạo nguồn thực phẩm tươi sống cho gia đình bằng cách nuôi trồng. Hầu như nhà nào cũng nuôi gà, vịt để dành ăn tết hay đám giỗ, đám cưới, có khi còn đem ra chợ bán.
Nhưng ấn tượng nhất đối với tôi là hầu như nhà nào ở xóm cũng đều trồng rau, củ, quả xung quanh nhà. Bà con quê tôi trồng rau để vừa tạo thức ăn xanh, vừa làm thuốc nam trị bệnh. Người đất hẹp thì trồng vài ba thứ, người đất rộng thì trồng hàng chục thứ. Mỗi thứ một mớ không thể kể hết.
Điều đáng trân trọng là dù trồng ít hay nhiều, cả xóm không ai bán rau cho ai cả mà sẵn lòng biếu nhau khi cần dùng. Trong số những hộ trồng nhiều loại rau nhất có gia đình tôi. Dù nhà nghèo, đất phía sau nhà không rộng lắm nhưng ba tôi cũng tận dụng để trồng rau. Trước hết là giàn hành hương. Hành hương lá nhỏ hơn hành đất, nhưng rất thơm và là loại khó trồng.
Để trồng được hành hương, ba phải làm giàn. Ba lấy cây gỗ và tre làm một cái giàn cao khoảng tám, chín tấc, rồi đổ đất, đổ phân vào và xin hành giống về trồng. Hành hương dùng để nêm canh, cá kho, cháo... rất thơm ngon. Khi dùng hành này, người ta không nhổ nguyên bụi mà tét từng lá già ra khỏi bụi. Khi hành lên nhiều dày đặc, có thể tét bớt bụi hành lấy củ ăn sống.
Củ hành hương ăn với mắm đồng rất ngon. Trên giàn hành, ba còn dành khoảng trống trồng mấy cây cải rổ. Cây cải rổ cũng chịu trồng trên giàn. Lá cải xanh móc to bằng lá điều, ăn chua chua, giòn giòn trộn với các loại rau khác ăn sống rất ngon. Không như các loại cải khác là nhổ lên ăn một lần, cây cải rổ khi ăn hái từng lá già. Cây vẫn còn đó cho lá khác ăn lâu dài.
Ngoài hành và cải rổ, trên giàn này ba còn trồng mớ rau răm. Dưới đất, gần giàn hành, ba trồng mấy cây rau quế, hai chậu rau tần dày lá (hai loại cây rau này dùng nêm canh, rau tần dày lá còn là thuốc trị ho). Xa xa giàn hành một chút, ba trồng mấy cây ớt. Ớt thì vừa có ớt sim, vừa có ớt “sùng trâu” (trái cong lớn) và ớt “sừng bò” (trái thẳng lớn hơn ớt sim, nhưng nhỏ hơn ớt sừng trâu).
Gần mấy cây ớt, ba trồng hai bụi sả. Ngoài ra ba còn trồng mấy bụi gừng, mấy bụi nghệ, thêm mấy bụi riềng, vài bụi bạc hà, vài cây cà nâu, mấy bụi bồ ngót... Không dừng ở đó, phía dưới gần giàn nước (trước kia nhà ở nông thôn thường có làm giàn nước bên hông, hoặc sau nhà, giàn được làm bằng gỗ, hoặc tre, trên giàn có một cái thau lớn để rửa chén hoặc thịt, cá, rau...
Cạnh giàn nước đặt một lu lớn, gọi là lu nước ăn) ba làm một vũng trồng rau chịu nước. Vũng rộng chừng bằng tấm đệm lớn, sâu vài tấc, được ba be bờ vòng quanh và dùng liếp tre rào lại. Dưới vũng ba trồng rau diếp cá, rau cần và rau om, cùng mấy bụi môn nước...
Do mẹ tôi mất sớm, nên không chỉ trồng rau, ba còn dạy anh em tôi cách dùng từng loại rau như thế nào cho đúng cách. Thứ nào để ăn sống, thứ nào để nấu canh, hoặc luộc, thứ nào làm gia vị để nêm canh, nêm cá kho... Rau nhiều, có khi ăn không hết, ba kêu chị tôi cắt cho bà con hàng xóm.
Xóm nhỏ ven sông của tôi giờ dân cư đông đúc. Nhà cửa mọc lên như nấm mùa mưa. Đất đai không còn nhiều chỗ trống nữa, rau củ quả (nói chung là đồ hàng bông của những người trồng chuyên nghiệp) bán đầy chợ, đầy quán, phương tiện đi lại thì nhà nào cũng có xe gắn máy, mô tô, “vù” một cái là tới chợ, tới quán là có ngay.
Giàn hành hương, và các loại rau nhà do ba trồng, cũng như các loại rau mà bà con hàng xóm trồng quanh nhà để “tự cung, tự cấp” ngày nay không còn nữa. Đồng ruộng quê tôi con cá, lá rau cũng khan hiếm. Lúa làm ra nông dân bán tại ruộng, ngay sau khi thu hoạch hết rồi...
Giờ muốn có lương thực, thực phẩm tươi sống hằng ngày, dù giữa mùa dịch bệnh, bà con xóm tôi vẫn phải tranh thủ ra đường, đi chợ, đi quán mà mua thức ăn hằng ngày.
T.L