Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Rò rỉ amoniac - hại thế nào, làm sao tránh?
Thứ năm: 12:22 ngày 12/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bạn biết gì về amoniac? Phải làm gì nếu không may xảy ra rò rỉ như vụ việc ở TP.HCM mới đây làm 4 người ngất xỉu và hơn 1.200 người phải sơ tán?

Lực lượng chức năng xử lý khí NH3 tại hiện trường vụ rò rỉ ngày 10-10 - Ảnh: NHẬT THÁI

Amoniac có mặt trong những sản phẩm quen thuộc hằng ngày như những chất lau rửa gia dụng, ví dụ nước lau kính, trong một số dầu xoa bóp, trong phân đạm.

Amoniac là gì?

Amoniac là một hợp chất vô cơ có công thức phân tử NH3. Trong tự nhiên, amoniac sinh ra trong quá trình bài tiết và thối rữa xác sinh vật.

Ở nhiệt độ phòng, amoniac là khí không màu, nhẹ hơn không khí, có mùi khai, dễ dàng hòa tan trong nước trở thành dung dịch amoniac.

Ngày nay, do được ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp, công nghiệp và thương mại, khả năng rò rỉ amoniac cũng cao hơn. Ngộ độc có thể xảy ra nếu bạn hít nhiều khí amoniac hoặc khi bạn nuốt trực tiếp những vật chứa lượng lớn amoniac.

Những biểu hiện khi ngộ độc

Tùy theo liều lượng, nồng độ và thời gian tiếp xúc với amoniac mà mức độ ảnh hưởng khác nhau đối với cơ thể.

Hầu hết những sản phẩm lau chùi trong nhà có nồng độ amoniac khá yếu và ít gây ảnh hưởng. Tuy nhiên, ở mức độ công nghiệp, chúng có thể gây bỏng hoặc nhiều tổn thương khác.

Dưới đây là những triệu chứng thường gặp khi ngộ độc amoniac:

-Với cơ quan hô hấp: ho, đau ngực, tức ngực, khó thở, thở khò khè.

-Với mắt, tai, mũi, và cổ họng: chảy nước mắt hay rát mắt, mù tạm thời, đau cổ họng, đau miệng, môi phồng lên.

-Tim và mạch máu: tim đập nhanh, mạch yếu.

-Hệ thần kinh: chóng mặt, bồn chồn.

-Da: môi và đầu ngón tay hơi xanh, xuất hiện những vết bỏng nghiêm trọng nếu tiếp xúc khoảng một vài phút.

-Hệ tiêu hóa: đau dạ dày, ói.

Đặc biệt, khi mật độ của khí amoniac trên 10.000 ppm có thể dẫn đến nguy cơ tử vong.

Làm gì trong tình huống khẩn cấp?

Nếu chẳng may hít phải loại khí này, hãy lập tức di chuyển đến nơi không khí sạch và thoáng hơn.

Nhanh chóng loại bỏ quần áo đã tiếp xúc với amoniac. Nếu có thể, hãy cắt bỏ hoặc xé bỏ những đồ đạc thông thường phải cởi qua đầu để tránh tiếp xúc thêm với chất độc. Sau đó thu gom chúng cẩn thận, bỏ vô bao bịt kín tránh cho trẻ em vô ý chạm phải.

Tiếp theo cần làm sạch da, mắt của bạn với nước, tối thiểu 15 phút. Nếu đeo kính áp tròng thì phải bỏ ra, còn với kính thông thường thì cần rửa bằng nước hoạt bằng xà bông trước khi mang lại.

Nếu lỡ nuốt phải chất hóa học này, lập tức uống nhiều nước hoặc sữa hoặc theo hướng dẫn trực tiếp khác từ các chuyên gia.

Tuyệt đối không dùng thuốc tẩy để loại amoniac ra khỏi da. Ngoài ra trong gia đình, hỗn hợp chất tẩy rửa và amoniac khi kết hợp sẽ sinh ra khí chloramine rất nguy hiểm đối với sức khỏe, gây khó thở và tức ngực, ảnh hưởng đến hệ hô hấp. Do đó, không trộn 2 chất này lại với nhau.

Cuối cùng, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế gần nhất.

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh