Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Rộn ràng lễ cầu bông đình Hiệp Ninh
Thứ tư: 07:59 ngày 14/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đình Hiệp Ninh ở đây chính là đình Hiệp Ninh của thành phố Tây Ninh. Hiệp là hợp lại chung sức cùng nhau; Ninh là an ninh, an yên hay bình yên. Như một đôi câu đối trong gian chính điện:

Chuẩn bị đi rước sắc.

- Đại hiệp yên, tiểu diện hiệp yên, hương thôn công Hiệp

- Thần ninh hỹ, dân tứ ninh hỹ, thượng hạ hàm Ninh

Nghĩa là: Lớn hoà hợp, nhỏ cũng hoà hợp, thôn làng cùng hoà hợp/ Thần yên, dân yên, trên dưới tất cả đều yên vui.

Đây là khát vọng của người xưa, ngay từ khi mở đất lập làng. Ngày nay, đình Hiệp Ninh thuộc phường 2 thành phố Tây Ninh. Đình đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Và quan trọng hơn cả, đình là ngôi nhà độc nhất trong tỉnh có kiến trúc và điêu khắc rất quý giá.

“Xuân thu nhị kỳ”- hai dịp cúng đình trong năm là kỳ yên dịp rằm tháng 3 và cầu bông rằm tháng 8 (âm lịch). Theo lệ cũ, năm nay, đình Hiệp Ninh tổ chức lễ cầu bông vào 2 ngày 10 và 11.9.2022 (nhằm ngày 15-16.8 âm lịch). Ở Tây Ninh, thời gian này có thêm lễ Hội yến Diêu Trì cung của đạo Cao Đài.

Cứ ngỡ là trong khi phố xá, xóm dưới làng trên đang rộn ràng tấp nập- nhất là khi Toà thánh Tây Ninh có cả hàng trăm ngàn người từ khắp nơi đổ về dự Hội yến, thì lễ cầu bông đình Hiệp Ninh sẽ bị chìm khuất giữa bao nhiêu sự kiện. Vậy mà không! Lễ hội cầu bông vẫn hết sức rộn ràng. Dòng chảy của tín ngưỡng dân gian vẫn tràn trề sức sống.

Tôi đến đình vào chiều 14.8 âm lịch. Đã thấy ở hậu đình, các bà, các chị và các em tất bật chưng hoa, quả phẩm. Hỏi thì biết, các bà các chị cũng vừa lo việc chưng hoa quả bên thánh thất Cao Đài, để kịp đem vào Toà thánh trưng bày trong gian quả phẩm dâng đức Diêu Trì kim mẫu. Nhưng việc của đình cũng chẳng thể quên.

Sáng 15.8 âm lịch, đình có lễ thỉnh rước sắc thần. Sắc được bảo quản ở trụ sở UBND phường 2, đường Trần Hưng Đạo. Đoàn rước sắc đã tề tựu trên sân đình từ sáng sớm. Thanh niên chuẩn bị cờ quạt và trang phục kiểu xưa. Các cụ thì chăm lo, sửa soạn cỗ xe chở chiếc long đình (kiệu) chuyên dùng để thỉnh và rước sắc.

Chuyện đã có từ lâu, nhưng giờ tôi mới biết. Đấy là nhóm thanh niên cầm cờ và binh khí (dàn lỗ bộ) trong đoàn đi rước, chính là các em học sinh lớp 9 của Trường trung học cơ sở Trần Hưng Đạo, với cả thầy giáo phụ trách việc Đoàn, Đội chỉ huy. Thảo nào, toàn các gương mặt trẻ sáng ngời, tươi tắn. Có bài học nào hay và bổ ích bằng việc cho các em được hoà vào dòng chảy muôn đời của tín ngưỡng dân gian?

Đoàn rước giong cờ biển đi theo đường 30.4 và Trần Hưng Đạo. Có bảo vệ dân phố duy trì trật tự giao thông. Đến 8 giờ thì tới trụ sở Uỷ ban. Lễ thỉnh sắc diễn ra gọn, nhanh nhưng đầy đủ và trang trọng. Sắc được rước lên kiệu đặt trên xe. Rồi tất cả lại theo đường cũ về đình.

Trong khi đó thì các bà, các chị tiếp tục lo toan, sửa soạn tại tất cả các ban thờ. Có hàng chục các ban thờ các vị thần linh. Ngoài ban chính thành hoàng bổn cảnh, còn là các ban của những vị: Ngũ Hành nương nương, Chúa Xứ nương nương, Thiên Y A Na, bà Chúa Ngọc, Tả ban - Hữu ban, Tiên sư, Tổ sư chư vị…

Tế lễ trong chính điện.

Đến sáng 16.8 âm lịch thì có lễ tế trong gian chính điện. Lễ năm nay diễn ra đặc biệt trang trọng. Các vị chức sắc chánh tế và bồi tế, học trò lễ chỉnh tề áo dài khăn đóng. Ở hai bên gian giữa, hai hàng lính áo nón đỏ chóp vàng, tay cầm binh khí đứng nghiêm trang.

Dàn nhạc lễ hàng chục vị đã sẵn sàng, cùng các cô đào thài áo dài trắng khoanh tay đứng. Rồi mõ, chiêng, trống nổi lên từng chặp. Ban nhạc cất lời trầm bổng ngân nga. Các vị chánh tế và học trò lễ trịnh trọng nghi thức dâng hương, rượu, trà. Một tuần hương, ba tuần rượu, một tuần trà sau chót. Hàng giờ đồng hồ trôi qua mà không ai sốt ruột.

Bởi cái không khí âm thanh ấy, và các nghi thức đẹp mắt này diễn ra trong một không gian không đâu có được. Là đèn nến long lanh làm sáng bừng lên các mảng điêu khắc trên từng đôi liễn đối, bao lam hay các trang thờ. Là khói trầm thơm ngát toả cùng hương thơm hoa trái. Là ánh sơn son thếp vàng ấm áp toả lan… Người dự có cảm giác được trôi ngược dòng ký ức xa xăm.

Vậy là sau hai năm phải tiết chế vì dịch bệnh, thì năm nay lễ cầu bông đã trở lại trọn vẹn, thăng hoa. Đấy chỉ là một lý do. Còn lý do nữa là ngôi đình mới được hoàn thành tôn tạo trùng tu vào năm 2021. Ngói mới đỏ au, các điêu khắc sơn son thếp vàng được phục hồi, long lanh và sâu lắng hơn xưa.

Chỉ đến lễ hội này, người dân mới được thấy kết quả của công cuộc trùng tu ấy. Và do vậy mà lễ hội cầu bông năm Nhâm Dần 2022 trở nên ấn tượng. Nó còn được ghi khắc trong lòng những người yêu quý vốn cổ đầy bản sắc của tín ngưỡng dân gian truyền thống.

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục