Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Rồng nhang trên đất thánh
Thứ năm: 15:25 ngày 08/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Múa rồng nhang từ lâu trở thành linh hồn trong những dịp đại lễ của đạo Cao Đài, “thương hiệu” riêng của Toà thánh Tây Ninh.

Múa rồng nhang - thương hiệu của vùng đất Tây Ninh (Ảnh: Lê Văn Hải)

Từ mây tre đến kẽm gai

“Múa rồng nhang” là cách gọi dân dã cho tiết mục biểu diễn tứ linh gồm long, lân, quy, phụng vào đại lễ Đức Chí Tôn (mùng 8 tháng Giêng) và Hội yến Diêu Trì cung (Rằm tháng Tám) của đạo Cao Đài Toà thánh Tây Ninh. Nhưng ít ai biết rằng, rồng nhang đi qua những năm tháng, với những “cải tiến kỹ thuật” ngày một tự nhiên hơn, đẹp hơn nhằm mang thoả mãn nhu cầu thưởng lãm của đông đảo du khách, tín đồ xa gần.

Cuối năm là thời điểm những người làm công quả tại Nhà thuyền Bát Nhã (Nội ô Toà thánh Tây Ninh) bận rộn hơn so với thường nhật. Mọi người đang thiết kế, sửa sang, tu bổ lại các con linh vật để chuẩn bị phục vụ cho Đại lễ Đức Chí Tôn ngay sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Ông Dương Văn Tám (hay được mọi người gọi là ông Tám Si) đưa tôi đi một vòng quanh khu vực chế tác của mọi người. Ông cho biết, Ban Nhà thuyền ngoài việc lo hậu sự cho các vị chức sắc trong đạo, còn có nhiệm vụ “chăm sóc”các linh vật long, lân, quy, phụng.

Ngoài việc tập luyện múa biểu diễn vào các dịp lễ, các nhân viên tại Ban Nhà Thuyền sẽ là những “nhà thiết kế, tạo mẫu” để linh vật vừa toát lên vẻ uy nghiêm, huyền bí vừa gần gũi, mộc mạc như những con vật đời thường qua những bước chuyển động, lắclư.

Bộ tứ “long, lân, quy, phụng” với hình dáng, điệu bộ vui tươi, cùng những màn phun lửa khi múa thật ấn tưởng là nét đặc sắc riêng có của đạo Cao Đài và luôn thu hút hàng ngàn người chờ xem. Song, mong chờ và thích thú nhất có lẽ là sự xuất hiện của rồng nhang. Bởi, rồng không chỉ là linh vật đứng đầu trong tứ linh, là biểu tượng của sự mạnh mẽ, biến hoá linh hoạt mà còn bởi, rồng nhang trong đạo Cao Đài dài 36m, có hàng trăm người theo phục vụ biểu diễn với những màn phun lửa, uốn lượn nổi bật. Thế nên, khi xem múa tứ linh, người dân vẫn quen gọi “đi coi múa rồng nhang”. 

Ông Tám Si năm nay đã 88 tuổi, lớn tuổi nhất ở Ban Nhà thuyền. Hơn 50 năm làm công quả tại đây, ông chứng kiến sự ra đời và cải tiến từng giai đoạn khác nhau của rồng nhang. Rồng nhang lần đầu tiên có mặt vào dịp lễ khánh thành Toà thánh Tây Ninh, năm 1955.

Rồng nhang dài 36m với hàng chục người tham gia biểu diễn (Ảnh: Lê Văn Hải)

“Hồi đó, có ông Huỳnh Thanh Dân (tên thường gọi là ông Năm Đá) đến Toà thánh dạy võ và cùng mọi người làm con rồng đầu tiên. Lúc đó, nguyên liệu làm là mây tre, đan thành mình, đầu của rồng rồi dán giấy, đắp vải lên. Để cắm được nhang, các ông nghĩ ra cách lấy bẹ chuối gắn vào thân rồng. Bẹ chuối mềm, nên cắm nhang vào rất dễ”- ông Tám nhớ lại.

Bằng sự khéo léo của đôi tay, trí sáng tạo của khối óc, các ông, các chú bắt đầu tạo nên hình hài rồng nhang. Mỗi lần biểu diễn, mỗi lần mọi người lại có những kinh nghiệm mới, bắt đầu điều chỉnh từng chút một để hình ảnh của linh vật rồng nhang uy nghi, linh hoạt, lung linh. 

Nhưng việc dùng nan tre tạo nên rồng nhang dễ bị hư hỏng, chỉ sử dụng qua một thời gian ngắn phải làm lại. Việc tìm chất liệu làm linh vật vừa đẹp, vừa bền thật không dễ dàng vào những thập niên 70, 80 của thế kỷ XX. Mọi người nhận thấy, dùng kẽm tạo hình rồng là bền nhất.

“Hồi xưa, cái gì cũng quý hiếm, đâu có dễ tìm dễ kiếm như bây giờ. Muốn làm con rồng bằng kẽm chỉ có kẽm gai thôi, mọi người phải ngồi gỡ gai kẽm ra để có những cọng kẽm liền lạc, nhưng nặng lắm. Rồi sau dùng kẽm B40 làm, nhẹ cái công gỡ, nhưng tạo hình con rồng cũng nặng trịch”- ông Tám Si kể.

Chỉ những thân rồng còn gác phía nhà sau của Ban Nhà thuyền, ông Tám Si cho biết: “Đây là con rồng được làm từ kẽm gai. Sau này, thay bằng chất liệu khác, nhưng mấy bác cũng giữ lại, làm kỷ niệm một thời. Hồi đó, bác không nhớ năm nào, phía Thành phố Hồ Chí Minh có xin với Hội Thánh mượn nguyên bộ tứ linh đi biểu diễn dịp Sài Gòn 300 năm. Con rồng này đã đi biểu diễn ở “xứ người” đó. Anh em đi biểu diễn cũng tự hào lắm”- ông Tám cười, kể.

Cải tiến kỹ thuật

Đang cùng các anh em kỹ thuật nghiên cứu cách để có thể chuyển pha điện thành dòng lửa, kết hợp với khí dầu phun ra tạo lửa phun cho rồng, anh Phan Trung Hiếu (ngụ phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành) cho biết, anh phụ trách nhóm kỹ thuật làm rồng nhang từ 13 năm nay. Không có chuyên môn về tạo hình, chưa qua trường lớp đào tạo về thiết kế linh vật, nhưng anh Hiếu là tác giả của đầu rồng này.

“Tầm 5 năm, mọi người phải làm mới một đầu rồng, do đầu làm bằng kẽm, bằng tre nan bị hư sau một thời gian biểu diễn. Đầu rồng trước đây có nhiều bộ phận phải dùng sắt chế tác nên rất nặng. Nhiều lần anh em múa về, tôi thấy mọi người bị trầy xướt ở vai, ở cổ, rất thương.

Vậy là tôi xin với Ban Cai quản Nhà thuyền, cho tôi được tạo một đầu rồng mới với tiêu chí “nhẹ và bền”. Lúc đó cũng chỉ nghĩ, làm được thì múa, còn không tiêu huỷ. Và kết quả, cái đầu rồng này đã được sử dụng từ năm 2010 tới nay”- anh Phan Trung Hiếu nói.  

Anh Hiếu dùng nhôm để làm khung đầu rồng. Chưa từng làm, cũng không có thiết kế, anh để đầu rồng cũ cạnh bên, rồi nhìn theo, hình dung từ cặp râu, đôi mắt, đến cử chỉ của miệng, vị trí đặt mũi, lần tạo hình theo từng chút, từng chút một. Sau 2 tháng ròng rã làm việc, anh Hiếu và đồng đội đã gặt hái quả ngọt.

“Với thiết kế mới này, đầu rồng chỉ cần 7 người múa thay vì 13 người như trước kia. Mỗi năm, sau khi múa về, chỉ cần sơn phết lại cho mới là xong. 13 năm rồi, chưa phải làm mới lại, đỡ công sức và chi phí rất nhiều”- anh Hiếu chia sẻ.  

Rồng nhang luôn thu hút đông đảo du khách thập phương đến chiêm ngưỡng (Ảnh: Lê Văn Hải)

Sau phần khung, những anh em kỹ thuật cơ khí, điện, lửa, vẽ… sẽ cùng hỗ trợ hoàn chỉnh đầu rồng trở nên sinh động, có sức sống. Anh Cường đang pha màu sơn cho phần vải rồng chia sẻ, anh làm tại Ban Nhà thuyền Bát Nhã từ năm 2007 với phần việc sơn vẽ cho các linh vật.

Ở mỗi linh vật, anh sẽ có những cách phối màu sao cho hài hoà, tươi sáng và đúng với truyền thống nhất. Đối với đầu rồng, sau khi phần thô được hoàn chỉnh, anh phụ trách pha màu, sơn vẽ từng chiếc vi, cái sừng, hàm răng… Hay phần thân rồng, anh cho tô màu vàng trước, sau đó mới vẽ từng chiếc vảy và cuối cùng là màu sắc từng chiếc vảy, cụm mây. Việc pha màu phải được cân chỉnh thật chính xác, bảo đảm màu sắc cả thân rồng được hài hoà, đồng điệu. 

Rồng nhang có chiều dài 36m với gần 50 người múa, khoảng 100 người đi cùng hỗ trợ, thay thế. Để rồng biểu diễn như đang uốn lượn trên mây, lúc ẩn lúc hiện, đòi hỏi những người múa phải tập luyện thật nhuần nhuyễn, phối hợp nhịp nhàng, đồng lòng với nhau. Rồng vì thế trở nên thật uyển chuyển, linh động. 

Đứng bên cùng những anh em đang thực hiện, ông Lê Văn Ngàn- Phó Cai quản thường trực Ban Nhà thuyền cho biết, trước đây, để di chuyển đầu rồng, mọi người dùng một xe đẩy có trụ đầu rồng trên đó. Ông nói: “Nhưng, làm vậy cồng kềnh, nhìn bộ dạng rồng nhang không uyển chuyển, mất đi vẻ đẹp. Từ hồi cậu Hiếu cùng các anh em thiết kế ra trục xoay, rồng nhang múa đẹp hơn với phần đầu rồng chuyển động một cách linh hoạt, tự nhiên”.

Mỗi năm 2 lần, rồng nhang được các thành viên của Ban Nhà thuyền điểm tô, trang diện sắc vóc mới mẻ, kỳ vĩ để mang đến cho du khách, đồng đạo những điều tốt lành, may mắn, thuận lợi và bình an. 

Sẽ dùng lại nhang thật thay nhang điện

“Rồng nhang”- có tên gọi này bởi, từ xưa, các nghệ nhân dùng nhang xẹt cắm lên thân rồng để phát những tia lửa sáng lấp lánh, lung linh tạo sự hấp dẫn, huyền ảo cho rồng. 

Những năm qua, việc sử dùng nhang xẹt được thay bằng đèn điện tử để tiện lợi, không phải ảnh hưởng của những cơn mưa bất chợt. Nhưng, nhiều người vẫn nhớ ký ức xưa, vẫn mong chờ một chú rồng nhang uốn lượn với những chấm lửa li ti trên mình. Vì vậy, dịp Đại lễ Đức Chí Tôn tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024 này, đội ngũ kỹ thuật đã sẵn sàng mang đến cho người dân, du khách những hình ảnh tươi mới về một chú rồng nhang mạnh mẽ, uy nghi và cũng hết sức gần gũi, thân thương. 

“Đại lễ Đức Chí Tôn vào ngày mồng 8 tháng Giêng năm Giáp Thìn này, chúng tôi sẽ dùng lại nhang xẹt để cắm vào thân rồng, thay vì đèn điện tử như sáu, bảy năm qua. Chúng tôi cũng đã trao đổi với chỗ sản xuất nhang xẹt, nhờ họ nghiên cứu làm sao tạo nhang có thể đốt suốt thời gian biểu diễn múa rồng nhang.

Trước đây, nhang chỉ đốt chừng 20-30 phút là tàn, phải thay nhang mới, mất nhiều thời gian chờ đợi. Mong là năm nay bà con sẽ được mãn nhãn thưởng lãm rồng nhang đúng như tên gọi”, ông Lê Văn Ngàn- Phó Cai quản phụ trách Ban Nhà thuyền Bát Nhã chia sẻ.  

N.D

Tin cùng chuyên mục