Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Rồng trong Phật giáo Tây Ninh
Thứ năm: 15:48 ngày 08/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong các kinh sách Phật giáo thường nhắc đến Thiện Trụ Long Vương, Nan Đà, Bạt Nan Đà Long Vương, A Nậu Đạt Long Vương… đều là những Long Vương theo Phật pháp Đại thừa, tinh tấn tu hành.

Bao lam “Lưỡng long chầu Hộ pháp” ở chùa Phước Lưu (Trảng Bàng).

Theo kinh điển Phật giáo, rồng là một trong Bát bộ chúng thủ hộ Phật pháp. Lãnh tụ của Long tộc gọi là Long Vương, có đầy đủ uy lực lớn mạnh, thường theo bảo vệ Phật. Trong các kinh sách Phật giáo thường nhắc đến Thiện Trụ Long Vương, Nan Đà, Bạt Nan Đà Long Vương, A Nậu Đạt Long Vương… đều là những Long Vương theo Phật pháp Đại thừa, tinh tấn tu hành.

Theo ghi chép trong quyển thứ hai, bộ “Phiên dịch danh nghĩa tập” thì: Rồng có bốn loại, một giữ Thiên cung điện, trì giữ không cho rớt xuống, vì vậy trong nóc nhà của dân gian thường có làm hình rồng; hai gọi gió làm mưa, làm lợi ích cho nhân gian; ba Địa long, mở sông dẫn hồ; bốn Phục Tàng, ẩn theo bảo vệ Chuyển Luân Vương có phúc lớn. Quyến thuộc của rồng rất ít sân tâm và thường nghĩ việc phúc đức, dùng thiện tâm mà làm mưa khiến cho ngũ cốc của thế gian được nảy nở.

Tín ngưỡng thờ Long Vương trong Phật giáo Tây Ninh

Khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sanh, có chín con rồng phun hai dòng nước ấm tắm cho đức Phật, nên có câu kệ rằng “Cửu long phúng thuỷ thiên ngoại lai”. Hiện nay ở các chùa có thờ toà Cửu Long ghi nhận sự kiện này.

Trong lần đi Huế, Quốc ân Đại Hoà thượng Từ Nhẫn, một vị danh tăng của Nam bộ có nhiều ảnh hưởng với Phật giáo Tây Ninh được vua Khải Định ban cho toà Cửu Long bằng đồng, nay đang thờ tại chùa Sắc tứ Thới Bình (tỉnh Long An).

Việc thờ cúng Long Vương trong các chùa Phật giáo ở miền Bắc và miền Trung không đậm nét nhưng phổ biến ở miền Nam. Ở miền Bắc, Long Vương, Thuỷ thần đa phần được thờ tại các đình, đền hay miếu, ít thấy thờ ở chùa. Các chùa ở miền Trung hầu như không có thờ tượng Long Vương,

Hiện trong nhiều ngôi cổ tự ở Tây Ninh và Nam bộ có thờ tượng Long Vương hay thực hành các nghi thức về Long Vương. Việc thờ cúng Long Vương phổ biến trong các chùa ở Nam bộ, bên cạnh ý nghĩa rồng hộ trì Phật pháp còn do ảnh hưởng từ vùng đất - nơi hội tụ của nhiều tộc người, trong đó có sự giao thoa văn hoá Việt - Hoa, Phật giáo nhập thế tiếp nhận tín ngưỡng thờ Long Vương vào cúng ở chùa.

Long thần với vai trò hộ trì tam bảo nên thường thấy thờ cùng trên bàn thờ Hộ pháp Vi Đà với tôn hiệu “Long thần Hộ pháp” hay được biểu hiện qua hình tượng rồng ngậm giáng ma xử của Hộ pháp, trong lễ Thù ân thập bát bái có lạy “Đại vì Thiên Long Bát bộ, Hộ pháp thánh chúng ân, đảnh lễ thường trụ tam bảo”.

Tranh bích hoạ cá hoá long năm 1997 ở chùa Linh Sơn Thanh Lâm (Gò Dầu)

Trong những ngôi chùa cổ như chùa Phước Lưu (Trảng Bàng), Linh Sơn Tiên Thạch (núi Bà Đen), Thiền Lâm (Hoà Thành)… có thờ bộ tượng Thập bát La Hán được chạm khắc mang đậm chất dân gian, trong 18 tượng La Hán có tượng Hàng Long La Hán. Tương truyền, ở Ấn Độ cổ có một tên ác ma xúi giục, kích động người dân sát hại tăng nhân, huỷ tượng Phật, cướp kinh sách.

Long Vương đã dùng nước bao phủ đem kinh Phật về long cung, sau tôn giả Khánh Hữu (Nandimitra Arahat) đã hàng phục Long Vương thu hồi kinh Phật, cho nên người đời gọi ông là Hàng Long La Hán. Tượng của ông trong bộ Thập bát La Hán thường được tạc với một con rồng.

Ở các chùa hay trong pháp hội trai đàn thường bày bộ tượng (hoặc tranh) Tứ Thiên vương, như điện Phật chùa Linh Sơn Tiên Thạch, Linh Sơn Phước Trung (núi Bà Đen) Tứ Thiên vương được đặt ở tứ trụ trước bàn thờ Phật. Bốn vị Thiên vương thường được nhắc đến trong các kinh Phật, có Quảng Mục Thiên vương tay cầm con rồng biểu trưng cho chữ “thuận” trong câu “phong điều vũ thuận”.

Trong nghi lễ thiền môn ở Tây Ninh, vào thời công phu khuya các ngày sóc, vọng (tức mùng 1 và ngày 15 nông lịch) hằng tháng ở các cổ tự còn thực hiện các nghi thức chúc tán tại các bàn thờ, trong đó có nghi thức chúc Long Vương, nghi thức này được thầy cả (chủ lễ) thực hiện tại bàn thờ Long thần Hộ pháp, những chùa ở Nam bộ có bàn thờ Long Vương thì thực hiện nghi thức tại bàn thờ này.

Thầy cả cùng duy na, duyệt chúng và đại chúng trong chùa đến trước bàn thờ chúc tán, lễ bái, trong đó có bài tán “Long Vương thánh chúng/ Công đức nan lường/ Ngũ hồ tứ hải tán quỳnh tương/ Nhứt trích sái thanh lương/ Khâm giả trừ ương/ Duy nguyện giáng kiết tường”.

Khi xưa, làm nông nghiệp, trồng lúa là chủ yếu nên thời tiết rất quan trọng đối với người dân, những mong muốn về “Quốc thới dân an - Phong điều vũ thuận” được thể hiện trong câu chúc, văn khấn hay các bức hoành phi trong đình, chùa.

Dân gian quan niệm rồng có khả năng gọi gió làm mưa, nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của cư dân; chư tổ xưa hằng năm tổ chức cầu an, cầu phong điều vũ thuận nên ở các chùa xưa còn có nghi thức Kỳ vũ Long Vương, trong khoa cúng có đọc chú và tán tụng.

Thầy cả cầm thủ lư trong lễ cúng tại chùa Linh Sơn Tiên Thạch (núi Bà Đen)

Trong ứng phú đạo tràng, Phật giáo Tây Ninh và cả Nam bộ có khoa Cấp thuỷ thỉnh Long Vương, Hà Bá, Thuỷ Quan. Nghi thức này thường được thực hiện trong đám trai đàn. Đặc biệt, khoa Cấp thuỷ là một phần trong lễ vía Linh Sơn Thánh Mẫu được thực hiện theo nghi thức Phật giáo tại chùa Linh Sơn Tiên Thạch và điện Bà ở núi Bà Đen, góp phần làm nên di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Nghi thức được thực hiện tại bàn thờ Giám Trai sứ giả Bồ tát ở nhà trù (bếp), thầy cả đắp y, đội mão cùng duy na, duyệt chúng và đại chúng tán tụng, lễ bái trước bàn thờ, có đánh tum, đẩu và nhạc lễ. Trong nghi thức có câu thỉnh Long Vương: “Nhất tâm phụng thỉnh quyền tri thuỷ giới chức thuộc hải tào oai linh kiểm soát ư giang hà cảm ứng khứ trừ ư nguyên phái tỉnh tuyền Long Vương thuỷ tư chơn tể”.

Tượng Long thần Hộ pháp ở chùa Phước Lưu (Trảng Bàng)

Đến nay, ở Tây Ninh còn lưu giữ quyển “Cấp thuỷ khoa nhất quyển” được Giáo thọ Nguyên Tấn - Từ Quang ở chùa Phước Lưu (Trảng Bàng) biên soạn trong những năm 1924-1928 bằng chữ Nho. Khoa Cấp thuỷ còn được Hoà thượng Nguyên Cần - Giác Hạnh ở chùa Linh Sơn Tiên Thạch (núi Bà Đen) biên soạn trong hai bộ sách “Khoa Việt” bằng chữ Nho vào hai năm 1933-1934.

Về sau, Thượng toạ Niệm Thắng ở chùa Hiệp Long (thành phố Tây Ninh) có biên soạn lại bằng chữ Nho, để thuận tiện nhiều chùa đã phiên âm, dịch nghĩa sang chữ Việt và sử dụng phổ biến trong Phật giáo Tây Ninh và các ban kinh sư ở Nam bộ.

Rồng trong nghệ thuật Phật giáo Tây Ninh

Trong kinh điển Phật giáo, rồng hộ trì tam bảo. Với dân gian, rồng là linh vật trong tứ linh long, lân, quy, phụng hay tứ tượng thanh long, bạch hổ, chu tước, huyền võ; rồng là chi Thìn trong thập nhị Địa chi tức một trong 12 con giáp và còn là con vật đại diện cho sự tôn nghiêm, quyền lực, thịnh vượng được sử dụng trong trang trí. Tại Tây Ninh, đa số tạo hình thể hiện đặc trưng của rồng thời Nguyễn, trong trạng thái vờn mây, các khối mây và sóng nước được đan cài khéo léo tạo thành các mảng giàu chuyển động.

Hình tướng rồng được sử dụng nhiều trong các pháp khí của Phật giáo như chuông, mõ, thủ lư… Trên các tiểu chung (chuông nhỏ), hồng chung (chuông lớn) ở các chùa, hình tướng rồng được sử dụng làm quai chuông.

Theo “Sắc tu Bách Trượng thanh quy”, chương Pháp khí chép: “Đại chung là hiệu lệnh của tòng lâm” hay trong các kinh điển cũng ghi lại tiếng hồng chung đánh lên là để cảnh tỉnh quần sanh, tất cả khổ não đều dứt hết, tiếng chuông đưa về nhất tâm…”.

Hiện ở Tây Ninh còn một số hồng chung cổ như hồng chung chùa Phước Lưu (Trảng Bàng) có niên đại năm Tân Tỵ (1881), hồng chung chùa Hội Phước (Trảng Bàng) có niên đại năm Bính Thân (1896), hồng chung chùa Phước Lâm (Trảng Bàng) có niên đại năm Ất Tỵ (1905), hồng chung chùa Thiền Lâm (Hoà Thành) có niên đại năm Giáp Tý (1924)…

Mõ cũng là một trong những pháp khí quan trọng của Phật giáo, nhiều chùa sử dụng mõ chạm cá hoá rồng nhằm biểu đạt chuyển phàm thành thánh. Các chùa thường dùng mõ kiểu Huế chạm song ngư hoá long; đặc sắc ở chùa Tịnh Thành (Trảng Bàng) có mõ độc ngư hoá long do chính Hoà thượng Phước Sanh tạo tác vào khoảng năm 1920 khi lập chùa.  

Thủ lư là một loại lư hương có cán để cầm trên tay, dùng khi hành lễ. Thủ lư được tạo hình dùng đầu rồng làm lư, thân rồng làm cán, đầu lư để cắm hương (nhang), có khi được cắm hoa tươi hoặc hoa giấy để cúng dường, hai tay cầm cán lư. Trong các chùa và ban kinh sư ở Tây Ninh đều có dùng loại lư này.Thượng toạ 

Thầy Thích Huệ Trí vẽ rồng làm đồ đàn ở chùa Linh Sơn Thanh Lâm (Gò Dầu).

Ngoài ra, hoa văn rồng còn được sử dụng trên trang phục như mão tỳ lô, mão hiệp chưởng, mão Quan Âm, y ca sa, y hậu, hia… của các vị ứng phú sư.

Trong kiến trúc cổ ở Nam bộ nói chung và các chùa xưa ở Tây Ninh nói riêng, rồng được sử dụng phổ biến trong đồ án trang trí như chạm khắc gỗ trên long vị, mộc bản, hoành phi, liễn đối, bao lam, long trụ, khánh thờ, đầu đao, xà, kèo... hoa văn trên các tượng thờ, tượng rồng với chủ đề lưỡng long tranh châu, cá hoá rồng trên mái chùa…

Hiện tại, chùa Phước Lưu (Trảng Bàng) có hơn 12 long vị thờ vua, chư vị tổ sư được chạm gỗ lộng hoa văn rồng rất tinh xảo; ở trục chính của chùa từ chính điện đến tổ đường, thánh tăng đường, quá đường, các hoành phi “Đại hùng bửu điện”, hoành phi hiệu chùa đều có chạm hoa văn rồng, các liễn đối, bao lam, khánh thờ chạm hoạ tiết rồng hay hoa lá hoá rồng rất mỹ thuật và sinh động.

Trong đó, tiêu biểu có bao lam chủ đề “lưỡng long chầu Hộ pháp” được chạm hai mặt rất độc đáo, có niên đại khoảng những năm 1900 khi Hoà thượng Trừng Lực cải tạo am Bà Đồng thành chùa Phước Lưu, do thợ mộc ở làng An Tịnh thực hiện.

Bên cạnh đó, các hoa văn trên tượng gỗ, tượng gốm tại chùa cũng có hoạ tiết rồng, trên mái chùa có các bộ tượng gốm trang trí như lưỡng long tranh châu, cá hoá rồng thuộc dòng gốm Cây mai xưa do lò Bửu Nguyên tạo tác từng vang tiếng một thời.

Đặc biệt, chùa còn lưu giữ hơn 30 mộc bản là nguồn di sản tư liệu phong phú về Phật giáo Tây Ninh xưa, trong đó có mộc bản pháp phái thế độ chạm khắc hoa văn rồng. Chùa Phước Lưu là ngôi cổ tự duy nhất trong tỉnh còn giữ được kiến trúc cổ cùng những giá trị lịch sử, văn hoá, nghệ thuật của Phật giáo và vùng đất Tây Ninh, đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh.

Hồng chung năm Tân Tỵ (1881) và tiểu chung quai rồng ở chùa Phước Lưu (Trảng Bàng)

Tại chùa Linh Sơn Tiên Thạch (núi Bà Đen) còn hai trụ chạm trổ rồng trên đá rất mỹ thuật, đây là dấu tích của Hoà thượng Tâm Hoà trong lần đại trùng tu chùa vào những năm 1922-1924.

Tranh tường (bích hoạ) trở thành thị hiếu ở Nam bộ từ những năm đầu thế kỷ 20, các chùa ở Tây Ninh cũng sử dụng tranh tường để trang trí. Đặc biệt, tại chùa Linh Sơn Thanh Lâm (Gò Dầu) hiện còn hai bức vẽ rồng của Hoà thượng Huệ Lạc, một bức vẽ trên tôn thiếc song long phun nước năm 1992, trong dòng nước có chữ “phước” và “huệ” với ngụ ý phước huệ song tu; bức bích hoạ vẽ cá hoá rồng với biểu đạt chuyển phàm thành thánh- ngụ ý phấn đấu tu tập sẽ đạt kết quả giác ngộ giải thoát, trên tranh có lạc khoản “Thích Huệ Lạc” là tên tác giả, “Đinh Sửu niên trọng thu” (tháng 8 năm 1997) là niên đại của tranh.

Tại chùa Hội Phước Hoà (Trảng Bàng) có bức tranh thờ Hoà thượng Hồng Đức - Hoa Quang, trên tranh vẽ rồng quấn quanh hộ thể Hoà thượng, đây là đề tài hiếm gặp trong tranh thờ các vị tăng ở Tây Ninh và cả Nam bộ.

Tranh rồng hộ thể Hoà thượng Hồng Đức - Hoa Quang ở chùa Hội Phước Hoà (Trảng Bàng)

Rồng là linh vật trong dân gian, được đạo Phật tiếp nhận trên tinh thần nhập thế để trở thành một trong Bát bộ chúng hộ trì Phật pháp. Trong Phật giáo Tây Ninh, rồng đã hiện diện trong tín ngưỡng ở các chùa qua việc thờ tự và các nghi lễ; rồng còn hiện diện trong nghệ thuật Phật giáo, trở thành đồ án trang trí trên pháp khí, chạm khắc gỗ, gốm, đồng, đá, hội hoạ, đồ đàn…

Qua đây cho thấy chư tổ Phật giáo Tây Ninh đã khế lý, khế cơ, khế thời, khế xứ- tức dựa trên nền tảng giáo lý của đức Phật mà hành đạo phù hợp với hoàn cảnh, con người, vùng đất và bản chất xã hội đương thời để hoằng pháp lợi sanh.

P.T.P

Tin cùng chuyên mục