Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Rồng trong tâm thức người Việt
Thứ tư: 08:54 ngày 21/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trong 12 con giáp, Rồng là con vật duy nhất không có trong đời thực mà được hình thành bởi trí tưởng tượng của con người. Từ nguyên mẫu Rồng, đời sống sinh hoạt và ngôn ngữ người Việt đã phát sinh những tên gọi khác như: giao long, thuồng luồng, đều là những con vật nằm trong trí tưởng tượng.

Ngoài ra, Rồng còn được gọi theo âm Hán Việt là Long, theo bảng can chi là Thìn với các năm: Giáp Thìn, Bính Thìn, Mậu Thìn, Canh Thìn và Nhâm Thìn. Theo quan niệm của người phương Đông, Rồng là biểu tượng của quyền lực phong kiến và của hạnh phúc vẹn toàn.

Rồng đá trong điện Kính Thiên là một di sản kiến trúc nghệ thuật tuyệt tác, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Lê sơ. (Nguồn: hoangthanhthanglong.vn)

Rồng trong đời sống con người

Rồng không chỉ có trong quan niệm của người phương Đông mà cũng tồn tại trong cuộc sống của các nước phương Tây. Rồng phương Đông có mình rắn, vẩy cá, bờm sử tử và sừng hươu, không có cánh nhưng có sức mạnh đi mây về gió; Rồng châu phương Tây được miêu tả như một loài thằn lằn lớn với đuôi dài và khỏe, có 4 chi lớn, móng vuốt sắc nhọn và 2 cánh to khỏe, nhiều gai. Rồng vừa có thể phun nước lại vừa có thể phun lửa.

Nhắc đến Rồng là nhắc đến con vật có phong cách uy nghiêm dữ dội bậc nhất trong tất cả các con vật của bảng can chi. Rồng đối với người phương Đông vì thế tượng trưng cho sức mạnh và sự thống trị nên hay được gắn với vua chúa.

Trong hệ thống từ vựng Hán Việt đã hình thành một lớp từ để chỉ các đồ đạc, vật dụng thuộc về vua với chữ “long” (Rồng) đi kèm: long bào, long sàng, long xa, long giá, long nhan, thuyền Rồng… Vị thần hô mưa, tạo gió được gọi là long vương.

Chữ “long” cũng mang ý nghĩa gắn với những điều tốt lành, hạnh phúc, phát triển. Đấy là cơ sở để hình thành nên một loạt các từ ngữ như: long mạch, long môn, long phụng, long vận, long vân (hội Rồng mây).

Trong phong thủy xây dựng nhà cửa hoặc đền chùa miếu mạo, người ta thường trang trí, chạm khắc Rồng hổ và có các câu thành ngữ quen thuộc: Tả thanh long hữu bạch hổ, lưỡng long chầu nguyệt, lưỡng long tranh châu… với mong muốn những điều tốt đẹp sẽ đến. Nhiều địa danh nổi tiếng của Việt Nam được đặt tên với chữ Long (Rồng): Hàm Rồng, Hàm Long, Thăng Long, Hạ Long, Cửu Long, Bạch Long Vĩ, Long Đỗ, Long Điền…

Rồng cũng có khi được ví với những nhân vật có khả năng phi phàm, đặc biệt, chẳng hạn như trong câu chuyện của Khổng Tử nói với môn đệ về Lão Tử: “Loài chim ta biết nó bay được; loài cá ta biết nó lội được; loài thú ta biết nó chạy được. Chạy thì ta dùng lưới để bẫy, lội thì ta dùng câu để bắt, bay thì ta dùng tên để bắn. Đến loài Rồng cưỡi gió mây mà lên trời thì ta không sao biết được. Hôm nay ta gặp ông Lão tử, ông là con Rồng chăng?”

Khác với phương Đông, Rồng với nhiều đất nước phương Tây xuất hiện như một biểu tượng của cái ác và gần với quỷ dữ. Rồng thường gắn với nhiệm vụ là con vật canh giữ các kho báu được giấu kín, phải đánh bại Rồng thì mới vào được kho.

Màn múa rồng mở đầu Lễ khai hội chùa Hương Xuân Giáp Thìn, ngày 15/2/2024. (Nguồn: TTXVN)

Rồng trong tâm thức người Việt

Rồng trong tâm thức của người Việt mang tính biểu tượng cho nguồn gốc dân tộc. Người Việt tự hào là con Rồng, cháu Lạc, được sinh ra từ bọc trăm trứng; mang sức mạnh của Rồng Tiên. Do vậy, hình ảnh của Rồng luôn gắn bó mật thiết với truyền thống, văn hóa, đời sống người dân Việt Nam.

Hình ảnh Rồng thường gắn với việc đi mây về gió, phun nước làm mưa, cứu giúp người dân qua khó khăn, hoạn nạn, thể hiện qua hai truyện cổ tích tiêu biểu là Sự tích hồ Ba Bể và Sự tích đầm Mực.

Trong truyện Sự tích đầm Mực, hai anh em con vua Thủy tề vì hết lòng muốn cứu người dân vùng Thanh Đàm khỏi nạn hạn hán nên đã làm trái ý trời, lấy nghiên mực để làm mưa. Hai anh em sau đó đã bị trời xử phạt, phải chịu tội chết, xác hiện nguyên hình là hai con thuồng luồng (Rồng). Cụ đồ dạy học, người đề nghị hai anh em làm mưa cứu dân vô cùng thương xót, đã tổ chức đưa đám và chôn cất tử tế cho hai con thuồng luồng.

Trong thơ ca, văn học, ca dao, tục ngữ, thành ngữ của người Việt, Rồng luôn gắn với những điều tốt đẹp: Rồng bay phượng múa, Rồng đến nhà Tôm, Một ngày tựa mạn thuyền Rồng/ Còn hơn chín kiếp ngồi trong thuyền chài, Trứng Rồng lại nở ra Rồng/ Liu điu lại nở ra dòng liu điu, Cá chép hóa Rồng, Cá gặp nước Rồng gặp mây, Có phúc trúc hóa long, Nước chảy lòng ròng như long cuốn thủy...; cũng khi là lúc thất thế, bị rơi vào những hoàn cảnh khó khăn, không phù hợp với vị trí cao quý đáng có: Rồng thất thế hóa thành rắn, Rồng vàng tắm nước ao tù…

Tạo hình của Rồng trong tâm thức người Việt có sự biến đổi theo lịch sử các triều đại phong kiến, in dấu phong cách hoặc tư tưởng của người cai trị.

Rồng thời Lý có đường nét uốn khúc nhẹ nhàng, đơn giản trong tạo hình: thân dài, uốn khúc và mang vẩy. Sang đến thời Trần, Rồng bắt đầu biến đổi nhiều hình vẻ, phát triển đa dạng, mỗi nơi lại có sự khác biệt nhất định. Thân Rồng thời Trần mập mạp khỏe khoắn hơn, vòi ngắn lại, kiểu dáng sừng phong phú, bờm xuất hiện hai loại dải ngắn vòng xuống gáy, vẩy nhiều hơn, móng vuốt ngắn và to hơn.

Rồng thời Lê Sơ, vòi được thay thế bằng mũi của loài ăn thịt, trông dữ hơn, thêm lông mày cùng bộ râu quai nón rậm, thân hình to khỏe cứng cáp kết hợp với mây lửa, sức mạnh uy quyền đế vương được thể hiện qua hình ảnh con Rồng 5 móng.

Đến thời kỳ Lê Trung Hưng, với sự nở rộ của nhiều kiến trúc đình chùa, hình tượng con Rồng cũng theo đó mà phát triển rất phong phú, trong đó nổi bật nhất là râu bờm, mây lửa đều duỗi thẳng sắc nhọn.

Thời Cảnh Hưng gần giữa thế kỷ XVIII, con Rồng đuôi xoáy xuất hiện với thân Rồng mảnh hơn và được cho là xuất hiện sớm nhất trên các sắc phong. Hình tượng này cơ bản được giữ nguyên, ở triều Nguyễn và phát triển thêm một số đặc điểm như: độ uốn khúc không còn đều đặn mà nhỏ dần về đuôi, trán lõm hơn và bợt ra sau, đuôi duỗi ra với các dải lông thưa thớt, cũng có khi sắc nhọn tua tủa...

Rồng hay còn được gọi là Long, là loài vật xuất hiện trong cả văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây. Trong kinh Phật, Rồng là linh vật nằm trong bát bộ Thiên Long. Về phong thủy, Rồng được coi là một trong bốn linh vật mang may mắn: Long, Lân, Quy, Phượng. Rồng đối với người phương Đông, trong đó có Việt Nam, là linh vật mang trên mình sức mạnh thiên nhiên đại diện cho 4 yếu tố cấu tạo nên vũ trụ: nước, lửa, đất, gió.

Trong tất cả các tạo hình con Rồng thời phong kiến, có lẽ đặc biệt nhất là tượng Rồng đầu cắn thân chân xé mình, cao 79 cm, chiều ngang 136cm, chiều dài 103 cm, tổng trọng lượng 3 tấn, được tìm thấy năm 1991 khi nhân dân địa phương tiến hành tu sửa đền thờ thái sư Lê Văn Thịnh tại phía nam núi Thiên Thai, thôn Bảo Tháp, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Pho tượng thể hiện một trạng thái sống động, đau đớn, quằn quại, bi thương phẫn uất đến cùng cực. Nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật cho rằng tác giả bức tượng này muốn thể hiện nỗi đau đớn oan khuất của thái sư Lê Văn Thịnh khi bị vu oan là hóa hổ để giết vua. Nhưng thông điệp của tác phẩm có lẽ còn lớn hơn như thế.

Con Rồng vốn là biểu tượng tối thượng cho đấng minh quân, Rồng mà tự cắn vào thân thì làm sao có thể bay lên được nữa. Điều ấy cũng giống như làm vua mà không anh minh, mà để xảy ra các án oan khuất, nhất là đối với những kẻ sĩ tài năng và đức độ, thì đó chính là ngọn nguồn của bao đau khổ và hủy hoại chính mình.

Rồng đối với tâm thức của người Việt Nam luôn là biểu tượng của sự cất cánh, sự phồn vinh, phát triển. Từ trong giấc mơ của mình, vua Lý Thái Tổ thấy một con Rồng vàng bay lượn giữa bầu trời trong xanh, ngài nghĩ đây chính là điềm báo về cho một vùng "đất hứa" cho sơn hà bền vững muôn đời nên đã chuyền kinh đô từ Hoa Lư về Đại La và đặt tên mới là Thăng Long.

Theo truyền thuyết dân gian Việt Nam, sự ra đời của Vịnh Hạ Long là do đàn Rồng được Ngọc Hoàng sai xuống hạ giới giúp người Việt đánh giặc ngoại xâm. Từ đó nơi đây được gọi là vùng đất "Rồng ngự".

Dù trong bất cứ giai đoạn phát triển nào, Rồng vẫn luôn sống trong cảm thức của đông đảo người Việt và gắn với những giá trị đẹp đẽ, phát triển và trường tồn.

Nguồn baoquocte

Tin cùng chuyên mục