Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Từ phản ánh của người dân
Rừng phòng hộ Dầu Tiếng lại mất thêm nhiều cây rừng trồng
Thứ hai: 05:51 ngày 21/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo ghi nhận bước đầu, tức chưa khảo sát hết toàn bộ diện tích thực tế, nếu căn cứ vào thông tin về thời gian được đánh dấu trên các gốc cây, thì năm 2018 số cây rừng trồng bị cưa trộm tại tiểu khu 56, 57, 58 là hơn 50 cây, một con số đáng lo ngại.

Một cây tràm bông vàng bị cưa gốc tại tiểu khu 56.

Trước đây, Báo Tây Ninh có bài phản ánh về tình trạng nhiều cây rừng trồng bị lâm tặc cưa trộm tại tiểu khu 56, 58, 59 thuộc rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Sau đó, ngành chức năng kiểm tra, kết luận tại khoảnh 1, tiểu khu 56; khoảnh 9, tiểu khu 59; khoảnh 2, tiểu khu 58 có tổng số cây bị cưa, chặt là 26 cây, ước tính khoảng 19,7m3. Mới đây, người dân địa phương phản ánh cây rừng trồng tại tiểu khu 56, 57, 58 bị mất trộm với số lượng không nhỏ.

Cụ thể, tại tiểu khu 56, vị trí cặp vườn cao su của ông Ba Tý (tổ 12, ấp Suối Bà Chiêm, xã Tân Hoà, huyện Tân Châu) có khoảng 15 cây tràm bông vàng bị cưa lìa gốc, phần lớn số thân cây không còn tại hiện trường. Thật đáng lo ngại về mức độ lộng hành của lâm tặc, vì sau vụ 26 cây rừng bị mất, chốt bảo vệ rừng tại tiểu khu 56 được di dời vào khoảng giữa khu rừng (trước đó chốt đóng gần ngoài bìa rừng) nhưng vẫn có nhiều cây tràm bị cưa trộm gần chốt. Được biết, phần lớn cây tràm và cây dầu tại khu rừng này được trồng từ trước thập niên 1990, nên đường kính gốc khá to, giá trị kinh tế không nhỏ.

Khảo sát rộng hơn về hướng tiểu khu 57 và 58 thuộc địa bàn ấp Trảng Trai, xã Tân Hoà. Tại khu vực rừng trồng hợp đồng với ông Phương, có khoảng 12 cây dầu với đường kính gốc ước tính hơn 40cm bị cưa hạ. Hiện trạng, vẫn còn một số thân cây dầu đã bị lâm tặc cưa thành đoạn nhưng chưa kịp vận chuyển ra khỏi rừng.

Cách đó không xa, tại khu đất thuộc rừng trồng hợp đồng với ông Việt, 3 cây xà cừ với đường kính gốc hơn 1m bị bức tử theo kiểu tương tự. Ngoài ra, tại khu đất trồng rừng hợp đồng với ông Kha (giáp ranh khu đất ông Tư Triệu) phát hiện thấy 21 cây xà cừ chỉ còn trơ lại gốc và phần ngọn. Chưa hết, tại một khu đất rừng trồng hợp đồng khác của ông Kha (phía sau xưởng cưa của ông Đức), 5 cây dầu và 1 cây nghi gỗ cẩm lai cũng cùng chung “số phận” thân lìa khỏi gốc.

Thực tế, trên mặt cắt gốc của những cây bị cưa đều đã được đánh dấu và ghi rõ thông tin về ngày, tháng, năm, đường kính, địa điểm, số thứ tự cây bị mất tại nơi xảy ra sự việc. Theo đó, thời gian được đánh dấu trên các gốc cây là từ khoảng tháng 10 đến tháng 12.2018. Phần lớn số cây được đánh dấu trong khoảng tháng 11 và 12.2018.

Ông Nguyễn Văn Quang - Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng cho biết: “Lực lượng bảo vệ rừng kiểm soát số cây bị mất bằng cách đánh dấu như vậy để tiện trong việc quản lý. Vấn đề mà phóng viên đang đề cập đã được anh em bảo vệ rừng báo cáo lên Ban Quản lý rừng. Công tác giữ rừng tại những khu vực nêu trên quả thật có gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, diện tích rừng trải rộng nhưng lực lượng bảo vệ mỏng, rừng nằm gần đất sản xuất và khu dân cư, lại có nhiều con đường nhánh trong rừng thông ra các tuyến đường lớn và sông Sài Gòn…”.

Như vậy, theo ghi nhận bước đầu, tức chưa khảo sát hết toàn bộ diện tích thực tế, nếu căn cứ vào thông tin về thời gian được đánh dấu trên các gốc cây, thì năm 2018 số cây rừng trồng bị cưa trộm tại tiểu khu 56, 57, 58 là hơn 50 cây, một con số đáng lo ngại.

QUỐC SƠN

Tin cùng chuyên mục