Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Rừng phòng hộ Dầu Tiếng: Tăng cường phòng, chống cháy mùa cao điểm
Thứ sáu: 06:05 ngày 24/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhằm bảo đảm có hiệu quả nhất trong quá trình thực hiện công tác PCCCR hằng năm, dựa trên phương án lập, BQL xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan đơn vị và chính quyền địa phương trên địa bàn.

Lực lượng bảo vệ rừng tuần tra PCCCR

Khu rừng phòng hộ (RPH) Dầu Tiếng có tổng diện tích là 30.164,35 ha. Trong đó, 17.848,07 ha rừng tự nhiên, 7.424,4 ha rừng trồng, 4.891,88 ha diện tích khác. Tổng diện tích cần thực hiện phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trong mùa khô năm 2022-2023 là 24.680,57 ha.

Phòng cháy chủ động

RPH Dầu Tiếng nằm phía Bắc tỉnh Tây Ninh, có đường biên giới giáp với nước bạn Campuchia, phía Đông giáp tỉnh Bình Phước, phía Nam và phía Tây giáp hồ Dầu Tiếng. Hiện nay là cao điểm trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).

Địa bàn RPH Dầu Tiếng rộng, địa hình chia cắt, nhiều đường mòn lối rẽ, nhiều khu dân cư sống ven rừng, gần rừng nên ít nhiều cũng có tác động tiêu cực vào rừng. Tình trạng phát phá, lấn chiếm rừng trong mùa mưa, đốt cháy trong mùa khô để lấy đất sản xuất gây khó khăn cho công tác PCCCR.

Để chủ động trong việc PCCCR đạt hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại tài nguyên do cháy rừng gây ra, trước khi bước vào mùa khô hằng năm, Ban Quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng đã xây dựng phương án PCCCR, làm cơ sở triển khai thực hiện rộng rãi trong toàn đơn vị, chính quyền địa phương các xã có rừng và người dân sống trong rừng, ven rừng biết, cùng tham gia phối hợp thực hiện, nhằm bảo vệ tài nguyên rừng hiện có.

Ông Phạm Chí Trung- Giám đốc BQL khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng cho biết, ngay từ đầu mùa khô, đơn vị đã chỉ đạo các bộ phận trực thuộc bám sát theo phương án PCCCR của đơn vị, đốt thực bì chủ động tại các trảng cỏ lớn trong rừng, ven các tuyến đường đi, đường ranh, bờ lô nhằm tạo đường băng trắng để hạn chế cháy lan vào rừng.

Đồng thời, tổ chức tập huấn nghiệp vụ PCCCR và cứu nạn cứu hộ cho tất cả viên chức, lực lượng bảo vệ rừng; triển khai phương án PCCCR của đơn vị đến từng đội quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn; tăng cường tuần tra thường xuyên tại những vị trí trọng điểm dễ cháy; duy trì, phát huy tối đa các tháp canh lửa hiện có; phân công lực lượng trực PCCCR 24/24 kể cả thứ bảy, chủ nhật và các ngày lễ, tết theo quy định.

Có thể thấy công tác PCCCR tại RPH Dầu Tiếng được triển khai theo hướng chủ động, tại chỗ, phản ứng nhanh. Theo đó, BQL đã cho đào hố lót bạt chứa nước tại chốt bảo vệ rừng tiểu khu 35, 41 nhằm kịp thời ứng phó nếu có xảy ra cháy rừng.

Bố trí trang thiết bị, dụng cụ, máy móc, các bồn chứa nước đầy đủ tại các trạm, chốt, đội quản lý bảo vệ và phát triển rừng, với tinh thần luôn trong tình trạng sẵn sàng ứng phó. Hiện tại, đơn vị thi công đang triển khai xây dựng mới 2 tháp canh lửa tại tiểu khu 39 và 41.

Lực lượng bảo vệ rừng tạm dừng chân nghỉ ngơi sau nhiều giờ đi tuần tra PCCCR.

Khoanh vùng để ứng phó

BQL đã xác định khu vực trọng điểm dễ cháy để từ đó có định hướng trong việc chủ động nguồn nước ứng phó. Cụ thể, trên địa bàn xã Suối Ngô gồm các tiểu khu 32, 33, 34, 38. Trong đó có cả rừng tự nhiên và rừng trồng, vật liệu dễ cháy chủ yếu là lá khô (rừng trồng), đối với rừng tự nhiên thì vật liệu dễ cháy là cỏ tranh, cỏ Mỹ, các trảng cỏ, le...

Nguồn nước hiện có tại địa bàn này là Suối Lam, giếng nước Đồn Biên phòng 817, Trạm Kiểm soát Biên phòng Cây Cầy, Chốt Dân quân Suối Tre, Suối Đá, giếng nước tại các chốt và trạm bảo vệ rừng, hố bom hiện có trong rừng, nguồn nước tại các hộ dân sống ven rừng.

Khu vực trọng điểm dễ cháy trên địa bàn xã Tân Hoà được xác định tại các tiểu khu 36, 37, 43, 44, 47, 48, 49, trong đó cũng bao gồm cả từng tự nhiên và rừng trồng, vật liệu dễ cháy tương tự như trên.

Nguồn nước hiện có tại địa bàn này là giếng nước của nhà máy xi măng, hồ chứa nước của Công ty Tân Việt Bắc, nước sông Sài Gòn, giếng nước Đồn Biên phòng 815, Trạm Kiểm soát Biên phòng Cây Cầy; suối Chà Và; giếng nước tại các chốt và trạm bảo vệ rừng, các hộ dân sống ven rừng.

Ngoài những nguồn nước hiện có nêu trên, BQL còn bố trí thêm các bồn chứa nước 2.000 lít, 5.000 lít tại các vị trí trọng điểm dễ cháy trên toàn khu vực. Bố trí 4 máy cày chở theo bồn nước 5.000 lít thường trực tại các tiểu khu 35, 41, 48, 49, tại Đội Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ấp Con Trăn, trụ sở BQL. Ngoài ra, BQL còn dự đoán về nguyên nhân gây cháy nhằm có hướng kiểm soát, ngăn chặn, phòng ngừa.

Nhằm bảo đảm có hiệu quả nhất trong quá trình thực hiện công tác PCCCR hằng năm, dựa trên phương án lập, BQL xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan đơn vị và chính quyền địa phương trên địa bàn. Qua đó bố trí, sắp xếp, tổ chức lực lượng, chuẩn bị phương tiện của đơn vị và trực tiếp chỉ huy chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra.

UBND các xã có rừng thành lập các tổ, đội PCCCR ở từng xã, ấp, cùng kết hợp với lực lượng quản lý bảo vệ rừng của BQL xây dựng kế hoạch cụ thể trong công tác phối hợp, triển khai và thực hiện các quy định về PCCCR phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tế của địa phương.

Xây dựng phương án PCCCR của địa phương và tổ chức lực lượng tham gia chữa cháy khi xảy ra cháy rừng trên địa bàn thuộc phạm vi mình quản lý, hỗ trợ BQL trong việc chữa cháy khi có yêu cầu.

Theo ông Phạm Chí Trung, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn RPH Dầu Tiếng chưa xảy ra trường hợp cháy rừng. Thời gian gần đây xuất hiện vài cây mưa trái mùa, lượng mưa tuy không lớn nhưng phần nào tăng được độ ẩm tại khu vực và làm giảm nhiệt độ nắng nóng, khô hanh.

Tuy nhiên, không vì thế mà BQL buông lỏng công tác PCCCR. BQL thường xuyên nhắc nhở các tổ, đội PCCCR rừng không được lơ là, trực 24/24 giờ và báo cáo định kỳ về tình hình cháy rừng theo quy định của đơn vị.

Ông Đặng Quang Thắng- Đội trưởng Đội Chuyên trách bảo vệ rừng thuộc BQL cho biết, đối với rừng trồng sau khi được tỉa thưa, các hộ dân có hợp đồng trồng rừng phải có trách nhiệm xử lý phòng, chống cháy.

Cụ thể, các hộ này phải thu gom, dọn dẹp gọn gàng vật liệu dễ cháy như lá, cành, nhánh cây rừng; có thể đốt chủ động có kiểm soát để phòng cháy về sau; cày đường băng phòng, chống cháy, tái trồng cây rừng và tiếp tục chăm sóc theo hợp đồng đã ký kết. Nếu hộ dân nào không làm tốt công tác PCCCR, để xảy ra sự cố cháy thì tuỳ theo mức độ sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.

Ông Thắng còn cho biết thêm, về phía lực lượng quản lý và bảo vệ rừng cũng thường xuyên, liên tục tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tình hình PCCCR đối với các hộ có hợp đồng trồng rừng, nhất là sau khi tỉa thưa cây rừng trồng.

Đồng thời, ngoài các kênh tuyên truyền bằng bảng hiệu hiện có và hệ thống loa phát thanh tại địa phương, trong quá trình đi thực hiện nhiệm vụ hoặc hội họp trong khu dân cư, lực lượng này cũng tích cực tuyên truyền về các quy định liên quan đến bảo vệ rừng và PCCCR cho người dân được biết.

Quốc Sơn

Tin liên quan