Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tản văn
Ruộng mướn
Chủ nhật: 23:47 ngày 05/12/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Người đi làm ruộng mướn không phải lo lúa trúng, lúa thất, thiên tai sâu rầy dịch bệnh gì cả. Chờ tới mùa thu hoạch lúa, cầm bao đến nhà chủ ruộng lấy lúa ngày công lao động.

Mấy hôm nay, gió từ phương Bắc thổi về, trời trở lạnh. Giữa mùa đại dịch, hạn chế tối đa ra đường, một mình, ngồi trong nhà nhâm nhi ly cà phê và bình trà nóng, tôi lại nhớ thời niên thiếu của mình. Hồi đó vào tiết lập đông, cánh đồng quê tôi bắt đầu vào vụ thu hoạch lúa mùa. Nhà nào có làm ruộng thì tất bật với công việc. Nhà tôi cũng có làm ruộng, nhưng không phải ruộng của mình làm chủ, mà mướn ruộng của người khác để làm, nên càng tất bật và vất vả hơn.

Khi ấy, nhà tôi nghèo lắm, ở nông thôn nhưng không có một miếng ruộng “cắm dùi”, cũng không có một cục đất… “chọi chim”. Mẹ tôi mất sớm, hồi anh chị em tôi còn quá nhỏ. Để nuôi các con, ba tôi chuyên đi làm ruộng mướn. Lúc anh chị em tôi ở độ tuổi học cấp hai, ngoài việc đi làm ruộng mướn, ba tôi còn đi mướn ruộng để làm.

Xưa, khoa học kỹ thuật chưa phát triển, đồng ruộng quê tôi chưa cơ giới hoá. Những người làm ruộng, ngoài dựa vào sức kéo (cày, bừa, kéo xe) trâu hoặc bò, còn lại chủ yếu dựa vào sức lực con người.

Vì vậy cần nhiều lao động. Cánh đồng ruộng quê tôi khá rộng, nhưng ruộng đất chỉ tập trung trong tay của một bộ phận nông dân (trung nông, hoặc địa chủ). Còn lại đại bộ phận nghèo “trắng tay”. Ruộng nhiều, chủ ruộng không thể nào kham hết công việc đồng áng, từ khâu làm đất, cấy lúa, bón phân… cho đến thu hoạch, nên phải thuê mướn người làm.

Còn những nông dân nghèo, có sức khoẻ, nhưng không có ruộng đất sản xuất như ba tôi thì đi làm mướn cho chủ ruộng. Chủ ruộng mướn gì làm nấy, cụ thể như đắp bờ, đi cày, bừa (điều khiển trâu (bò) cày bừa), phát năn, dọn đất, bắc mạ, nhổ mạ, cấy lúa, làm cỏ, bón phân…

Tiền công tuỳ theo công việc và sự thoả thuận giữa chủ ruộng và người làm công. Thường một ngày công lao động của người đi làm ruộng mướn được chủ ruộng “đong” cho một táo lúa khô (một thùng, hoặc một thúng, tương đương 20 lít lúa), nhưng phải đợi đến khi chủ ruộng thu hoạch lúa xong, phơi khô, quạt sạch mới đong cho người làm công. Người đi làm ruộng mướn không phải lo lúa trúng, lúa thất, thiên tai sâu rầy dịch bệnh gì cả. Chờ tới mùa thu hoạch lúa, cầm bao đến nhà chủ ruộng lấy lúa ngày công lao động.

Còn đi mướn ruộng làm là những người không có ruộng đất, đến hỏi những người nhiều ruộng đất mà không cần làm, hoặc làm không hết để mướn sản xuất và đong lúa ruộng (gọi đong lúa tô) cho chủ ruộng.

Tuỳ theo ruộng tốt xấu, khó làm hay dễ làm và sự thoả thuận giữa chủ ruộng và người mướn ruộng mà giá lúa mướn ruộng khác nhau. Người mướn ruộng phải ra công làm cật lực, chăm sóc lúa hết mình, luôn lo sợ sâu rầy, thiên tai làm thất mùa. Vì nếu chẳng may thất mùa, người mướn ruộng cũng phải đong lúa ruộng đủ cho chủ. Đong không đủ mùa này phải nợ lại mùa sau. 

Khi còn sống, ba thường kể cho anh chị em tôi nghe, xưa kia nhà nội tôi cũng nghèo lắm, lại đông con. Ba tôi là con trưởng, học chưa hết lớp tư (tương đương lớp 2 ngày nay) trường làng đã phải nghỉ học phụ giúp gia đình.

Khoảng 13-14 tuổi là ba bắt đầu đi làm ruộng mướn rồi. Đến khi có gia đình riêng, ba tôi vẫn tiếp tục “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” làm cho các chủ ruộng trên khắp cánh đồng, để kiếm từng táo lúa nuôi anh em tôi.

Từ khi anh em tôi vào học cấp hai, chi phí tăng cao hơn. Vả lại lúc này anh chị em tôi cũng “trọng trọng” rồi, có thể giúp ba được phần nào công việc, nên ngoài đi làm ruộng mướn, ba còn đi mướn ruộng để làm cho có thêm lúa.

Ba tìm đến người có nhiều ruộng trong làng, hỏi mướn mấy đám ruộng lầy khó làm (khó làm ít ai mướn, chủ ruộng cho mướn rẻ, đong lúa ruộng ít). Tôi còn nhớ, hồi đó ba tôi mướn hơn 50 cao ruộng lầy gần con rạch để làm.

Do ruộng gần rạch phải be bờ giữ nước, cũng như cản nước tràn vào ruộng, chủ ruộng be rất nhiều bờ. Chỉ có hơn 50 cao (hơn nửa mẫu) mà chia ra gần một chục đám ruộng. Tuỳ theo địa hình của mỗi đám ruộng mà gọi tên khác nhau.

Như đám ruộng sâu và nằm dọc theo cánh đồng thì gọi là đám “rỗng dài”; đám ruộng sâu nằm ngang, gọi đám “rỗng ngang”, đám có hình tam giác, gọi đám “kiến bườm”; đám có gò đất cất chòi gọi là đám “gò chòi”, đám có cái ẹo gọi đám “cổ cò”; đám sình lầy nhiều gọi đám “bùng binh”; đám ruộng để bắc mạ, sau đó cấy lúa gọi đám “xướng mạ”; đám sâu nằm phía dưới gọi “đám đáy”…

Để thu hoạch được nhiều lúa, dù ruộng rất khó làm, làm rất vất vả, nhưng từ khâu làm đất đến thu hoạch, ba không hề thuê mướn ai một ngày công nào. Hồi đó vào đầu mùa nghỉ hè (khoảng tháng 4, tháng 5 âm lịch) cũng là mùa dọn ruộng.

Hằng ngày, anh em tôi cùng ba đi phát năn, dọn ruộng. Dọn sạch đến đâu, ba cha con nhổ mạ cấy lúa đến đó. Đến khoảng giữa tháng năm ruộng nhà cấy xong, ba lại đi cấy mướn cho người khác. Đến tháng mười, trời se se lạnh, lúa mùa sớm đã chín.

Lúc này nước dưới ruộng lầy còn đầy, rất khó thu hoạch, nhưng ba nhất định không mướn ai đập lúa (đập ăn chia lúa). Lúc đó, sáng sớm ba chống xuồng qua ruộng, rồi đùng xuống nước cắt lúa. Anh tôi và tôi đi học, còn chị hai ở nhà nấu cơm và làm đủ thứ việc nhà.

Ba long ruộng cắt lúa rồi bó thành từng bó chất lên ghe chống về bến chất lên bờ bến. Buổi chiều, không đi học anh em tôi cùng ba ra ruộng cắt lúa và cũng bó lại chở về bến chất để đó. Cơm chiều xong, ba tranh thủ xuống bến dựng bồ đập lúa.

Đập đầy bồ lúa, ba xúc và vác lên nhà. Khuya dậy ba xuống bến đập tiếp. Khi trời sáng hẳn, ba xúc lúa vác lên nhà. Ăn sáng xong ba lại chống xuồng qua ruộng cắt lúa tiếp. Cứ như vậy mấy cha con tôi lần lượt thu hoạch xong đám này qua đám khác, cho đến khi xong hơn 50 cao ruộng.

Khi ba đập được mớ lúa nào, ở nhà chị hai tôi khê nệ lôi ra sân, rồi trải đệm phơi. Lúa khô, chị cho vô bao để riêng ở góc nhà. Khi ba tôi cắt đập lúa xong, chị phơi cũng sắp xong. Khi chị phơi lúa khô hết rồi, lựa ngày chủ nhật ba tôi đi mượn “xe gió” (dụng cụ quạt lúa, làm lúa lép và rác khô tách khỏi lúa chắc) về mấy cha con quạt lúa.

Quạt lúa xong, ba mời chủ ruộng đến nhà đong lúa mướn ruộng. Đong xong, phần còn lại nhà tôi đổ vô bồ để dành ăn. Vậy mà khi thu hoạch xong lúa nhà, ba tôi còn hỏi đập lúa mướn cho các chủ ruộng khác.

Lao động cực khổ như vậy, nhưng ba tôi không hề than thở tiếng nào, lại còn ráng cho anh em tôi đi học. Ba còn dành dụm, khi tôi học xong cấp ba, ba mua được gần một mẫu ruộng. Từ đó nhà tôi không còn phải mướn ruộng làm nữa. Và ba tôi không còn phải đi làm ruộng mướn. Từ đó cuộc sống gia đình tôi ngày càng ổn định hơn.

T.L

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục