Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 được tổ chức trong 2 ngày với 4 buổi thi, phù hợp với nội dung tinh giản chương trình đã được Bộ GD-ĐT công bố.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ ngày 5-5 đã báo cáo Chính phủ về Kế hoạch thực hiện chương trình năm học 2019-2020 và phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2020.
Thi tốt nghiệp THPT tinh giản, gọn nhẹ
Theo đó, Bộ GD-ĐT phân cấp cho các địa phương tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Mục đích là tổ chức Kỳ thi an toàn, nghiêm túc lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, từ đó điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học trong các nhà trường.
Kỳ thi gồm các bài thi toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (KHTN, gồm 3 môn vật lí, hóa học và sinh học) và khoa học xã hội (KHXH, gồm 3 môn lịch sử, địa lí và giáo dục công dân). Mỗi bài thi tổ hợp có điểm toàn bài để xét công nhận tốt nghiệp THPT và điểm các môn thành phần để hỗ trợ khai thác sử dụng kết quả thi cho các mục đích khác.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 được tổ chức trong 2 ngày với 4 buổi thi, phù hợp với nội dung tinh giản chương trình đã được Bộ GD-ĐT công bố - Ảnh: Ngô Nhung
Thí sinh là học sinh giáo dục THPT phải thi 3 bài thi bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp (KHTN hoặc KHXH); thí sinh là học viên Giáo dục thường xuyên (GDTX) phải thi 2 bài thi bắt buộc là toán, ngữ văn và 1 bài thi tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp (KHTN hoặc KHXH); thí sinh GDTX có thể dự thi thêm bài Ngoại ngữ.
Thí sinh tự do tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 không nhằm mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT được dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp theo nguyện vọng.
Các bài thi toán, ngoại ngữ, KHTN và KHXH thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng; thí sinh làm bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm; kết quả làm bài của thí sinh trên Phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng phần mềm máy tính do Bộ GD-ĐT cung cấp. Bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.
Thời gian làm bài thi cụ thể như sau: Ngữ văn: 120 phút; toán: 90 phút; ngoại ngữ: 60 phút; bài thi KHTN và KHXH: 50 phút đối với mỗi môn thi thành phần. Kỳ thi được tổ chức trong 2 ngày với 4 buổi thi: 1 buổi thi bài thi Ngữ văn, 1 buổi thi Toán, 1 buổi thi Ngoại ngữ và 1 buổi thi bài thi tổ hợp.
Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; phù hợp với nội dung tinh giản chương trình đã được Bộ GD-ĐT công bố. Bộ GD-ĐT xây dựng và cung cấp đề thi cho các địa phương để tổ chức thi đồng loạt cùng một thời điểm trong cả nước nhằm đảm bảo mặt bằng chất lượng chung trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Các địa phương chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi ở địa phương mình bảo đảm an toàn, nghiêm túc. Cán bộ tham gia công tác tổ chức thi là cán bộ, giáo viên của địa phương (cán bộ coi thi, giám sát thi sẽ là giáo viên của tỉnh và có sự đổi chéo giáo viên giữa các trường với nhau).
Kết quả kỳ thi được các sở GD-ĐT dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và được cụ thể hóa trong Quy chế thi. Học sinh học hết chương trình nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được Hiệu trưởng trường THPT hoặc Giám đốc trung tâm GDTX cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT theo quy định của Luật Giáo dục 2019.
Tuyển sinh ĐH: Xáo trộn vì nguyện vọng "ảo"
Về công tác tuyển sinh ĐH, CĐ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết công tác tuyển sinh được các cơ sở giáo dục ĐH triển khai theo tinh thần tự chủ, đúng quy định của Luật Giáo dục đại học, với các phương thức tuyển sinh khác nhau như sử dụng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả học THPT (học bạ), phỏng vấn, kiểm tra,… hoặc bổ sung các cách đánh giá khác để tuyển sinh cho phù hợp.
Các trường tốp đầu, có mức độ cạnh tranh cao thì có thể tổ chức kỳ thi riêng theo quy định của Bộ GD-ĐT (ví dụ kỳ thi đánh giá năng lực) để tuyển sinh. Kỳ thi này do các trường tự tổ chức độc lập hoặc liên kết thành nhóm tuyển sinh.
Có thể tổ chức tuyển sinh nhiều đợt khác nhau trong năm (như nhiều cơ sở giáo dục ở các nước đã thực hiện). Bộ GD-ĐT điều chỉnh quy chế tuyển sinh phù hợp với quy định tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học theo Luật Giáo dục đại học.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng phương án thi như trên sẽ tạo động lực, thái độ học tập tích cực cho học sinh, nhất là trong bối cảnh học sinh không đến trường do dịch Covid-19 như hiện nay (nếu không thi thì một bộ phận học sinh sẽ không học hoặc học không tích cực). Tuy nhiên, người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài thì kỳ thi tốt nghiệp THPT phần nào cũng sẽ gây áp lực cho một bộ phận học sinh và phụ huynh, nhất là ở những vùng khó khăn.
Bên cạnh đó, các địa phương phải chủ động tổ chức Kỳ thi trong khi thời gian chuẩn bị không nhiều nên có thể phát sinh sai sót, làm ảnh hưởng đến an toàn của kỳ thi.
Ngoài ra, công tác tuyển sinh ĐH, CĐ có thể bị xáo trộn do nhiều trường ĐH, CĐ chưa có đủ thời gian để chuẩn bị đầy đủ cho phương án này. Việc tuyển sinh đầu vào của nhiều trường ĐH, CĐ, nhiều ngành đào tạo có thể bị ảnh hưởng với các nguyện vọng ảo; thí sinh các tỉnh có thể phải tập trung về các thành phố lớn để dự thi các môn thi riêng của một số trường ĐH.
Nguồn NLDO