Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ruxit sẽ giáng một đòn mạnh vào châu Âu nếu xảy ra cùng thời điểm với Brexit
Thứ ba: 15:14 ngày 09/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nếu Nga bị buộc rời khỏi Ủy hội châu Âu (Council of Europe - CE) cùng thời điểm với nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), đó sẽ là một thảm họa cho châu lục.

Một phiên họp của Ủy hội châu Âu. Ảnh: Reuters

Đây là lời cảnh báo Tổng Thư ký Ủy hội châu Âu Thorbjorn Jagland đưa hôm 8-4. “Tôi tin rằng rất nhiều người không hiểu hậu quả mà châu Âu sẽ phải gánh chịu là gì khi Brexit và Ruxit cùng xảy ra. Tuy nhiên, việc đó cũng sẽ sớm xảy đến thôi”, ông Jagland trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Na Uy NTB về nguy cơ Nga rời khỏi tổ chức trong mùa hè này.

Ủy hội châu Âu là một tổ chức quốc tế có mục đích nâng cao nhân quyền, dân chủ và thực thi luật pháp ở châu Âu. CE ra đời năm 1949, với 47 quốc gia thành viên, trong đó có 28 nước Liên minh châu Âu. Các cơ quan nổi tiếng của CE là Tòa án Nhân quyền châu Âu và Ủy ban Dược điển châu Âu.

Vị quan chức trên cho rằng cách duy nhất để châu Âu tránh khỏi thảm họa “đang ngày một lớn dần” này là hoàn toàn phải đảm bảo quyền lợi của phái đoàn Nga tại Hội đồng Nghị viện Ủy hội châu Âu (PACE) – điều không còn được chú ý sau khi Nga quyết định sáp nhập Crimea.

Quay trở lại năm 2014, sau khi Crimea sáp nhập trở lại Nga theo kết quả trưng cầu dân ý, phái đoàn Moskva đã bị mất quyền biểu quyết tại PACE cũng như bị tước quyền tham gia các nhiệm vụ giám sát của Ủy hội châu Âu hoặc gia nhập các cơ quan tổ chức thuộc PACE. Phía Nga đã gọi động thái này là “phân biệt đối xử” và “mang động cơ chính trị”.

Kể từ đó, Moskva liên tục tìm cơ hội giành lại quyền lợi của phái đoàn tại đây. Song đến năm 2015, sau khi xem xét lại vấn đề, tổ chức này thậm chí còn áp đặt các quy định ngặt nghèo hơn đối với phái đoàn Nga.

Diễn biến trên khiến Moskva tức giận, hủy không tham gia phiên họp của PACE và sau đó là không trả các khoản đóng góp cho Ủy hội châu Âu từ năm 2017. Động thái này một lần nữa khiến Nga và Ủy hội châu Âu tranh cãi vì Moskva là một trong những quốc gia quan trọng đóng góp ngân sách cho tổ chức.

Năm 2017, Nga đóng góp 33 triệu euro cho ngân sách CE trong tổng số 454 triệu euro. Quyết định của Moskva đã buộc CE đóng băng 9% chi tiêu ngân sách, cùng với đó khiến tổ chức bị thâm hụt 1,5 triệu euro.

Đầu năm 2019, Hạ viện và Thượng viện Nga đều thông qua nghị quyết, với nội dung rằng Nga sẽ không cử phái đoàn đến PACE và cũng sẽ không trả khoản phí của mình cho CE trong năm nay, với lý do tiếp tục bị phân biệt đối xử.

Nếu một quốc gia thành viên CE không trả phí trong hai năm, quốc gia có thể bị trục xuất khỏi tổ chức. Đối với Nga, thời hạn này sẽ hết hạn vào ngày 1-7.

Moscow nhiều lần ám chỉ rằng mình có thể rời khỏi CE nếu quyền lợi phái đoàn không được cải thiện. Ngày 5-4, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga, Konstantin Kosachev, cho biết Nga “đang cân nhắc về khả năng rời khỏi Ủy hội Châu Âu”.

Mặc dù Jagland chỉ trích việc Nga chưa trả các khoản đóng góp cho ngân sách tổ chức, nhưng ông vẫn thừa nhận phái đoàn Nga tại PACE bị đối xử không công bằng.

Vị quan chức nói rằng một quốc gia chỉ bị tước quyền bỏ phiếu trong trường hợp nước này quyết định rời khỏi CE. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, Nga vẫn chưa rời khỏi CE.

Tuyên bố này của Jagland hoàn toàn đi ngược với phát ngôn trước đó của ông vào tháng 10 năm ngoái, khi ông cảnh báo Nga sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt bổ sung nếu nước này không trả phí cho CE.

Đầu tuần trước, Tổng thư ký Jagland trình bày dự thảo về một thỏa thuận mới sẽ tạo ra khuôn khổ hợp tác vững chắc hơn cho các thành viên CE và sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Ủy hội Châu Âu và Nga.

Hiệp định dự thảo bao gồm bốn điểm và đặc biệt đảm bảo quyền bình đẳng cho tất cả các phái đoàn quốc gia, bất kể trong mọi trường hợp, với tuyên bố việc tham gia vào các cơ quan liên chính phủ của CE, như PACE, không phải là một đặc quyền mà là “trách nhiệm”.

Nguồn Báo Tin tức

Tin cùng chuyên mục