Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Viết ngắn
Sả của ba
Thứ hai: 12:14 ngày 22/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ba mua đậu hủ về kho sả hoặc mua tương hột về xào sả chấm rau hẹ. Lắm lúc không tìm được đạm động vật, cũng không có tiền mua tương, chao, đậu hủ... ba lại đi hái lá giang bằm với sả làm nước mắm. Rồi ba ra rạch hái rau chạy, rau mướp về luộc chấm nước mắm sả...

Cắm cúi rút từng mũi kim trên chiếc nón lá đang chằm chưa được phân nửa, chị nói: -Tao biết bữa nay chủ nhật thế nào mày cũng về thăm ba. Hồi sáng này, tao có mua mấy con lươn về kho sả ớt đó. Hổm rày mưa nhiều, tụi nhỏ hàng xóm đi bắt được mấy con lươn đồng, tao mua hết kho cho ba và mày ăn đó.

Cái món này hồi nhỏ mày hay đòi ba đi đặt trúm về kho cho mày ăn. Tự lấy ăn đi! Tao tranh thủ chằm cho xong cái nón này, chút nữa giao cho người ta. Chừng nào về nhớ nhắc tao cho hũ muối sả về ăn. Tao mới làm mấy bữa nay.

Lời nói mộc mạc, chân tình y như người chị ở độ tuổi mười lăm, mười sáu nói với đứa em bảy, tám tuổi hồi hơn năm mươi năm trước. Nghe lời chị, tôi vào bếp, giở nắp vung mẻ lươn kho ra. Vừa nhìn mẻ lươn kho, tôi ứa nước mắt. Những khứa lươn vàng ươm hoà quyện với sả ớt trông thật bắt mắt. Nghe chị nhắc chuyện cũ và nhìn mẻ lươn kho sả, ký ức của hơn năm mươi năm hiện về trong tôi.

Mẹ tôi mất sớm, tài sản quý giá nhất để lại cho ba là ba đứa con nhỏ. Nhà nghèo, không có miếng ruộng nuôi con, ba đi làm mướn đủ việc. Ngoài thời gian đi làm mướn ra, ba còn tranh thủ mọi lúc, kể cả về đêm, hoặc khi mưa gió ra ruộng đồng, kênh rạch tìm con cá, lá rau cải thiện bữa ăn cho các con. Cùng với cá đồng, lươn, rắn, ếch, cóc, bù tọt, cua, ốc, tép, bù niễng... và chuột đồng nữa, con gì chế biến ăn với cơm ngon miệng là ba tìm bắt.

Ðánh bắt xong cũng chính ba chế biến thức ăn. Trong đó có món lươn kho sả mà chị tôi nhắc đến. Trước kia, nguồn thuỷ sản dưới dòng rạch và trên đồng ruộng gần nhà tôi rất phong phú và đa dạng. Khoảng tháng bảy, tháng tám âm lịch mưa nhiều, nước từ trên đồng tràn xuống rạch, lươn từ cánh đồng sâu rút lên phía triền gò tìm mồi. Thế là ba tôi mang ống trúm đi đặt lươn.

Ban ngày đi làm mướn, khi về mặt trời sắp lặn, ba cũng xách cuốc đi đào trùn làm mồi đặt trúm. Ðặt xong hơn một chục ống trúm, ba về đến nhà cũng bảy, tám giờ tối. Có bữa ba về đến nhà, còn mấy con đỉa đeo dưới chân. Khuya ba dậy sớm đi lấy ống trúm về. Có những ống trúm lươn vô nhiều làm cho lỗ thông hơi bị chìm trong nước, lươn ngộp chết hết. Về nhà, lươn sống ba rộng để dành, còn lươn chết ba lấy tro vuột nhớt làm thịt ngay. Sau đó, ba ra hè giựt mấy tép sả, rồi lộp cộp băm sả, ớt kho lươn liền, bởi sáng ba còn đi làm mướn.

Thuở ấy sau hè nhà tôi, lúc nào cũng có mấy bụi sả tốt tươi chờ sẵn để ba tôi chặt bất lúc nào cần. Không chỉ có lươn kho sả, hầu hết các món ăn của ba làm đều có gia vị sả. Trong đó, món đầu tiên phải kể đến là muối sả. Vào những ngày nắng ráo, tranh thủ buổi trưa rỗi việc, lựa mấy bụi sả già ba cắt vào đem bằm nhuyễn, phơi khô rang muối sả.

Thời ấy, trong nhà tôi lúc nào cũng có mấy hũ muối sả. Nhà nghèo làm gì có tiền ăn bánh canh, hủ tiếu, bánh mì... bữa điểm tâm của cha con tôi thường là cơm nguội - muối sả. Hôm nào “ăn sang” thì muối sả trộn với đường cát vàng (hồi đó có hai loại đường cát vàng và đường cát trắng, đường cát vàng rẻ hơn đường cát trắng).

Vào đầu mùa mưa, đêm đêm ba mang đụt, xách đèn lúp (loại đèn đốt bằng dầu lửa, tim đèn lớn, có bịt thiết chắn gió ba mặt và dồn ánh sáng về phía trước) đi soi. Ếch lớn, ếch nhỏ (gọi ếch giò), cóc, bù tọt... ba chụp cho vào đụt hết. Rồi cũng tự tay ba làm thịt và kho sả cho anh tôi ăn. Phải nói rằng cái món cóc, ếch, nhái kho sả của ba cũng không thua gì món lươn kho.

Nhưng thơm ngon và bổ dưỡng nhất đối với anh em tôi là món thịt chuột đồng chấy sả của ba. Vào mùa nắng, sau khi ruộng đồng ruộng thu hoạch lúa Ðông - Xuân xong, ba vác cuốc ra đồng đào hang chuột. Ðể thơm ngon, bay đi mùi tanh, làm chuột xong ba cũng bứt mấy tép sả, bằm nhuyễn chấy thịt chuột. Thịt chuột chấy sả mùi thơm bay khắp nhà... Vào mùa nước lụt và khi rã lụt cá nhiều.

Chiều tối ba lại đi giăng lưới qua đêm, đến sáng sớm mới đi cuốn về. Cá dính lưới và chết lâu trong nước, để ăn thơm ngon, xua tan mùi tanh của cá, ba muối cá rồi chiên với sả. Mùa nước nổi, ốc dưới sông trên ruộng trôi nổi cũng nhiều, ba cũng đi vớt ốc về luộc với lá sả, hoặc kho ốc với sả ăn cơm. Có lúc khan hiếm đạm động vật, ba lại cho anh chị em tôi đổi món sang đạm thực vật.

Ba mua đậu hủ về kho sả hoặc mua tương hột về xào sả chấm rau hẹ. Lắm lúc không tìm được đạm động vật, cũng không có tiền mua tương, chao, đậu hủ... ba lại đi hái lá giang bằm với sả làm nước mắm. Rồi ba ra rạch hái rau chạy, rau mướp về luộc chấm nước mắm sả...

Không chỉ chế biến được nhiều món ăn ngon từ sả (ngon đối với anh chị em tôi), ba tôi còn biết cách dùng sả trị bệnh. Hồi đó, mỗi lần anh chị em tôi bị cảm, thế nào ba cũng nấu nồi nước xông. Trong nồi xông của ba, không thể thiếu lá sả. Không chỉ dùng trong nhà, ba còn thường cắt sả cho nhiều người trong xóm nấu nước xông. Hồi đó có một vài trẻ em ở quê tôi hay bị động kinh.

Mỗi khi nghe tiếng la “Bớ làng xóm! Bớ làng xóm! Cứu con tôi với!”, bất chấp lúc giữa trưa hay nửa đêm, hoặc mưa to, gió mạnh... ba luôn vội chạy ra hè giựt nhanh mấy tép sả. Rồi vừa chạy, vừa vuốt cho sạch đất và lột bớt lớp vỏ bên ngoài củ sả, ba cho vào miệng nhai ngấu nghiến để kịp đến nơi nhổ vào miệng đứa trẻ đang bị bệnh...

Tôi cũng xin kể thêm, không biết có phải nhờ hồi trẻ ba tôi lao động chân tay nhiều, hay ăn nhiều món ăn có sả, xông lá sả, hoặc là ba không uống rượu... hay là nhờ tất cả, mà từ trước đến giờ, ba tôi luôn khoẻ mạnh. Hiện ba tôi đã gần đến tuổi một trăm. Nhưng từ hồi tôi biết đến giờ, ba chưa hề đặt chân đến trạm y tế xã, đừng nói chi đến bệnh viện nào.

Hiện mắt ba không còn nhìn thấy gì nhưng tai vẫn nghe bình thường, ba vẫn còn đi lại và tự phục vụ cho mình, không nhờ sự trợ giúp của con cháu. Ðặc biệt trí nhớ ba còn rất tốt, chuyện cũ ba nhớ rất nhiều. Hằng ngày, ba vẫn ngồi bên chiếc ti vi nghe thời sự, chiếu phim, bóng đá và các trò chơi giải trí của nhà đài.

T.L

Tin cùng chuyên mục