Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đến với thơ hay
Sắc xuân rạo rực hồn người
Chủ nhật: 09:07 ngày 28/01/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhà thơ Trần Quang Quý sinh năm 1955, quê Phú Thọ, từng tham gia quân đội; nguyên Tổng Biên tập Báo Gia đình & Xã hội; hiện làm việc tại Nhà xuất bản Hội Nhà Văn. Bài thơ viết về con sông của vùng quê Kinh Bắc, quê hương của các liền anh, liền chị quan họ, để nhớ, để thương cho biết bao con người.

Chính vì thế mà nhà thơ đã viết: “ Sông Thương/ sông chảy ướt cả chiều quan họ/ sông chan em lúng liếng lúm đồng tiền/ hàng tre đứng ngâm thơ/ áo tứ thân ghẹo gió/ vắt vào tôi yếm lụa mùa xuân”.

Một loạt hình ảnh và các từ gợi cảm như “chảy ướt cả chiều quan họ, chan em lúng liếng đồng tiền, áo tứ thân ghẹo gió, yếm lụa mùa xuân” gợi mở một trường liên tưởng về vùng quê của gái đẹp, hát hay, múa khéo khiến biết bao chàng trai mơ ước, mong một lần: “vắt vào tôi yếm lụa” với những khát khao mong đợi: “Kìa trăng non treo cong sông Thương/ đong đưa mắt người quan họ/ sông chảy vào tôi một dòng văn hoá/ tôi tắm sông Thương bằng giai điệu/ phú lý tình ấy đôi người ơi...”.

Rồi đây nữa: “giọng em nhúng tôi cái duyên Kinh Bắc/ môi đỏ cau trầu, bờ cỏ giăng giăng váy lụa/ gọi về thảng bến xưa”. Cái chàng trai đa tình ấy, đã khéo nhìn vầng trăng non uốn cong con sông Thương như ánh mắt người quan họ đong đưa, để đắm chìm vào dòng sông lãng mạn thi ca bằng hình ảnh “tắm vào sông Thương”, rồi “nhúng vào

cái duyên Kinh Bắc” mãi mãi thương về cái bến xưa có bờ cỏ “giăng giăng váy lụa”... Những câu thơ cũng tình tứ, ngọt lịm và đằm thắm, khiến nhịp tim ta không khỏi bồi hồi, rung cảm.

Khổ cuối của bài thơ là khúc ru, là sự trân trọng với tình cảm nhớ thương của dòng sông Thương như mùa xuân tươi đẹp đang tràn về: “Sông Thương/ sông rót nhớ vào thương/ sông chảy thương vào nhớ/ chảy men em luênh loang miền dùng dằng cổ tích/ những cánh đồng phơi gió nhân văn/ sông Thương/ sông dắt hồn quê lang thang về biển/ cuộn đất trời vào cặp môi xuân”. 

Hình ảnh “sông rót nhớ vào thương” rồi “chảy thương vào nhớ” với nhịp điệu êm đềm, dịu nhẹ của dòng sông sao mà yêu đến vậy. Cái từ “men em” làm “luênh loang miền dùng dằng cổ tích” cứ níu mãi tình cảm khiến ta không thể nào bứt ra được.

Sông Thương, hay chính em, cô con gái miền quê quan họ đã “dắt hồn quê lang thang” và cả đất trời “cuộn vào cặp môi xuân” mới thực làm nao lòng người trước hình ảnh con sông mùa xuân êm đềm, quyến rũ, bên cạnh tiếng hát ngọt ngào, say đắm lòng người khi một lần dự hội.

Sông mùa xuân và cả lòng người cũng đang rạo rực trước sắc xuân của con người và trời đất. Bài thơ cứ thế ngân nga trong dòng điệu quan họ và tâm hồn của những độc giả yêu thơ...

CHÍNH VŨ

Tin cùng chuyên mục