Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Vậy mà đến nay, sau 3 năm 10 tháng, tấm bảng di tích ấy vẫn… y nguyên như cũ. Việc này cũng đã từng xảy ra ở đình Thanh Ðông, xã Thanh Ðiền, trên bảng di tích của ngôi đình này có ghi rằng: “tổ chức lễ cúng Kỳ yên vào ngày 15-16 tháng 8 âm lịch hằng năm”.
Ðình An Tịnh xưa (tư liệu).
Xã An Tịnh không chỉ là một trong những xã được định danh đầu tiên trên đất Tây Ninh. An Tịnh cũng không chỉ là miền đất đấu tranh dũng cảm mà còn là miền đất dày dặn truyền thống văn hoá, tiêu biểu cho những thôn làng Nam bộ.
Sách “Trảng Bàng phương chí” của Vương Công Ðức, NXB Trí Thức 2016 có một chương gọi là Nhân vật chí. Trong đó tại mục 2, Nhân vật lịch sử đất Trảng có kể đến nhiều người.
Và những tên tuổi nổi bật trong đó chính là người An Tịnh. Ðấy là cụ Nguyễn Vạng Bửu (1853-1944), người anh em bà con với cụ Hồ Văn Chư- lãnh đạo Thiên Ðịa hội ở Trảng Bàng. Cụ từng làm cai tổng Hàm Ninh Hạ, sau lên Tri huyện Trảng Bàng, năm 1909 được bổ làm Ðốc phủ sứ, Tri huyện Tân An.
Cụ Hồ Văn Chư cũng làm Hương cả làng An Tịnh, sau tham gia tổ chức Thiên Ðịa hội của Nam kỳ do Phan Xích Long lãnh đạo, phụ trách huyện ở Trảng Bàng. Cụ đã bị Pháp bắt và kết án lưu đày vĩnh viễn, trước ở Côn Ðảo, sau là đảo Guyana thuộc Pháp.
An Tịnh còn là nơi sinh ra các vị lãnh đạo và tướng lĩnh tài danh của cách mạng như: Bùi Thanh Vân (1928-1994), Nguyễn Thới Bưng (1927-2014), Nguyễn Văn Tốt (1929-2001) (sđd).
Nhắc lại mấy vấn đề đã nêu trong “Trảng Bàng phương chí” chỉ cốt để mọi người hiểu thêm về An Tịnh. Ðấy là miền đất đã từng được nhiều người quan tâm, soi xét, để giữ gìn truyền thống của cha ông.
Vì thế, khi viết về miền đất này rất cần thận trọng. Và sau đây là ý kiến của một người dân An Tịnh, về tấm bảng ghi nội dung di tích lịch sử văn hoá đình An Tịnh. Ý kiến này đã ghi thành một lá đơn “kiến nghị quý Sở xem xét lại”, gửi Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Ðầu tiên, đơn bày tỏ: “Chúng tôi hết sức vui mừng khi nghĩ đến hiệu quả tích cực lan toả của bia sử này đến mọi người dân trong xã mà đặc biệt nhất là giới trẻ…”.
Tuy nhiên, sau đó: “Chúng tôi không khỏi băn khoăn, lúc đầu chưa tin chắc vào trí nhớ của mình, nên trong mấy ngày liền tập trung vào việc truy cập, tra cứu các số liệu có chứng tích lịch sử liên quan đến đình và làng An Tịnh…”. Sau nữa là: “Bảng di tích có khá nhiều khác biệt với sử liệu mà chúng tôi có được”.
Ðình An Tịnh ngày nay.
Người viết đơn kiến nghị ấy là ông Nguyễn Văn Huyền, một thành viên Ban Quý tế miếu Bà An Phú, xã An Tịnh. Ðơn ký ngày 8.9.2013. Tóm tắt lại, ông Huyền phát hiện trên bảng di tích đình An Tịnh có 4 nội dung chưa chính xác như sau.
Một, bảng ghi: “Ban đầu đình, An Tịnh được gọi là đình Bình Tịnh thuộc làng Bình Tịnh, tổng Bình Cách, huyện Thuận An, phủ Tân Bình tỉnh Gia Ðịnh”. Theo ông Huyền, viết tỉnh Gia Ðịnh là sai. Ðúng ra phải là trấn Phan An, thành Gia Ðịnh.
Hai, bảng ghi: “Năm 1909 vua Gia Long năm VIII đã ban sắc cho thành hoàng bổn cảnh đình Bình Tịnh”. Ông Huyền cho rằng điều này không có cơ sở. Chỉ có lần ban sắc phong duy nhất của vua Tự Ðức mà thôi. Và không phải ban sắc cho thành hoàng mà là “ban sắc phong thành hoàng bổn cảnh cho đình An Tịnh”.
Ba, chức danh vua ban trong bản sắc phong thời Tự Ðức chỉ có “Quảng Hậu chánh trực đôn chi hầu” là vừa sai, vừa thiếu.
Bốn, bảng ghi: “Ðình An Tịnh được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia tại Nghị định…” là chưa chính xác. “Nghị định” hay “Quyết định” cần được làm rõ.
Tra cứu lại các nguồn sử liệu chính thống, có thể thấy ngay đa số ý kiến ông Huyền đã nêu là đúng. Như khoản 1, sách “Gia Ðịnh thành thông chí” của Trịnh Hoài Ðức có ghi rằng: “Năm Mậu Thìn Gia Long thứ 7 (1808), ngày 12 tháng giêng, đổi trấn ấy (Phiên trấn) làm trấn Phiên An” (cũng là Phan An- theo cách gọi địa phương).
Cho đến tận năm 1831-1833 thời vua Minh Mạng mới có việc chia cả nước thành 31 tỉnh, thành, trong đó có tỉnh Gia Ðịnh nằm trong “Lục tỉnh Nam kỳ” (theo Nguyễn Ðắc Xuân- “Chín đời chúa, mười ba đời vua Nguyễn”, NXB Thuận Hoá 1996).
Ở chi tiết thứ hai, có sắc phong thành hoàng bổn cảnh cho đình An Tịnh thời Gia Long hay không? Theo những nghiên cứu của Huỳnh Ngọc Trảng và Trương Ngọc Tường trong sách Ðình Nam Bộ xưa và nay, NXB Ðồng Nai 1999 có đoạn: “đến cuối đời Thiệu Trị, sang đời Tự Ðức, tức là giai đoạn tín ngưỡng này (thờ thành hoàng) chính thức được nhìn nhận bằng sắc phong”.
Do vậy, nói đình An Tịnh có sắc phong từ thời vua Gia Long là chưa có cơ sở. Chi tiết này hiện cũng không thấy ở bất cứ sử liệu nào có ở Tây Ninh. Riêng ý: “ban sắc cho thành hoàng” như bảng di tích đã ghi thì lại đúng. Bởi nguyên văn câu đầu của bản sắc ấy là: “Sắc cho bổn cảnh thành hoàng chi thần…” chứ không phải “sắc cho làng…” như các bản sắc phong sau này dưới thời các vua Khải Ðịnh và Bảo Ðại.
Ở chi tiết sai sót thứ ba, thì chắc chắn chức danh ban cho thần ghi trong bảng di tích vừa sai, vừa thiếu. Chức danh ấy gồm 10 chữ Hán, nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường đã dịch nghĩa 10 chữ ấy như sau: “Quảng hậu chánh trực hựu thiện đôn ngưng chi thần”.
Trong khi bảng di tích ghi có 7 chữ mà sai mất 2 chữ (và ngay cả kiến nghị yêu cầu sửa lại của ông Huyền tuy đúng nhưng vẫn còn thiếu mất hai chữ). Mười chữ chức danh này được gọi là mỹ tự vua ban, với ý nghĩa: vừa rộng rãi, dày dặn, vừa chính đáng và ngay thẳng để giúp đỡ dân lành.
Chi tiết cần chỉnh sửa thứ tư thì đúng là phải ghi “Quyết định” mới chính xác. Bởi đình An Tịnh được công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia tại Quyết định số 3211/QÐ-VH ngày 12.12.1994 của Bộ Văn hoá, Thông tin- nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (Bộ VH,TT&DL)
Nhận được tờ đơn kể trên ngày 26.9.2013, Sở VH,TT&DL có văn bản trả lời ngày 21.10.2013. Trong đó có nêu: “Sở… xin tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu, nếu đủ cơ sở sẽ trình các cấp có thẩm quyền chỉnh sửa lý lịch di tích đình An Tịnh”. Ðồng thời cũng: “chân thành cảm ơn ông đã có nhiều nghiên cứu đóng góp cho bảng tóm tắt di tích LS-VH đình An Tịnh… mong nhận được nhiều hơn nữa những đóng góp của ông cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích…”.
Vậy mà đến nay, sau 3 năm 10 tháng, tấm bảng di tích ấy vẫn… y nguyên như cũ. Việc này cũng đã từng xảy ra ở đình Thanh Ðông, xã Thanh Ðiền, trên bảng di tích của ngôi đình này có ghi rằng: “tổ chức lễ cúng Kỳ yên vào ngày 15-16 tháng 8 âm lịch hằng năm”.
Trong khi đó, trên thực tế xưa nay, đình luôn cúng Kỳ yên vào rằm tháng 2 âm lịch. Kết quả là người dân Thanh Ðiền đã… tự sửa số 8 thành số 2 trên bảng. Nhưng người An Tịnh thì không. Họ vẫn đang chờ động thái từ phía các cơ quan quản lý.
TRẦN VŨ