Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
“Nho rừng” núi Bà Đen:
Sản phẩm đặc trưng của du lịch Tây Ninh, tại sao không ?
Thứ hai: 05:41 ngày 21/08/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian qua, dư luận trong và ngoài tỉnh rất chú ý “vườn nho rừng”, cũng như những sản phẩm được làm ra từ trái “nho rừng” của Công ty TNHH MTV sản xuất rượu vang Vang Cy (Công ty Vang Cy) tại xã Phan, huyện Dương Minh Châu. Hiện có không ít thông tin trái chiều về giống “nho rừng” được trồng tại đây.

Trái giác núi Bà chín được ông N.V.Q thu hái về.

TỪ SỰ “ĐỘT PHÁ” CỦA LÃO NÔNG VÀ CÁI TÊN “NHO RỪNG” TỰ ĐẶT

Câu chuyện được nhiều người bàn tán xôn xao thời gian qua là việc ông Nguyễn Văn Thông- Giám đốc Công ty Vang Cy phá bỏ khoảng 1 ha vườn cây cao su để trồng “nho rừng”. Sau khi vườn cho trái, ông Thông đã chế biến, sản xuất thành rượu vang và mật “nho rừng” mang nhãn hiệu Vang Cy để bán ra thị trường.

Vườn nho của ông Thông ngày càng được nhiều người tìm đến để tham quan, tìm hiểu. Có người cho rằng, giống “nho” ông Thông đang trồng để sản xuất rượu vang chính là giống cây giác mọc rất nhiều trên núi Bà Đen. Thậm chí, họ còn lặn lội leo núi tìm hái, chụp ảnh những chùm trái chín của giác rừng để chứng minh là họ nói đúng.

Trong khi đó, khi trao đổi với những người đến vườn tham quan, cũng như các phóng viên báo chí, ông Nguyễn Văn Thông nói rằng, giống “nho rừng” này có nguồn gốc từ các khu rừng biên giới Campuchia, Thái Lan... được ông sưu tầm về trồng. Ông còn đưa hình ảnh để giải thích, chứng minh giống “nho rừng” mà ông trồng khác với trái cây giác rừng như thế nào. Đồng thời ông cho biết, trái giác rừng hiện nay đang được một cơ sở ở tỉnh Kiên Giang chế biến thành rượu giác rừng.

Ông Thông cho rằng, chính vì nhiều người thấy ông trồng được giống cây này nên “ganh tị” chứ “nho rừng” rất khác với cây giác. Thậm chí, ông Thông còn cho biết có một số người được ông giới thiệu và cung cấp giống “nho rừng” mang lên trồng trên núi Bà Đen (?). Thế nhưng, nhiều người vẫn khẳng định giống “nho rừng” mà ông Thông đang trồng chính là cây (dây) giác núi Bà, có chùm trái rất nhiều trái to như trái nho, to hơn trái giác rừng miền sông nước Tây Nam bộ mà người dân thường dùng để kho cá.

Được sự hướng dẫn của những người làm rẫy lâu năm trên núi Bà Đen, phóng viên Báo Tây Ninh đã đến khu vực Suối Môn nằm trên sườn núi. Tại đây, những người làm rẫy chỉ cho chúng tôi tận mắt thấy rất nhiều dây giác rừng mọc trên các gộp đá, ra nhiều chùm trái to.

Theo quan sát, cây giác rừng mọc trên núi Bà Đen và giống “nho rừng” mà Công ty Vang Cy đang trồng có nhiều điểm khá giống nhau từ dây, lá cho tới những chùm trái đậu trên dây.

Để khách quan hơn, chúng tôi trao đổi với ông Nguyễn Văn Thông một lần nữa để làm rõ những vấn đề mà người dân phản ánh, thắc mắc. Lần này, ông Thông thừa nhận rằng giống “nho rừng” mà công ty đang trồng không khác giống trái giác mọc nhiều trên núi Bà Đen và ở nhiều khu rừng giáp biên giới của tỉnh.

Tuy nhiên trước đây, người dân chỉ biết lấy trái giác rừng ngâm rượu làm thuốc uống trị nhiều chứng bệnh chứ không có ai nghĩ đến chuyện làm ra các sản phẩm từ loại quả thiên nhiên này. Còn “nho rừng” là cái tên do ông tự đặt làm thương hiệu riêng cho sản phẩm rượu vang, mật của mình.

Ông Thông khẳng định trong quá trình chế biến sản phẩm rượu vang và mật từ trái “nho rừng”, ông luôn tuân thủ các quy định của ngành chức năng để bảo đảm sản phẩm làm ra đạt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.

Ông Thông cho biết thêm, hiện ông đã nộp đơn xin bảo hộ độc quyền sản phẩm rượu vang và mật nho rừng mang nhãn hiệu Vang Cy, và sắp tới có nhiều dự định mở rộng thêm sản phẩm này.

Vườn “nho rừng” của Công ty Vang Cy.

RƯỢU VANG, MẬT “NHO RỪNG NÚI BÀ”, TẠI SAO KHÔNG?

Những ngày gần đây, đã có không ít người trong tỉnh và các tỉnh lân cận tìm đến Công ty Vang Cy để tham quan vườn “nho rừng”. Người đến tham quan đều được công ty miễn phí tham quan và còn được mời dùng thử sản phẩm mật “nho rừng”. Nhìn chung, việc phục vụ khách đến tham quan đã mang hơi hướm của một điểm du lịch.

Một giám đốc của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành trong tỉnh sau khi đến tham quan vườn “nho rừng” của Công ty Vang Cy cho rằng, nếu được chính quyền quan tâm thì có thể đưa “trái giác núi Bà Đen” hay “nho rừng núi Bà Đen” trở thành một sản phẩm đặc trưng của du lịch tỉnh nhà, giống như điều mà người dân huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã làm.

Vị giám đốc này cho biết, trước đây, thấy cây sim mọc đầy trên rừng, người dân Phú Quốc cũng chỉ biết hái trái ngâm rượu uống. Sau đó, có người chế biến rượu từ trái sim rừng, mật sim rừng Phú Quốc để bán cho du khách và hiện nay đã trở thành những sản phẩm “đặc hữu” của hòn đảo xinh đẹp này. Nhiều người còn lên rừng đào gốc sim rừng đem về trồng để cho du khách tham quan vườn sim, thưởng thức rượu sim và mật sim, giống như điều mà Công ty Vang Cy đang thực hiện nhưng ở quy mô lớn hơn, chuyên nghiệp hơn.

Thiết nghĩ, cho dù gọi tên trái “nho rừng” hay trái giác rừng, thực tế cũng là một giống cây có thể dùng làm nguyên liệu chế biến rượu vang và định danh “nho rừng núi Bà Đen”. Vấn đề quan trọng là, nên chăng tỉnh hỗ trợ người dân phát triển quy mô diện tích loại trái này để trở thành sản phẩm phục vụ du lịch của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Thông cũng thừa nhận, diện tích “nho rừng” hiện Công ty Vang Cy đang trồng không đủ để chế biến rượu vang, còn sản phẩm mật nho rừng, ông phải thu mua trái từ các nguồn khác.

Người viết bên chùm trái giác rừng mọc tại khu vực Suối Môn nằm trên sườn núi Bà Đen.

Hiện cũng có một người dân phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh, làm rẫy trên núi Bà Đen tên là N.V.Q, cùng một số người khác đã hái trái giác rừng chín đem về ngâm rượu bán cho người có nhu cầu. Gia đình ông Q. còn đem trái giác chín hái trên núi Bà Đen ra chợ phường 3, thành phố Tây Ninh bán. Tuy nhiên, để chế biến rượu vang và mật trái giác- sản vật độc đáo của núi Bà, thì những người nông dân như ông Q không có điều kiện làm.

Ông Q cho biết, có rất nhiều dây giác rừng núi Bà Đen cho trái, nếu có nhiều doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm từ trái giác núi Bà, ông và nhiều người khác sẽ có thêm thu nhập từ việc thu hoạch về bán lại. Chứ như bây giờ, dù biết trái giác núi Bà có công dụng tốt nhưng những người làm rẫy trên núi chỉ biết hái về tự mang ra chợ, hay ngâm rượu để bán.

Về phía Công ty Vang Cy, ông Nguyễn Văn Thông cho rằng, để đưa sản phẩm rượu vang và mật “nho rừng” trở thành sản phẩm của du lịch, tỉnh cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào ngành sản xuất mới mẻ này. Công ty Vang Cy cũng rất mong muốn được “tiếp sức” để đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị của sản phẩm.

Hy vọng trong thời gian tới, du khách đến Tây Ninh, khi ra về sẽ mang theo sản phẩm đặc trưng của tỉnh nhà, trong đó có rượu vang và mật “nho rừng” Bà Đen, sản xuất từ nguyên liệu trái giác rừng đặc hữu của quần thể núi Bà Đen, nay đã là Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen.

THIÊN TÂM

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh