PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Sản xuất, buôn bán thuốc điều trị Covid-19 giả bị xử lý như thế nào?
Thứ hai: 11:09 ngày 23/08/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Pháp nhân thương mại phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh thì bị phạt tiền, mức thấp nhất là 1 tỷ đồng, cao nhất đến 20 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 năm đến 3 năm hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Báo Chính phủ điện tử đưa tin, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP.HCM vừa phát hiện, triệt xóa đường dây sản xuất, buôn bán thuốc điều trị Covid-19 giả do Nguyễn Đức Thuận (sinh năm 1975, thường trú tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cùng đồng bọn tổ chức, thu giữ một lượng lớn tang vật với ước tính lên đến nhiều tỷ đồng.

Trước đó, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với Cục Quản lý thị trường TP.HCM phát hiện kho thuốc và trang thiết bị y tế không có nguồn gốc, xuất xứ tại một căn nhà trên đường Tô Hiến Thành (Quận 10) do Đặng Thị Hồng Duyên và Đặng Khánh Dư làm chủ, thu giữ 800 bộ test nhanh Covid-19, 460 hộp thuốc tân dược hiệu Salbutant, 700 hộp Efferalgan và nhiều thuốc tân dược, vitamin, viên xông mũi không có hóa đơn chứng từ.

Thuốc giả không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của nhà sản xuất và của các hãng dược phẩm chân chính. Hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả bị pháp luật nghiêm cấm.

Tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi và hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 9 và Điều 10 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26.8.2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì hành vi sản xuất thuốc giả có thể bị xử phạt đến 200 triệu đồng; hành vi buôn bán thuốc giả có thể bị xử phạt đến 140 triệu đồng. Bên cạnh đó, còn phải chịu áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Điều 194 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh thì bị phạt tù, mức thấp nhất là 2 năm, cao nhất là 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Pháp nhân thương mại phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh thì bị phạt tiền, mức thấp nhất là 1 tỷ đồng, cao nhất đến 20 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 năm đến 3 năm hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.

Anh Tuyết

Tin cùng chuyên mục