Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Sản xuất gạch nung: Từng bước chuyển đổi công nghệ phù hợp (tiếp theo và hết)
Thứ năm: 15:18 ngày 25/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Khoáng sản không phải là tài nguyên vĩnh cửu và sẽ sớm cạn kiệt nếu bị khai thác không khoa học, lãng phí. Việc khai thác khoáng sản thiếu cân nhắc, đánh giá thiệt hơn sẽ để lại nhiều hệ quả tiêu cực, gây tác động xấu đến con người và môi trường.

Công nhân vận hành thiết bị chuyển gạch từ lò nung ra ngoài tại một cơ sở ở Hoà Thành.

Chủ trương chung của Trung ương và địa phương thời gian gần đây cũng như sắp tới là tiết kiệm tối đa việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên; sử dụng tối đa các nguồn phế thải các ngành công nghiệp khác để thay thế 50% nguyên liệu phối trộn trong sản xuất gạch đất sét nung.

Hạn chế sử dụng đất sét làm gạch thông thường

Theo Sở Xây dựng, do đất sét sẽ dần cạn kiệt, không thể tiếp tục kéo dài việc sử dụng đất sét để sản xuất những loại gạch xây thông thường, chất lượng thấp. Trong tương lai gần, đất sét chỉ dành để sản xuất gạch nung chất lượng cao, có giá trị kinh tế và hàm lượng khoa học kỹ thuật cao như các sản phẩm ốp lát bằng đất sét nung, các loại gạch xây không trát…

Theo nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch nung, khoảng 5 năm trở lại đây, nguồn đất sét nguyên liệu dùng làm gạch nung trên địa bàn tỉnh ngày càng khan hiếm. Hiện tại, hầu hết các lò gạch nung phải mua đất sét từ một số tỉnh ở miền Đông và Tây Nam bộ đưa về Tây Ninh sản xuất gạch.

Do lượng cung thấp, nhu cầu cao và chi phí vận chuyển đường dài nên đất sét tăng giá mạnh, kéo theo giá thành sản phẩm gạch nung tăng, khiến chi phí xây dựng các công trình tăng theo đáng kể.

Đất sét khan hiếm là thế nhưng theo Sở Xây dựng, thời gian qua, một số doanh nghiệp tham gia khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng còn hạn chế về năng lực và kỹ thuật khai thác mỏ, hạn chế về tài chính nên chỉ khai thác ở quy mô nhỏ lẻ, công nghệ khai thác lạc hậu, dẫn tới tình trạng hao phí nguồn tài nguyên.

Thiết bị sản xuất gạch tại một cơ sở ở Hoà Thành.

Trong thực tế, hầu hết cơ sở sản xuất gạch nung không có vùng nguyên liệu, phải hợp đồng mua nguyên liệu đất sét từ các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản khác (đất san lấp, sỏi phún) để phối trộn làm nguyên liệu sản xuất gạch đất sét nung.

Đến thời điểm hiện tại, chủ trương của tỉnh là duy trì năng lực sản xuất gạch đất sét nung hiện có nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội tỉnh và cung cấp một phần cho các địa phương lân cận; không đầu tư mới, đầu tư mở rộng các dây chuyền sản xuất gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh; không gia hạn thời gian hoạt động sản xuất đối với các cơ sở sản xuất đã hết thời hạn đầu tư được tỉnh chấp thuận. Lộ trình đến năm 2025, các cơ sở sản xuất đang sử dụng công nghệ lạc hậu (theo công nghệ lò Hoffman), có thiết bị cũ tiêu tốn nguyên liệu, nhiên liệu và năng lượng buộc phải dừng sản xuất.

Tỉnh cũng chủ trương cho sản xuất gạch nung theo hướng tăng độ rỗng, giảm tiêu hao nhiên liệu, giảm chi phí đầu tư, giảm ô nhiễm môi trường, sử dụng tối đa phế thải công nghiệp làm nguyên hoặc nhiên liệu thay thế.

Theo một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh, gần đây, một số người nghiên cứu, sử dụng việc phối trộn các nguồn nguyên liệu khác, trong đó có chất thải công nghiệp (tro, xỉ than) vào nguyên liệu sản xuất gạch đất sét nung. Tuy nhiên, việc ứng dụng còn nhỏ lẻ, hạn chế về quy mô, số lượng và tỷ lệ pha trộn do chưa được hướng dẫn về kỹ thuật cũng như chưa có kinh nghiệm thực hiện.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải tăng cường áp dụng khoa học, kỹ thuật, đẩy mạnh cơ giới hoá, ứng dụng tự động hoá vào trong dây chuyền sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm; cải tiến công nghệ, giảm tiêu hao nguyên -  nhiên liệu, tiết kiệm tài nguyên; khuyến khích công nghệ sử dụng nhiên liệu thay thế. Các chỉ tiêu tiêu hao năng lượng như sau: Tiêu hao nhiệt năng < 360kcal/kg sản phẩm; tiêu hao điện năng < 0,022 kWh/kg sản phẩm.

Tiếp tục đầu tư hoàn thiện và cải tiến công nghệ

Gần đây, tỉnh cũng đã chủ trương: Đối với các cơ sở đang sản xuất gạch đất sét nung bằng công nghệ lò Tuynel, phải tiếp tục đầu tư hoàn thiện và cải tiến công nghệ để giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, tiết kiệm tài nguyên.

Đối với các cơ sở đang sản xuất gạch đất sét nung bằng công nghệ lò Hoffman (không sử dụng nguyên liệu hoá thạch) thì tuỳ theo điều kiện cụ thể về vùng nguyên liệu, đất đai, môi trường… để xem xét gia hạn thời gian hoạt động, khuyến khích chấm dứt hoạt động hoặc chuyển đổi công nghệ sang lò Tuynel.

Đối với các cơ sở đang sản xuất gạch đất sét nung bằng công nghệ lò đứng liên tục, lò Hoffman (sử dụng nhiên liệu hoá thạch) thì phải chấm dứt hoạt động, chuyển đổi công nghệ sang lò Tuynel, khuyến khích đầu tư công nghệ lò Tuynel sử dụng nhiên liệu trấu và mùn cưa.

Công nhân vận hành xe nâng gạch thay sức người tại một cơ sở ở Hoà Thành.

Tỉnh cũng đưa ra tiêu chí riêng (khi chuyển đổi công nghệ sang lò Tuynel): Công suất thiết kế của 1 dây chuyền sản xuất gạch đất sét nung theo công nghệ lò Tuynen không nhỏ hơn 20 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm; ưu tiên việc sử dụng nhiên liệu trấu, mùn cưa và các nguyên liệu khác ít gây ảnh hưởng đến môi trường.

Về chất lượng sản phẩm: Đa dạng hoá sản phẩm, nghiên cứu sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao như gạch xây không trát, gạch gốm ốp lát mỏng, gạch có độ rỗng lớn, gạch gốm trang trí, gốm mỹ nghệ... nâng cao giá trị sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường; phát triển các loại gạch có độ rỗng cao từ 50% trở lên để tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu.

Đối với các cơ sở đang sản xuất gạch đất sét nung bằng công nghệ lò Hoffman sử dụng nhiên liệu hoá thạch, tỉnh có chủ trương buộc phải chấm dứt hoạt động trước ngày 30.6.2020. Nếu cố tình vi phạm thì doanh nghiệp sản xuất sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, thời gian qua, trong lĩnh vực khai thác khoáng sản và sản xuất gạch đất sét nung còn một số tồn tại, hạn chế, trong đó có yếu tố liên quan trực tiếp đến công tác quản lý nhà nước ở lĩnh vực này.

Cụ thể: công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về Luật Khoáng sản chưa thật sự sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân nhân, đặc biệt là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa và kể cả các cán bộ quản lý của địa phương. Chưa xây dựng quy chế phối hợp quản lý về vật liệu xây dựng giữa các cấp huyện, thành phố với cấp xã, phường, thị trấn. Chưa có những quy định bắt buộc để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng thực hiện chế độ báo cáo theo định kỳ về các đơn vị quản lý trực thuộc.

Một số mỏ vật liệu xây dựng đã hết thời gian khai thác nhưng chưa có kế hoạch bổ sung các điểm khai thác mới để bảo đảm cung cấp đủ nhu cầu cho địa phương.

Công tác quản lý, giám sát đầu tư theo quy hoạch chưa có sự phối hợp chặt chẽ và thường xuyên của các cấp quản lý, dẫn đến tình trạng đầu tư không đúng quy hoạch, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, sản xuất cầm chừng. Công tác quản lý hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng chưa đi sát, chưa kịp thời. Việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường còn hạn chế. Việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường của một số doanh nghiệp còn mang tính đối phó. Nhiều doanh nghiệp triển khai chưa đầy đủ các hạng mục giảm thiểu tác động đến môi trường trong sản xuất vật liệu xây dựng.

An Khang

Tin cùng chuyên mục