Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Sản xuất tập thể- hướng đi mới giúp bảo tồn làng nghề truyền thống
Thứ ba: 16:37 ngày 16/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trước đây, các hộ gia đình làm nghề đan lát tại ấp Long Bình chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ. Từng hộ gia đình mua tre, trúc về tự chẻ, tự đan rồi bán nên chưa tạo được tính bền vững, thu nhập không ổn định.

Máy chẻ nan tại nhà bà Ngô Thị Lệ Thuỷ.

Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9 năm 2017, tổ hội nghề nghiệp đan lát ấp Long Bình (xã Long Thành Nam, huyện Hoà Thành) dần trở thành chỗ dựa vững chắc để các hộ gia đình theo đuổi nghề đan lát tại đây yên tâm phát triển với nghề truyền thống.

Trước đây, các hộ gia đình làm nghề đan lát tại ấp Long Bình chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ. Từng hộ gia đình mua tre, trúc về tự chẻ, tự đan rồi bán nên chưa tạo được tính bền vững, thu nhập không ổn định. Theo nghiệp gia đình, đến nay đã hơn 40 năm gắn bó với cây tre, trúc, bà Nguyễn Thị Kim Thanh rất thạo nghề chẻ nan tre, trúc đan sọt, cần xé, thúng... ra chợ bán kiếm tiền nuôi sống gia đình. Bà kể, hơn chục năm về trước, với nghề này, bà đã lo được cho con cái ăn học.

Thế nhưng, về sau, các sản phẩm từ nhựa, inox phổ biến, dần thay thế những sản phẩm đan lát thủ công khiến sản phẩm mây tre làm ra rất khó bán, dù giá cả rất rẻ, nên nhiều người đành phải bỏ nghề. Theo nghề ngót nghét trên 30 năm nay, bà Ngô Thị Lệ Thuỷ cho biết, nghề này gặp khó khăn vì giá nguyên vật liệu tăng nhưng sản phẩm bán ra phải rẻ.

Nhằm thay đổi tập quán sản xuất, hướng đến nâng cao năng suất, chất lượng, tăng thu nhập cho người dân làm nghề đan lát của ấp Long Bình, tháng 9.2017, Hội Nông dân xã Long Thành Nam đứng ra thành lập thí điểm mô hình tổ nghề nghiệp đan lát với 10 hội viên ở ấp Long Bình. Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, cho thấy triển vọng làng nghề truyền thống này.

Tham gia tổ nghề nghiệp từ buổi đầu, với vai trò là tổ phó tổ nghề nghiệp, bà Ngô Thị Lệ Thuỷ đứng ra thu mua nguyên vật liệu mang về phân phối cho hội viên trong tổ sản xuất, sau đó bà thu gom sản phẩm đem đi tiêu thụ, để nâng cao thu nhập cho tổ viên.

Bà Thuỷ cho biết thêm, nhờ nguồn vốn vay 200 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân, tổ đã đầu tư mua máy ép giập và chẻ nan rồi phân phát cho các tổ viên. Họ chỉ việc đan thành sản phẩm, vừa đỡ tốn công sức mà sản phẩm làm ra được nhiều hơn, đẹp hơn. Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, việc tham gia tổ nghề nghiệp đã giúp gia đình bà đỡ vất vả hơn rất nhiều so với trước.

Ông Trần Phước Hải, Tổ trưởng Tổ nghề nghiệp đan lát ấp Long Bình cho biết, việc thành lập tổ nghề nghiệp đan lát ấp Long Bình nhằm quy tụ các hộ để phát triển. Các hội viên trong tổ cùng chia sẻ kinh nghiệm, tương trợ nhau từ khâu tìm kiếm nguyên liệu, gia công sản xuất cho đến tiêu thụ hàng hoá.

Theo ông Hải, các sản phẩm của tổ hiện có mặt khắp nơi trong tỉnh và cả ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ðến nay, tổ đã thu hút được 15 hộ gia đình tham gia, thu nhập bình quân của tổ viên đã tăng thêm trên 50% so với trước đây, ước tính mỗi hộ thu về gần 7 triệu đồng/tháng sau khi trừ hết chi phí.

Ông Nguyễn Thành Huy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Thành Nam cho biết, qua hơn 1 năm triển khai mô hình tổ hội nghề nghiệp đan lát tại ấp Long Bình, hiệu quả kinh tế phát triển thấy rõ.

Trong thời gian qua, nhằm hỗ trợ các hộ tham gia tổ nghề nghiệp đan lát tại ấp Long Bình, Hội Nông dân xã đã phối hợp Trạm Khuyến nông huyện Hoà Thành tổ chức các lớp tập huấn nâng cao tay nghề cho các thành viên, định hướng sản xuất sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, Hội cũng đã giải ngân 200 triệu đồng giúp tổ có vốn đầu tư các loại máy móc phục vụ sản xuất, tăng năng suất, gia tăng thu nhập cho tổ viên.

Minh Dương

Tin cùng chuyên mục