Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Trước dịch cúm gia cầm đang bùng phát tại một số nước trong khu vực, trong đó có Trung Quốc, Cam-pu-chia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát động “Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường đợt 1 năm 2017”, đồng thời tại các cửa khẩu biên giới, lực lượng chuyên ngành khẩn trương thực hiện đồng bộ các biện pháp ngăn chặn gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập lậu.
Đây không phải là lần đầu nguy cơ vi-rút cúm gia cầm, nhất là các chủng vi-rút cúm độc lực cao xâm nhiễm vào nước ta. Và từ nhiều năm nay, dịch bệnh trên vật nuôi vẫn thường xuyên xuất hiện tại các địa phương trên cả nước.
Hằng năm, Nhà nước phải chi nhiều tỷ đồng để nhập khẩu vắc-xin phòng dịch. Việc nhập khẩu vắc-xin không chỉ tốn kém về tiền bạc, khiến chúng ta không thể chủ động trong phòng, chống dịch, mà nguy hiểm hơn, vắc-xin nhập khẩu từ các nước khác nhau cho nên tính kháng nguyên cũng khác nhau.
Thậm chí có trường hợp chủng kháng nguyên đó không phù hợp để kháng lại vi-rút đang có tại Việt Nam, hoặc ít tác dụng do biến thể của vi-rút không tương đồng...
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ngành nông nghiệp đã mạnh dạn đầu tư, nghiên cứu việc sản xuất vắc-xin.
Đến nay, Việt Nam đã sản xuất thành công và đăng ký lưu hành hơn 100 loại vắc-xin đạt yêu cầu "Thực hành tốt sản xuất thuốc" của Tổ chức Y tế thế giới (GMP-WHO), trong đó có một số vắc-xin phòng bệnh quan trọng như: vắc-xin cúm gia cầm, vắc-xin tai xanh, và dự kiến trong năm nay sẽ sản xuất thành công vắc-xin lở mồm long móng.
Qua đó, đã từng bước giảm nhập khẩu vắc-xin, góp phần giảm giá thành chăn nuôi, đồng thời mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu sản xuất các loại vắc-xin phòng, chống các bệnh nguy hiểm của động vật.
Tuy nhiên, khó khăn lớn của các cơ sở sản xuất vắc-xin hiện nay là nguy cơ xuất hiện nhiều chủng vi-rút độc lực cao mới. Riêng vi-rút cúm gia cầm, từ tháng 1-2017 đến nay, đã xuất hiện nhiều ổ dịch, như cúm A/H5N2, A/H5N8, A/H5N6 và A/H7N9, cùng nhiều chủng vi-rút cúm độc lực cao khác, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành chăn nuôi mà còn đe dọa sức khỏe cộng đồng, đòi hỏi chúng ta cần có những vắc-xin phòng dịch phù hợp.
Thế nhưng, sản xuất vắc-xin là một kỹ thuật cao, việc đầu tư một nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP-WHO cần nhiều thời gian và nguồn vốn lớn và đòi hỏi nhân lực trình độ cao. Hơn nữa, để sản xuất được nhiều loại vắc-xin, phải có các điều kiện quan trọng như nguồn gen tạo ra giống, trong khi hiện nguồn gen lại nằm ở cơ quan quản lý nhà nước như Trung tâm chẩn đoán Thú y, Trung tâm Thú y vùng.
Để khuyến khích các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu sản xuất các loại vắc-xin phòng bệnh động vật, ngoài hỗ trợ về tài chính để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, Nhà nước cần có cơ chế công nhận nguồn giống, cho phép doanh nghiệp khai thác nguồn gen để sản xuất vắc-xin và có chính sách bảo hộ về sở hữu trí tuệ cho vắc-xin sản xuất trong nước.
Trong các chương trình khoa học-công nghệ, Nhà nước cần có cơ chế riêng cho việc nghiên cứu nâng cao năng lực chẩn đoán, phát hiện tác nhân gây dịch bệnh từ vật nuôi một cách nhanh chóng, chính xác, nhất là các tác nhân gây bệnh có nguy cơ gây đại dịch trên người cần được phát hiện sớm để sản xuất vắc-xin kịp thời.
Đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn giống, tế bào từ các tổ chức quốc tế, hay cơ quan nhà nước có sẵn từ “ngân hàng giống quốc gia”, để cùng hợp tác sản xuất vắc-xin phù hợp, góp phần ngăn chặn dịch bệnh, làm giảm mức độ thiệt hại.
Nguồn Báo Nhân dân