Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 góp phần toả sáng thêm hình ảnh cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” với tinh thần quốc tế cao cả, vô tư trong sáng; thắt chặt thêm tình đoàn kết chiến đấu giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia.
Trung đoàn 16 (Sư đoàn 5) đánh chiếm căn cứ Bộ Tổng tham mưu và cơ quan Trung ương Mặt trận Son Sann tại Ampin ngày 7.1.1985
Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia đã lùi vào quá khứ cách nay 40 năm (7.1.1979-7.1.2019), nhưng trong ký ức những người lính “Quân tình nguyện Việt Nam” nói chung và Sư đoàn 5 nói riêng, cuộc chiến tranh khốc liệt ấy vẫn là một điều mãi không thể nào quên.
Nhớ lại thời điểm cách nay 40 năm, trước thảm hoạ diệt chủng do tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary gây nên khiến hàng triệu người dân Campuchia bị giết hại, theo yêu cầu của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, ngày 21.12.1978, lực lượng vũ trang Quân khu 7 cùng Quân đoàn 4, Quân đoàn 3 và các đơn vị binh khí kỹ thuật mở chiến dịch tổng tiến công giải phóng Campuchia thoát khỏi hoạ diệt chủng.
Trong đó, Sư đoàn 5 (Quân khu 7) được giao nhiệm vụ vượt sông Mekong, đánh vu hồi từ Đông sang Tây, tiến thẳng về Kampong Thom, theo đường 6 tiến lên Siem Reap chiếm thị trấn Sisophon, Nimit (Banteay Meanchay), Pailin… Trước sức tiến công thần tốc, đồng loạt của các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia, quân đội và bộ máy kìm kẹp của tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary tan vỡ nhanh chóng.
Ngày 7.1.1979, thành phố Phnom Penh được giải phóng, Pol Pot và tàn quân tháo chạy về vùng biên giới phía Tây của Campuchia. Sư đoàn 5 được lệnh của Bộ Tư lệnh Quân khu 7 vượt sông Tonle Sap, phối hợp Quân đoàn 4 truy quét địch ở Kampong Speu, Kampong Chnang và căn cứ Amleng. Hơn một tháng truy kích địch, Sư đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, diệt 2 tiểu đoàn địch, bắt 117 tù binh, thu 1.300 súng pháo, phá huỷ 200 xe, thu 100 tấn lúa gạo, giải phóng 34.000 dân.
Những ngày đầu năm 1979, đời sống sinh hoạt của các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam còn rất nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần “quốc tế trong sáng”, “thương người như thể thương thân”, cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 5 không quản khó khăn, vất vả, tích cực làm nhiệm vụ truy quét địch, sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo cho nhân dân nước bạn. Nhiều tổ công tác đã đến tận những phum, xã hẻo lánh chữa bệnh, cứu đói cho các gia đình neo đơn, nghèo khó; phát động quần chúng xây dựng chính quyền tự quản, phục hồi sản xuất; vận động tuyên truyền kêu gọi những người lầm đường trở về với gia đình, với cách mạng.
Bằng cách làm đó, Sư đoàn đã góp phần cùng nhân dân và lực lượng vũ trang Campuchia phá tan âm mưu mở rộng chiến tranh du kích của các phái Khmer phản động. Từ mùa khô 1984-1985, Sư đoàn diệt, làm bị thương, bắt làm tù binh, và làm tan rã hơn 3.000 tên, thu 50 tấn đạn, 34 tấn gạo, 3 máy nổ, 2 ô tô, 1 máy kéo và nhiều phương tiện chiến tranh khác.
Tổng kết hoạt động mùa khô năm 1984-1985, Sư đoàn đã được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh; Đảng và Nhà nước Campuchia tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Các Trung đoàn 174, Trung đoàn 16, Trung đoàn 4, Trung đoàn 689 Biên phòng, Trung đoàn 28 Pháo binh, Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 4), Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 16), Tiểu đoàn 4 và Tiểu đoàn 5 (Trung đoàn 174) đều được tặng Huân chương Chiến công.
Sau thất bại mùa khô 1984-1985, địch củng cố lực lượng, cố lập lại căn cứ dọc biên giới Campuchia - Thái Lan, chuyển hướng hoạt động sâu vào nội địa, mở các tuyến hành lang để đưa người, vũ khí, lương thực, âm mưu xây dựng các căn cứ lõm, tiến hành hoạt động phá hoại từ bên trong. Trước tình hình mới, tháng 5.1985, Sư đoàn 5 khẩn trương điều chỉnh lực lượng và thế bố trí của các đơn vị, phối hợp cùng Sư đoàn 179 quân đội Campuchia xây dựng, củng cố điểm tựa và cụm điểm tựa dọc biên giới, xây dựng tuyến phòng thủ, huấn luyện dân quân du kích, cùng bạn bóc gỡ địch ngầm, truy quét, triệt phá các căn cứ lõm của địch trong nội địa.
Chiến công nối tiếp chiến công, trong ba năm (1985-1987), Sư đoàn 5 cùng lực lượng vũ trang và nhân dân Campuchia tích cực xây dựng tuyến phòng thủ biên giới. Kết quả, Sư đoàn đã đánh hơn 30 trận, tiêu diệt 154 tên, bắt sống 58 tên, gọi hàng 21 tên, thu 113 súng các loại; chiến đấu truy quét 415 lần, diệt 340 tên, bắt 102 tên, thu 194 súng các loại, đồng thời tổ chức hoạt động giúp bạn cho 3 huyện, 12 xã, 104 phum; xây dựng 8 đại đội hai chức năng; huấn luyện quân sự cho 335 du kích phum, xã. Bên cạnh đó, các đơn vị của Sư đoàn còn luôn bám sát từng phum, xã hẻo lánh, cùng nhân dân tham gia lao động sản xuất và đánh giặc giữ phum; tuyên truyền, vận động nhân dân làm tốt công tác địch vận, kêu gọi, vận động được 310 người rời bỏ hàng ngũ Khmer phản động về với chính quyền cách mạng.
Ngoài ra, Sư đoàn 5 còn vừa chiến đấu truy quét địch, vừa tổ chức khám bệnh, xây dựng bệnh xá, trường học và giúp dân sản xuất, thu hoạch mùa. Toàn Sư đoàn đã khám, chữa bệnh cho hơn 1.320 lượt người, xây dựng 15 bệnh xá, 18 trường học và góp hàng ngàn ngày công lao động sản xuất.
Bước sang năm 1988, Sư đoàn nhận lệnh chuẩn bị rút quân về nước. Trong những tháng cuối cùng ở đất bạn, toàn thể cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn vẫn không một phút giây ngưng nghỉ chiến đấu và công tác, quyết tâm thực hiện ba mục tiêu chiến lược: làm cho bạn mạnh lên, địch ngày càng suy yếu, và ta rút quân về nước. Tháng 8.1988, các Trung đoàn đều bàn giao xong căn cứ, điểm tựa ngoài biên giới cho bộ đội bạn.
Tháng 12.1988, sau 10 năm làm nghĩa vụ quốc tế, Sư đoàn chia tay nhân dân và bạn bè chiến đấu Campuchia để trở về Tổ quốc. Hàng ngàn, hàng vạn bà con và các chiến sĩ Campuchia đã lưu luyến tiễn chào Sư đoàn 5, những người con ưu tú Việt Nam vừa hoàn thành nghĩa vụ quốc tế vẻ vang.
Chặng đường hơn 10 năm làm nghĩa vụ quốc tế mãi để lại trong ký ức cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 niềm tự hào được là người lính tình nguyện trực tiếp tham gia chiến đấu, xây dựng đất nước Campuchia từ đống tro tàn của thảm hoạ diệt chủng, tiến lên ổn định và phát triển. Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 góp phần toả sáng thêm hình ảnh cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” với tinh thần quốc tế cao cả, vô tư trong sáng; thắt chặt thêm tình đoàn kết chiến đấu giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia.
Xuân Thu