Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Sao lại ngại tiếp dân?
Thứ hai: 14:32 ngày 22/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Có lẽ Quốc hội cũng phải giám sát với những đại biểu ngại gặp dân.

Luật quy định mỗi tháng chủ tịch UBND cấp tỉnh phải tiếp công dân ít nhất một lần, nhưng kết quả giám sát của Ban Dân nguyện cho thấy trung bình người đứng đầu chính quyền cấp tỉnh chỉ trực tiếp tiếp dân 2-3 lần/năm, còn lại ủy quyền cho cấp dưới.

Tình trạng này cũng xảy ra phổ biến ở các cấp hành chính khác, thậm chí còn tệ hơn khi đến cấp huyện, cấp xã.

Hậu quả dễ thấy nhất của chuyện lười tiếp dân, né tránh đối thoại, ít lắng nghe, không chịu tiếp thu ý kiến của dân là sự ra đời của những chính sách, quyết định duy ý chí, xa rời thực tế, không thuận lòng dân.

Nặng nề hơn là để chuyện bé thành chuyện lớn, bức xúc nhỏ thành bức xúc kéo dài, tích tụ, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội, gây mất lòng tin.

Chẳng lẽ người đứng đầu các cơ quan hành chính bận đến mức không thể bố trí thời gian trực tiếp tiếp dân theo quy định, không thể trực tiếp gặp dân để đối thoại nhằm giải quyết các vụ việc nổi cộm, bức xúc?

Lý do này thật khó thuyết phục, bởi bận rộn như Thủ tướng mà vẫn thường thấy ông xuất hiện ở nhiều địa bàn, gặp gỡ các tầng lớp khác nhau để lắng nghe, đối thoại, giải quyết công việc.

Vậy thì lý do nào? Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải bình luận rằng nhiệm vụ tiếp dân, giải quyết kiến nghị của dân là việc chẳng sung sướng gì, bởi người lãnh đạo phải đối mặt giải quyết những bức xúc, khiếu kiện, kiến nghị hóc búa...

Những lãnh đạo không ngại tiếp dân trước hết phải là những người có tâm, coi đây là bổn phận của một công bộc, đồng thời phải có kiến thức, nắm vững pháp luật, phải biết nhẫn nhịn và có phương pháp dân vận tốt.

Nói như vậy, những lãnh đạo ngại gặp dân, trốn tránh tiếp dân có thể là do họ thiếu tâm hoặc thiếu tầm, mà có thể có những người thiếu cả hai.

Còn một trường hợp nữa, sợ gặp dân có thể là do lãnh đạo ấy có “phốt”, có “tì vết”, tức là thuộc vào “bộ phận không nhỏ” suy thoái, biến chất như các văn bản của Đảng đã đề cập.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, Ban Dân nguyện đề nghị phải có chế tài, trước hết là để nhắc nhở cán bộ lãnh đạo các cấp đừng quên trách nhiệm, bổn phận tiếp công dân, giải quyết việc dân.

Bởi lãnh đạo mà lơ là tiếp dân một lần thì có thể lơ là ở lần tiếp theo, lơ là nhiều lần thì sẽ quên trách nhiệm tiếp dân, quên nhiều sẽ thành “bệnh”, đó là “bệnh” xa rời quần chúng.

Muốn xây dựng thành công một Chính phủ hành động, kiến tạo phát triển thì không thể chỉ Thủ tướng hoặc các thành viên Chính phủ hành động, mà đòi hỏi cả một bộ máy cũng phải chuyển động, vào cuộc.

Những đạo luật tốt, chính sách hay, chủ trương đúng rất có thể sẽ mất hiệu năng, không thể đi vào cuộc sống nếu như “bộ phận không nhỏ” lãnh đạo ở các bộ - ngành, 63 tỉnh - thành, hơn 700 huyện - thị, hơn 11.000 xã - phường không gần dân, giải quyết tốt công việc và tạo cảm hứng cho họ.

Cũng cần phải nói thêm về vai trò của Quốc hội và các cơ quan dân cử. Một cuộc giám sát kỹ càng, nêu lên được thực trạng, kiến nghị giải pháp đã là điều rất đáng mừng. Nhưng nếu kết quả cuộc giám sát ấy không được chuyển hóa thành hành động cụ thể thì e rằng cũng chẳng chuyển biến được là bao.

Thậm chí, Quốc hội cũng phải giám sát với những đại biểu ngại gặp dân.

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục