Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Sáp nhập ðơn vị hành chính cấp cơ sở: Khó mấy cũng phải làm
Thứ tư: 06:42 ngày 09/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nghị quyết 37 mới đây của Bộ Chính trị thể hiện rõ chủ trương nhất quán, đó là tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, cụ thể là sắp xếp, tổ chức lại bộ máy Nhà nước với tinh thần tinh gọn, khoa học, hiệu quả, tiết kiệm, giảm nguồn chi ngân sách.

Trung tâm thị trấn huyện Hoà Thành. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Đông

Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 37 về sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã. Như vậy, sau Nghị quyết số 18 tại Hội nghị Trung ương 6 năm 2017, Nghị quyết 1211 năm 2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính, Nghị quyết 37 mới đây của Bộ Chính trị thể hiện rõ chủ trương nhất quán, đó là tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, cụ thể là sắp xếp, tổ chức lại bộ máy Nhà nước với tinh thần tinh gọn, khoa học, hiệu quả, tiết kiệm, giảm nguồn chi ngân sách.

SỬA ÐỔI TIÊU CHUẨN THÀNH LẬP ÐƠN VỊ HÀNH CHÍNH

Theo tinh thần Nghị quyết số 37, từ nay đến năm 2021, cơ bản hoàn thành việc sáp nhập các quận, huyện, phường, xã, thị trấn chưa đạt 50% về 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Nghị quyết cũng khuyến khích các tỉnh thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã khác theo yêu cầu, tình hình cụ thể của địa phương, khi bảo đảm yếu tố thuận lợi và được đa số nhân dân đồng thuận. Từ năm 2022 đến năm 2030, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện giai đoạn 2019-2021, xác định lộ trình thực hiện để đến năm 2030 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phù hợp với quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính.

Một điểm rất đáng chú ý của Nghị quyết 37 là, trong năm 2019 sẽ sửa đổi và ban hành mới các quy định pháp luật (trong đó có quy định về tiêu chuẩn đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã) làm cơ sở cho việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã.

Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng quy định, bố trí nguồn kinh phí xây dựng đề án và giải quyết các chế độ, chính sách cho những đối tượng bị tác động do sắp xếp đơn vị hành chính. Năm 2019, cơ bản sắp xếp hợp lý các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về diện tích và quy mô dân số. Ðồng thời, sắp xếp tổ chức bộ máy phù hợp và giải quyết chế độ, chính sách đối với những đối tượng bị tác động do các đơn vị hành chính.

Trong 2 năm 2020-2021, tổ chức đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2020-2025 và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 theo đơn vị hành chính mới sau sắp xếp. Theo Nghị quyết 37, sau khi sáp nhập, các địa phương, bộ, ngành liên quan tổng kết việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và xây dựng, thực hiện kế hoạch, lộ trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã không đạt tiêu chuẩn cho giai đoạn tiếp theo. Ðể hạn chế những vướng mắc nảy sinh trong quá trình sắp xếp, sáp nhập, Nghị quyết của Bộ Chính trị yêu cầu tạm dừng bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý đối với những địa phương trong kế hoạch thực hiện đề án sắp xếp lại.

Nghị quyết 37 đưa ra một loạt nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện các mục tiêu và lộ trình của việc sáp nhập. Theo tinh thần đó, rà soát, bổ sung, hoàn thiện hoặc ban hành mới các văn bản liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính, bảo đảm đồng bộ, đơn giản hoá thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của hầu hết nhân dân.

Ðồng thời rà soát, bổ sung, hoàn thiện, ban hành mới các văn bản quy định pháp luật về sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các chế độ, chính sách cho những đối tượng bị tác động khi thực hiện sắp xếp. Theo Nghị quyết 37, đến năm 2030 các đơn vị hành chính trong cả nước cơ bản đáp ứng yêu cầu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại. Ðể việc sắp xếp đạt hiệu quả, Nghị quyết của Bộ Chính trị nêu rõ, cấp uỷ, chính quyền các cấp, người đứng đầu đề cao trách nhiệm, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong tổ chức triển khai thực hiện.

Kết quả thực hiện là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể cấp uỷ, chính quyền và người đứng đầu. Liên quan đến vị trí việc làm, Nghị quyết 37 yêu cầu xây dựng khung danh mục vị trí việc làm để các địa phương tiến hành xây dựng vị trí việc làm để từ đó có lộ trình thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Chậm nhất 5 năm kể từ khi cấp có thẩm quyền quyết định sáp nhập, hợp nhất thì biên chế và số lượng cấp phó của các đơn vị hành chính mới bảo đảm theo đúng quy định. Các ban, bộ, ngành liên quan hướng dẫn chính quyền địa phương các cấp triển khai và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân thực hiện thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan nhân thân hoặc liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới đơn vị hành chính.

SÁP NHẬP KHÓ HƠN THÀNH LẬP MỚI

“Ðây là một vấn đề lớn, phải chờ các cấp có thẩm quyền xem xét, đồng thời còn phải sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhiều quy định, chính sách khác có liên quan”- một vị lãnh đạo có nhiều kinh nghiệm trong ngành Tổ chức Nhà nước ở Tây Ninh cho biết.

Kể từ sau những năm 90 của thế kỷ XX (giai đoạn chia tách nhiều đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), chưa khi nào chủ trương sắp xếp, tổ chức lại bộ máy Nhà nước được quan tâm và thể hiện một quyết tâm chính trị cao như hai năm gần đây. “Tình hình, nguyên nhân, ưu điểm, hạn chế” đã được bàn luận nhiều. Vấn đề bây giờ là triển khai các chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước.

Cần nhắc lại, trước khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 37, ngày 13.6.2018, Bộ Nội vụ có công văn gửi UBND tỉnh về việc báo cáo hiện trạng và kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã từ nay đến năm 2021. Sau đó, UBND tỉnh đã có văn bản đề xuất Bộ Nội vụ phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Văn bản của UBND tỉnh gửi Bộ Nội vụ cho biết, Tây Ninh hiện có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (với một thành phố trực thuộc tỉnh và 8 huyện). Ở cấp xã, Tây Ninh có 95 đơn vị hành chính gồm 7 phường, 8 thị trấn và 80 xã. Là một tỉnh biên giới, Tây Ninh có 5 huyện và 20 xã có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia.

Theo quy định tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25.5.2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá 13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, Tây Ninh có 1 đơn vị hành chính cấp huyện (Hoà Thành), 18 xã, phường, thị trấn (trong đó có 2 phường, 5 thị trấn và 11 xã) chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Trong văn bản gửi Bộ Nội vụ, UBND tỉnh đã phân tích những đặc điểm cơ bản các đơn vị hành chính của Tây Ninh.

Ðơn vị hành chính các cấp của tỉnh hình thành từ lâu, ổn định và có đặc thù. Chẳng hạn, huyện Hoà Thành có trung tâm của tôn giáo Cao Ðài, có hệ thống giao thông nội thị được quy hoạch và xây dựng rất hoàn chỉnh gắn với địa bàn dân cư, có mật độ dân cư cao. Các thị trấn, thị tứ ở Tây Ninh tuy có diện tích tự nhiên nhỏ nhưng quy mô dân số lớn. Ví dụ thị trấn huyện Gò Dầu, mặc dù diện tích tự nhiên chỉ 6,01km2 nhưng dân số lên đến 33.455 người. Tương tự, ở Hoà Thành, đơn cử xã Hiệp Tân chưa đến 7km2 nhưng có gần 20.000 người sinh sống.

Hoà Thành là huyện được UBND tỉnh xây dựng đề án trình Bộ Xây dựng xem xét công nhận đô thị loại IV và huyện đã đạt các tiêu chí của đô thị loại III. Nếu xem xét quy định điều kiện về diện tích tự nhiên, quy mô dân số để thành lập phường, 5 xã của huyện Hoà Thành không đủ điều kiện về diện tích tự nhiên của xã, nhưng đủ điều kiện về diện tích tự nhiên thành lập phường.

Tại Tây Ninh, một số đơn vị hành chính cấp xã gắn với quá trình phát triển kinh tế và phân bố lại dân cư trên lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đồng thời còn liên quan đến công tác xây dựng khu vực phòng thủ biên giới. Do vậy, các xã ở khu vực biên giới, xã nông nghiệp nông thôn có diện tích tự nhiên rất lớn nhưng quy mô dân số rất nhỏ. Ðơn cử, xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên diện tích rộng hơn 87km2 nhưng dân số chỉ có 3.816 người.

Căn cứ những đặc điểm trên, UBND tỉnh đề xuất với Trung ương về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Theo đó, đối với 5 xã của huyện Hoà Thành, mặc dù không đủ diện tích tự nhiên theo quy định của xã, nhưng đủ theo quy định về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của phường. Vì thế, UBND tỉnh đề nghị Chính phủ xem xét trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho Tây Ninh thực hiện cơ chế đặc thù để thành lập thị xã Hoà Thành có 6 phường (gồm 5 xã và thị trấn thành phường).

Huyện Hoà Thành có đặc điểm riêng biệt vì nơi đây gắn với tôn giáo Cao Ðài, mật độ dân cư cao, sinh hoạt cộng đồng gắn với sinh hoạt của tôn giáo. Ðối với 5 thị trấn thuộc 5 huyện không đủ điều kiện về diện tích tự nhiên, UBND tỉnh đề nghị giữ ổn định đến năm 2021. Lý do, các thị trấn này có mật độ dân cư rất cao, đời sống kinh tế, xã hội đang ổn định, nếu sắp xếp, sáp nhập sẽ gây xáo trộn, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Ðối với 3 xã có dân số ít nhưng có diện tích tự nhiên lớn, UBND tỉnh đề nghị giữ nguyên, vì những xã này có đặc thù biên giới, gắn với xây dựng thế trận phòng thủ. Riêng xã Thạnh Bắc thuộc huyện Tân Biên là xã thuộc vùng kinh tế nông - lâm nghiệp, có diện tích tự nhiên rất lớn, là vùng đệm tiếp giáp với xã biên giới (như xã Tân Lập, xã Tân Hà).

Description: DSC_1049.jpg

Cử tri phát biểu ý kiến trong một lần tiếp xúc với đại biểu Quốc hội.

XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN ÐIỆN TỬ

Như trên đã đề cập, để sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, huyện, Bộ Chính trị yêu cầu trong năm 2019, các bộ, ngành liên quan triển khai sửa đổi một số quy định về tiêu chuẩn thành lập xã, huyện để tiến hành sáp nhập. Ðiều này có nghĩa, phải sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 1211 năm 2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính. Nội dung cụ thể của việc sửa đổi như thế nào, còn phải chờ. Hiện tại, Nghị quyết 1211 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vẫn đang có hiệu lực.

Theo quy định trong Nghị quyết 1211, Tây Ninh có 1 đơn vị hành chính cấp huyện (Hoà Thành), 18 xã, phường, thị trấn (trong đó có 2 phường, 5 thị trấn và 11 xã) chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Như vậy, nếu triển khai theo đúng tinh thần của Nghị quyết 1211, Tây Ninh giảm 19 đơn vị hành chính, tức toàn tỉnh chỉ còn 76 đơn vị hành chính cấp huyện, xã, phường, thị trấn và thành phố trực thuộc tỉnh. Ðiều đáng nói, trong số 8 thị trấn của 8 huyện thì có đến 5 thị trấn không đạt tiêu chuẩn. Vậy, giải quyết vấn đề này như thế nào, vì một huyện không thể không có thị trấn.

Như đã từng phân tích, một trong những khó khăn, bất cập hàng đầu trong quá trình thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính (không riêng gì cấp xã, huyện) là yếu tố dân cư. Xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như đặc điểm vị trí địa lý, địa hình, đất đai, khoáng sản, nguồn nước, kinh tế, xã hội, lịch sử nên sự phân bố dân cư ở nước ta (không riêng gì địa phương nào) không đồng đều. Có những khu vực diện tích nhỏ, không đủ tiêu chuẩn nhưng số dân sinh sống lại rất đông.

Ngược lại, có những nơi diện tích tự nhiên rộng nhưng dân cư thưa thớt. Nhìn rộng ra, sự phân bố dân cư không đồng đều diễn ra từ buổi bình minh của lịch sử và ở tất cả các quốc gia, khu vực. Khi xã hội loài người phát triển, hoạt động kinh doanh, mua bán, thương mại hình thành và phát triển theo xu hướng chọn nơi định cư của con người thay đổi theo tư duy địa lý “nhất cận thị, nhì cận giang, tam cận lộ”.

Tuỳ vào điều kiện của từng quốc gia hoặc từng địa phương, chính sách phân bố lại dân cư đã được triển khai thực hiện, trong đó có việc di dân đến những vùng đất mới, nơi còn nhiều tiềm năng để khai khẩn. Tuy nhiên, sức hút, sức hấp dẫn của đô thị vẫn lớn hơn, điều này giải thích vì sao sự phân bố dân cư luôn không đồng đều và sẽ không bao giờ đồng đều.

Trước việc Trung ương ra chủ trương tổ chức, sắp xếp lại bộ máy Nhà nước, có nhiều ý kiến băn khoăn về công tác quản lý, điều hành sẽ gặp khó khăn. Những băn khoăn ấy không phải không có cơ sở, song với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc quản lý, điều hành đã và đang chuyển dần từ “cơ học, thủ công” sang chính quyền điện tử. Nếu tổ chức tốt, đội ngũ quản trị hành chính được đào tạo có chất lượng, công nghệ thông tin sẽ giải quyết hầu hết những công việc mà con người vẫn làm một cách thủ công từ cả trăm năm qua.

VIỆT ÐÔNG

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh