Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Sáp nhập trường học: Nặng tính cơ học
Thứ năm: 05:37 ngày 29/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc chuyển đổi mô hình từ công lập sang ngoài công lập tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục tự chủ tài chính, quyết định mức thu học phí phù hợp và có chế độ đãi ngộ giáo viên theo đúng năng lực, trình độ.

Đoàn giám sát làm việc tại Sở GD&ĐT

Sau khi khảo sát một số trường học, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh có buổi giám sát Sở Giáo dục và Đào tạo về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023”.

Sáp nhập, tổ chức lại nhiều cơ sở giáo dục

Lãnh đạo Sở GD&ĐT thông tin, căn cứ văn bản chỉ đạo của HĐND, UBND tỉnh về đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Sở tham mưu UBND tỉnh rà soát, sắp xếp, sáp nhập, cụ thể như sau:

Chuyển giao Trường thực nghiệm Giáo dục phổ thông về trực thuộc UBND thành phố Tây Ninh năm 2016; chuyển giao 9 Trung tâm giáo dục thường xuyên về UBND huyện, thị xã, thành phố quản lý năm 2017 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLTBLĐTBXH-BGDĐT-BNV hướng dẫn việc sáp nhập Trung tâm dạy nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp công lập cấp huyện thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp; chuyển giao Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật về trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2017. Năm 2019, Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh sáp nhập 5 đơn vị, gồm Trường THPT Trần Quốc Đại  vào Trường THPT Quang Trung thuộc huyện Gò Dầu; Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu vào Trường THPT Dương Minh Châu thuộc huyện Dương Minh Châu; Trường THPT Lê Duẩn vào Trường THPT Tân Châu thuộc huyện Tân Châu; Trường THPT Nguyễn An Ninh vào Trường THPT Trần Phú thuộc huyện Tân Biên; Trường THPT Châu Thành vào Trường THPT Hoàng Văn Thụ thuộc huyện Châu Thành. Sở GD&ĐT cũng đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức lại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) cụm thành phố Tây Ninh trên cơ sở sáp nhập Trung tâm GDNN-GDTX thành phố Tây Ninh, Trung tâm GDNN-GDTX Hoà Thành và Trung tâm GDNN-GDTX Châu Thành năm 2023.

Về số lượng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Sở GD&ĐT, năm 2017, có 34 đơn vị trực thuộc, đến năm 2023 còn 29. Từ năm 2017 đến năm 2023, không có đơn vị thành lập mới trực thuộc Sở.

Đánh giá về việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý theo Nghị quyết số 19-NQ/TW đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, lãnh đạo Sở nhìn nhận, việc sáp nhập 5 trường trung học phổ thông có quy mô học sinh nhỏ vào 5 trường có quy mô học sinh lớn góp phần tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước.

Việc sáp nhập góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục được sắp xếp, tổ chức lại, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của học sinh. Tuy nhiên, do không thể mở rộng đất ở các điểm chính nên vẫn còn duy trì điểm phụ, dẫn đến hiệu quả sáp nhập chỉ dừng lại ở việc giảm số lượng cán bộ quản lý và nhân viên.

Công tác tạo điều kiện chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hoá cao hiện nay chưa thực hiện được vì gặp nhiều khó khăn. Quan điểm phải xoá bỏ tư duy được Nhà nước bao cấp 100% từ lâu đã được nhắc đến, nhưng thực tế triển khai còn nhiều rào cản. Rào cản lớn nhất bắt đầu từ chính tâm lý của giáo viên.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Phước phát biểu tại buổi làm việc với đoàn giám sát.

Việc chuyển đổi mô hình từ công lập sang ngoài công lập tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục tự chủ tài chính, quyết định mức thu học phí phù hợp và có chế độ đãi ngộ giáo viên theo đúng năng lực, trình độ. Tuy nhiên, hiện nay, do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên phụ huynh học sinh chưa thực sự quan tâm đến chất lượng dịch vụ giáo dục tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Những gia đình có điều kiện kinh tế cho con học các trường ngoài công lập có thương hiệu tại Thành phố Hồ Chí Minh hoặc các trường ngoài công lập tại Tây Ninh, như Trường TH-THCS-THPT IGC Tây Ninh. Do đó, việc thu hút đầu tư thành lập mới trường ngoài công lập lại dễ thực hiện hơn chuyển đổi mô hình từ công lập ra ngoài công lập.

Không thể chuyển trường công lập ra ngoài công lập

Phát biểu tại buổi giám sát, ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, việc sáp nhập, cho đến nay chỉ giảm được ban giám hiệu (của những trường thuộc diện sáp nhập). Ông Phạm Hùng Thái chỉ ra một số vấn đề lớn trong giáo dục ở Tây Ninh, gồm xã hội hoá, đưa một số trường công lập ra ngoài công lập và xem xét hướng đi nào cho Trường CĐSP Tây Ninh.

Căn cứ báo cáo của ngành Giáo dục, bà Nguyễn Thị Thanh Sơn- Phó trưởng Ban Văn hoá - Xã hội của HĐND tỉnh đánh giá sau sáp nhập, khó khăn nhiều hơn thuận lợi và “mong Sở GD&ĐT đánh giá toàn diện, làm rõ hơn về tính hiệu quả của việc này”.

Bà Huỳnh Vương Hiếu- Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị Sở GD&ĐT đánh giá, phân tích đầy đủ về tự chủ tài chính trong trường học, ví dụ Trung tâm GDTX tỉnh hiện nay nguồn thu giảm mạnh so với trước, vì số người học giảm.

Về tổ chức bộ máy, bà Huỳnh Vương Hiếu đề nghị Sở GD&ĐT phân tích làm rõ nên chọn biện pháp nào: không sáp nhập (trường học) hay sáp nhập nhưng sau đó lại phải tăng cấp phó? Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Phong bình luận, việc sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp, bộ máy hành chính là đúng, vì trước đây quá cồng kềnh. Nhưng việc thực hiện chủ trương sắp xếp đang có dấu hiệu cào bằng, đặc biệt trong ngành Giáo dục, Y tế.

Làm rõ thêm một số nội dung, ông Nguyễn Văn Phước- Giám đốc Sở GD&ĐT nhìn nhận, việc sáp nhập đang có những tồn tại, bất cập. Vì thế, việc này cần cân nhắc lại. Đối với những trường có học sinh đông (từ 2.000 học sinh trở lên) cần thiết phải bổ sung cấp phó để bảo đảm cho việc phân công, điều hành.

Đối với tương lai của Trường cao đẳng Sư phạm, ông Phan Minh Tùng- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, UBND tỉnh đã có kế hoạch kêu gọi đầu tư mở phân hiệu đại học tại trường này. Ngoài việc mở phân hiệu đại học, có thể tận dụng cơ sở vật chất còn lại để mở trường phổ thông nhiều cấp học. “Việc này chủ trương từ lâu, nhưng việc thực hiện có phần chậm”- ông Phạm Hùng Thái phát biểu về nội dung vừa nêu.

Đối với nội dung chuyển trường công ra ngoài công lập, việc này không thực hiện được, vì Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 62 yêu cầu không chuyển trường học, bệnh viện công lập ra ngoài công lập. Mặt khác, về mặt hành chính, chưa có quy định nào cho phép chuyển trường công thành trường tư.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc với Sở GD&ĐT, ông Phạm Hùng Thái ghi nhận những nỗ lực của ngành Giáo dục trong việc đổi mới, sắp xếp lại đơn vị. Chất lượng giáo dục được cải thiện sau sáp nhập nhưng cũng bộc lộ không ít bất cập, trong đó có vấn đề sáp nhập còn nặng tính cơ học.

Đối với việc tự chủ tài chính, một số trường mầm non, phổ thông có thể đủ điều kiện để tự chủ tài chính hoàn toàn. Đề cập đến Trường cao đẳng Sư phạm, ông Phạm Hùng Thái cho biết, chủ trương sắp xếp lại cơ sở đào tạo này theo tinh thần xã hội hoá từ năm 2018 nhưng đến nay chưa có kết quả.

Trong thời gian tới, ngành cần bám sát chủ trương của Đảng, Chính phủ và địa phương về lĩnh vực giáo dục, những việc đã làm thì rà soát, đánh giá xem hiệu quả đến đâu, những việc chưa làm thì nghiên cứu, tham mưu; rà soát lại nhu cầu đào tạo giáo viên, bảo đảm số lượng, theo chuẩn quy định.

Việt Đông

(lược thuật)

Tin cùng chuyên mục