Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Sau ‘gian lận điểm thi’ có nên tự tin ‘quy trình tốt’?
Thứ tư: 08:48 ngày 25/07/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đứng trên quan điểm về quản lý rủi ro cho cả kỳ thi THPT Quốc gia, không thể nói một cá nhân, một hiện tượng xấu là số ít, để xóa nhòa rủi ro của toàn hệ thống.

Cô bạn làm ở một ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Cuối năm 2017, khi đã hoàn thành hết các kế hoạch du lịch, chơi bời trong năm, cô vẫn còn một số ngày nghỉ phép chưa dùng hết. Giống như những người độc thân khác, đôi khi đi làm còn dễ chịu hơn là ở nhà một mình, cô xin phép không nghỉ mà vẫn đi làm bình thường hết những ngày phép còn lại.

Đề nghị tưởng như rất tận tụy của cô bị ngân hàng này từ chối. Mệnh lệnh đưa ra là cô có thể nghỉ ở nhà hay làm gì tùy ý nhưng tuyệt đối không được đến cơ quan, không được tham gia vào công việc.

Mãi sau này cô mới được lãnh đạo giải thích, ngoài lý do rất hiển nhiên là để tuân thủ luật lao động, việc bắt nhân viên nghỉ đủ phép là cách để Ngân hàng này kiểm tra chính hệ thống quản lý rủi ro của mình. Nghĩa là nếu cô nghỉ mà công việc của ngân hàng bị đình trệ ở một khâu nào đó, chứng tỏ hệ thống mà họ xây dựng nên có vấn đề.

Vấn đề được giải thích là: rõ ràng vị trí của cô đã không có phương án backup, công việc bị phụ thuộc quá nhiều vào một cá nhân và khi công việc bị phụ thuộc quá nhiều vào một cá nhân thì rủi ro cho cả hệ thông đã bị đẩy lên cao nhất. Khi đó, dù cho phần còn lại của hệ thống hoạt động bình thường, cũng không thể nói đó là một hệ thống tốt được.

Xin lưu ý rằng, ngân hàng nói trên đã có lịch sử hàng trăm năm, hệ thống của nó đã được xây dựng qua rất nhiều thế hệ, hoạt động ở nhiều quốc gia. Nhưng không phải vì thế mà nó bỏ qua những cơ hội để có thể tự kiểm tra lại mức độ rủi ro của chính mình. 

Câu chuyện của cô bạn khiến tôi liên hệ với hệ thống được thiết lập cho Kỳ thi THPT Quốc gia với các gian lận được phát hiện những ngày qua. Đứng từ góc độ quản lý rủi ro cho cả hệ thống, rõ ràng có quá nhiều vấn đề đáng để nêu ra. 

Chúng ta có bỏ qua cơ hội đánh giá quy trình của một kỳ thi quan trọng? Ảnh minh họa: VTV.vn

Thứ nhất là việc tự nó thiếu vắng một cơ chế để kích hoạt việc thanh tra lại quá trình coi thi và chấm thi như đang làm ở các tỉnh hiện nay. Chúng ta tuyên dương báo chí đã quyết liệt khi đưa ra những con số thống kê chỉ rõ điểm thi có vấn đề ở nhiều địa phương. Nhưng lật lại vấn đề, nếu không có báo chí, không có những chuyên gia mất công ngồi thống kê điểm thi và so sánh dưới nhiều góc độ thì tự hệ thống thi THPT, mặc dù là nơi có nhiều thông tin thống kê nhất, lại không có cơ chế để tự phát hiện ra những sai sót của chính mình.

Hay xa hơn, khi những thống kê của chuyên gia dựa trên mô hình “quả chuông”, chỉ hoạt động tốt khi có những can thiệp điểm quá rõ ràng như ở Hà Giang. Tức là quá nhiều người được sửa điểm và sửa đến mức toàn thủ khoa thì mới lộ rõ ra. Nếu người sửa điểm hiểu rõ hơn về mô hình này, chỉ sửa cho một vài em và không sửa quá nhiều thì thống kê trên biểu điểm khó lòng phát hiện nổi.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều người băn khoăn hơn nữa là cách mà Bộ GD&ĐT đang tự nhìn nhận về hệ thống của mình. Sáng 24/7, một lần nữa, đại diện Bộ kết luận: “Sự việc ở Sơn La xấu xí, song tổng thể kỳ thi ở các địa phương là tốt”, sau khi đã kết luận tương tự khi cho rằng sự việc ở Hà Giang là một điểm đen, còn lại kỳ thì THPT Quốc gia về tổng thể cũng là tốt. Hay bằng cách khác, tư duy sai lầm về hệ thống cũng đã được thể hiện rất rõ qua nhận định của Bộ GD&ĐT về trường hợp ông Vũ Trọng Lương: “Quy trình là tốt rồi, nhưng con người vẫn là quan trọng”.

Đứng trên quan điểm về quản lý rủi ro cho cả kỳ thi THPT quốc gia, không thể nói một cá nhân, một hiện tượng xấu là số ít, để xóa nhòa rủi ro của toàn hệ thống. Bởi một hệ thống được xây dựng tốt là hệ thống ngăn cản được hoàn toàn rủi ro đến từ phía con người.

Có nghĩa là ở đó, bằng cơ chế giám sát, hỗ trợ, mỗi cá nhân không có cơ hội để làm việc xấu, và luôn có cơ chế để phát hiện khi một cá nhân có vấn đề. Ví dụ, về mặt kỹ thuật là tìm cách mã hóa file kết quả quét bài thi của thí sinh để cho các cán bộ trực tiếp như ông Lương không thể can thiệp được, chứ không phải là không mã hóa và trông chờ vào sự liêm chính của các cán bộ tham gia.

Quay lại câu chuyện về cách ngân hàng nước ngoài ứng xử với hệ thống đã trăm năm của mình. Hãy nhìn cách họ luôn luôn tạo ra cơ hội để kiểm tra lại chính mình, dũng cảm xem rủi ro xuất phát từ con người như là cơ hội để hoàn thiện lại hệ thống và không bao giờ để cả hệ thống trông chờ vào sự tận tụy và liêm chính của một cá nhân.

Còn chúng ta, với hệ thống thi THPT quốc gia mới chỉ thực hiện trong vòng 2 năm, đứng trước những kẽ hở rõ ràng của hệ thống, liệu có nên tiếp tục tự an trấn an rằng hệ thống này là tốt, và quy vấn đề cho những lý do không thể kiểm soát được về mặt con người?

Nguồn vietnamnet

Tin cùng chuyên mục