Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Theo sắc lệnh mới này, công dân Thổ Nhĩ Kỳ mang hộ chiếu công vụ hoặc hộ chiếu đặc biệt được phép đến Nga công tác ngắn hạn mà không cần xin thị thực.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh gỡ bỏ một số hạn chế kinh tế áp vào Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia gần đây đã tiếp nhận lô hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại S-400 từ Nga và có nguy cơ hứng lệnh trừng phạt từ Mỹ, theo Newsweek.
Sắc lệnh trên được công bố trên trang tin trực tuyến chính thức của Nga về thông tin pháp lý yêu cầu “bãi bỏ một số biện pháp kinh tế đặc biệt chống lại Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ” và khôi phục một phần hiệu lực của thỏa thuận đi lại giữa công dân Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký ngày 12-5-2010 sau vụ Lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ cường kích Su-24 của Nga tại Syria vào tháng 11-2015.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS
Theo sắc lệnh mới này, công dân Thổ Nhĩ Kỳ mang hộ chiếu công vụ hoặc hộ chiếu đặc biệt được phép đến Nga công tác ngắn hạn mà không cần xin thị thực.
Theo hãng thông tấn TASS, ngày 28-11-2015, Nga thông qua sắc lệnh “Về các biện pháp đảm bảo an ninh quốc gia của Liên bang Nga và bảo vệ công dân Nga trước các hành động tội phạm và bất hợp pháp khác, đồng thời áp các biện pháp kinh tế đặc biệt vào Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ” sau sự kiện Lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ cường kích Su-24 của Nga tại Syria vào 24-11-2015.
Nga cũng thông báo nước này sẽ ngừng hoạt động miễn visa cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ kể từ ngày 1-1-2016.
Sự kiện chiếc tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một cường kích Su-24 của Nga đang bay ở khu vực biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến quan hệ hai nước xấu đi. Những năm sau đó, mối quan hệ phức tạp giữa Moscow và Ankara dần dần cải thiện, đặc biệt là khi Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng xa rời Mỹ và khối quân sự phương Tây Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong vụ lùm xùm gần đây nhất với Washington, Ankara đã phớt lờ đe dọa trừng phạt, hủy thỏa thuận cung cấp tiêm kích F-35 và nhận lô tổ hợp hệ thống phòng không S-400 đầu tiên từ Nga theo hợp đồng đã ký tháng 12-2017.
Lầu Năm Góc và các quan chức Washington đã yêu cầu đáp trả cứng rắn, song Tổng thống Donald Trump lại ủng hộ các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ thay vì trừng phạt. Mới đây nhất, ông Trump nói rằng ông không trách Thổ Nhĩ Kỳ vì đã mua hệ thống S-400 do Nga sản xuất bởi có nhiều tình huống.
Ông Trump trước đó cũng cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã không được đối xử công bằng và đổ lỗi cho chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama vì căng thẳng hiện tại liên quan tới S-400 giữa Ankara và Washington. Ông Trump nói rằng ông Obama đã từ chối bán hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Trump đã ký thông qua Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) năm 2017, theo đó sẽ trừng phạt các thực thể làm ăn với ngành công nghiệp quốc phòng của Nga.
Mỹ năm 2018 đã áp trừng phạt vào Trung Quốc thể theo Đạo luật này vì Bắc Kinh đã mua hệ thống S-400 cũng như máy bay chiến đấu Su-37 của Nga. Ngoài Trung Quốc, nước tiếp theo có nguy cơ hứng trừng phạt từ Mỹ là Ấn Độ sau khi New Delhi ký hợp đồng mua S-400 với Nga trị giá 5,43 tỉ USD hồi năm ngoái.
Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn tất nhận lô tổ hợp S-400 đầu tiên từ Nga và việc chuyển giao lô hàng thứ hai đang lên kế hoạch. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho hay nước này sẽ triển khai S-400 từ tháng 4-2020.
Nguồn PLO