Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Sẽ tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 cho dân từ cuối 2021
Thứ ba: 11:10 ngày 09/11/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Theo bộ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam hiện đã tiếp nhận được khoảng 125 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Từ cuối năm nay, cả nước sẽ tiêm mũi thứ ba cho người dân.

Ngày 8-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về báo cáo công tác phòng chống dịch COVID-19… Nhìn lại những “bài học xương máu” trong đại dịch, các đại biểu (ĐB) QH đề nghị QH, Chính phủ phải có giải pháp ngay để câu chuyện này không lặp lại.


Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo, giải trình trước Quốc hội. Ảnh: QH

Những bài học xương máu

Tại phiên thảo luận, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP.HCM) cho hay hậu quả nặng nề của đại dịch tại TP.HCM đã để lại nhiều “bài học xương máu”. Đầu tiên đó là hệ thống y tế cơ sở chưa tốt, trình độ nhân lực không đảm bảo, cơ sở vật chất thiếu thốn. Vấn đề thứ hai là năng lực của hệ thống điều trị. “Chỉ một cơn dịch qua thôi là tan tác hết, chúng ta chỉ tập trung COVID-19 để cấp cứu cũng không đủ nữa, đó là chưa tính đến những căn bệnh khác” - ĐB Lan nói.

Theo bà, tất cả bệnh viện từ khi thành đơn vị sự nghiệp thì chưa có sự chuẩn bị về pháp lý, cơ chế tài chính… để đảm bảo cung ứng trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc. Điều này dẫn đến khó khăn trong thanh toán chi phí điều trị bệnh nhân COVID-19 do cơ chế chi trả giữa bảo hiểm hay ngân sách chưa rõ ràng. Bên cạnh đó là các bất cập trong cơ chế đấu thầu, huy động hệ thống y tế tư nhân vào chống dịch chưa kịp thời…

Ở khía cạnh khác, ĐB Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) nêu những hạn chế bộc lộ trong công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch. Trong đó, nhiều địa phương đã đặt ra những điều kiện phòng chống dịch vượt chỉ đạo của Chính phủ gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Thậm chí, một số nơi đặt ra các giấy tờ không phù hợp để đi qua chốt kiểm soát, chưa tạo điều kiện cho người dân từ các TP lớn trở về quê tránh dịch.

Bên cạnh đó có tình trạng cán bộ cơ sở còn lơ là, chưa sâu sát, chủ quan, bị động trong phòng chống dịch… “Có nơi còn quá cứng nhắc, lạm quyền trong việc hành xử với người dân, gây bức xúc trong dư luận. Như việc cán bộ địa phương vào nhà dân bắt ép đi xét nghiệm” - bà Hoa nói.

Cùng nội dung này, ĐB Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) nói: “Một bộ phận cán bộ chủ chốt ở một số nơi, từ nhận thức đến hành vi không chuẩn về pháp luật dẫn đến ứng xử vừa không đúng về pháp luật, vừa không đúng về đạo lý với nhân dân. Đề nghị cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương có cán bộ sai phạm phải xử lý nghiêm cho dân biết chúng ta nghiêm”.

Đến cuối năm 2021, đảm bảo phủ vaccine cho cả nước

Tiếp thu, giải trình trước QH, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định toàn ngành y tế cùng người dân cả nước và cả hệ thống chính trị đã và đang nỗ lực, quyết tâm, chủ động ứng phó để “sớm khống chế và đẩy lùi dịch COVID-19, một đại dịch chưa từng có trong tiền lệ”. Ông cho hay với bốn đợt dịch từ đầu năm 2020 đến nay, đặc biệt là đợt dịch thứ tư đã “gây tác động nghiêm trọng đến sức khỏe người dân và ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội”.

Với việc triển khai đồng bộ tất cả biện pháp về chuyên môn y tế, giãn cách, tăng cường giãn cách, an sinh, an ninh và an toàn trật tự xã hội... đến nay, các địa phương ở tâm dịch như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... đã kiểm soát được số ca nhiễm, ca tử vong.

Về vaccine, ông Long khẳng định đã triển khai chiến lược vaccine rất hiệu quả, trên tất cả lĩnh vực từ mua, nhập khẩu, nghiên cứu sản xuất trong nước, tổ chức chiến dịch tiêm chủng... Hiện Việt Nam đã tiếp nhận được khoảng 125 triệu liều. Đến ngày 7-11, cả nước đã tiêm được hơn 90 triệu liều với hơn 83,8% số người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều và hơn 40% số người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ hai liều vaccine.

“Số lượng vaccine hiện tại đã đảm bảo bao phủ đủ liều vào cuối năm nay. Cuối năm 2021, đầu 2022, cả nước sẽ triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ ba cho người dân” - Bộ trưởng Long khẳng định.

Về y tế cơ sở, y tế dự phòng, ông Long thừa nhận dù luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế và chưa đáp ứng năng lực phòng chống dịch, nhất là khi xảy ra tình huống đại dịch như vừa qua. “Thời gian tới, Chính phủ, Bộ Y tế sẽ tập trung củng cố, hoàn thiện tổ chức mạng lưới; cơ cấu lại hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; tăng cường đầu tư, thúc đẩy đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đồng thời đổi mới cơ chế tài chính và mở rộng việc cung ứng dịch vụ y tế cơ sở” - Bộ trưởng Y tế nói.

Ông cũng khẳng định việc triển khai thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đã được thực hiện cơ bản đồng bộ; các địa phương đã không còn tình trạng phong tỏa trên diện rộng gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân nhưng vẫn đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả.

Đề xuất tổ chức quốc tang cho nạn nhân mất vì COVID-19

Tại phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) đã đề xuất lấy một ngày trong năm làm ngày tưởng niệm cho hơn 22.500 đồng bào tử vong do dịch COVID-19.

Còn ĐB Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) đề nghị QH, Chính phủ sớm lựa chọn thời điểm thích hợp để tổ chức một ngày quốc tang cho những đồng bào đã mất trong đại dịch.

Bởi theo ông, hầu hết những người đã mất do đại dịch đã không được tổ chức mai táng chu toàn. Việc dành cho những người mất một ngày quốc tang là rất nhân văn, nhân nghĩa và cũng rất nhân ái, đúng với đạo lý của con người Việt Nam. Đồng thời, việc này cũng góp phần nhắc nhở người dân không chủ quan, không lơ là và quyết tâm đồng lòng hơn trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Nguồn PLO

Tin cùng chuyên mục