Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Phương án về cơ sở vật chất phục vụ SEA Games 31 là sự kết hợp giữa khai thác tối đa điều kiện cơ sở vật chất của Hà Nội và các địa phương lân cận.
Bóng đá nam SEA Games 31 sẽ được tổ chức tại sân Hàng Đẫy (Hà Nội), sân Thiên Trường (Nam Định) nhưng trận chung kết sẽ chuyển về sân Mỹ Đình; bóng đá nữ tại sân Lạch Tray (Hải Phòng); môn bóng chuyền tổ chức tại Quảng Ninh.
Đó là một số địa điểm thi đấu của 2/40 môn thuộc SEA Games 31, nằm trong đề án đăng cai đại hội năm 2021 vừa được Bộ VH-TT-DL trình lên Chính phủ ngày 26-4.
Đề án nêu rõ: “Phương án về cơ sở vật chất phục vụ SEA Games 31 được xây dựng trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả, song phải đảm bảo phục vụ chu đáo các đối tượng tham dự đại hội, thuận tiện cho công tác điều hành của ban tổ chức và hoạt động của các đoàn; kết hợp giữa khai thác tối đa điều kiện cơ sở vật chất của Hà Nội và các địa phương lân cận”.
Sân Lạch Tray tổ chức môn bóng đá tại SEA Games 31. (Ảnh: Minh Tú)
Chỉ xây mới duy nhất sân quần vợt
Theo đó, Khu liên hợp thể thao quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội) là cụm công trình đạt tiêu chuẩn quốc tế, gồm Cung thể thao dưới nước là nơi tổ chức các môn thể thao dưới nước; sân vận động quốc gia tổ chức lễ khai mạc, bế mạc, thi đấu điền kinh, hai trận bán kết và trận chung kết, trận tranh hạng ba môn bóng đá nam.
Bóng đá nam chia hai bảng, một bảng tại sân Hàng Đẫy, một bảng tại sân Thiên Trường. Môn bóng đá nữ đấu tại sân Lạch Tray (Hải Phòng) giống như lần tổ chức SEA Games 22 năm 2003. Môn bóng đá futsal (nam, nữ) dự kiến đưa về Hà Nam.
Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (Nhổn) tổ chức môn bắn súng, bắn đĩa bay, bắn cung. Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội tổ chức đấu kiếm, quần vợt, cờ vua. Hà Nội còn có sẵn nhiều sân vận động, nhà thi đấu của các quận, huyện, các trường đại học, sẽ tổ chức một số môn hoặc làm địa điểm tập luyện.
Riêng môn quần vợt cần phải có một cụm sân từ 8 - 10 sân, dự kiến xây mới bằng phương thức xã hội hóa tại Mỹ Đình, làm mặt sân đủ tiêu chuẩn thi đấu quốc tế, lắp khán đài di động để tiết kiệm chi phí. Đây cũng là công trình duy nhất được xây mới trong toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất phục vụ SEA Games 31.
Với các thành phố vệ tinh, Hải Phòng có Trung tâm đua thuyền Minh Đức tổ chức môn rowing, canoeing; tỉnh Bắc Ninh có nhà thi đấu đa năng tổ chức môn quyền Anh, wushu; tỉnh Hải Dương tổ chức môn bóng bàn; pencak silat, golf (tại sân golf Chí Linh); tỉnh Hòa Bình tổ chức môn xe đạp; Quảng Ninh tổ chức môn bóng chuyền.
Đại hội diễn ra trong 17 ngày
Thời gian tổ chức SEA Games 31 dự kiến vào khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12-2021 với 17 ngày, trong đó có 7 ngày trước SEA Games 21 sẽ thi đấu 3 lượt trận bóng đá; 1 ngày tổ chức lễ khai mạc; 9 ngày thi đấu chính thức và bế mạc. Số đoàn tham dự SEA Games 31 gồm 11 nước. Số lượng trưởng đoàn, cán bộ, HLV: 3.100 người; VĐV: 7.000 người; trọng tài 2.300 người (trọng tài và giám sát quốc tế 800 người, trọng tài VN 1.500 người); phóng viên 1.500 người.
Nếu tính cả quan chức các nước; nhân viên tình nguyện, phục vụ; ban tổ chức các môn thi, ban chỉ đạo và các tiểu ban ở Hà Nội, địa phương, tổng số khoảng 19.850 người (chưa kể lực lượng công an, quân đội tham gia bảo vệ đại hội).
Tổng kinh phí cho việc chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31 vào khoảng gần 1.758 tỉ đồng. Trong đó chi sửa chữa, nâng cấp các công trình thể thao là 803 tỉ đồng - là nguồn kinh phí phân bổ hằng năm trong giai đoạn 2016 - 2021 cho các đơn vị trực tiếp quản lý công trình (trong đó cải tạo trường bắn ở Nhổn tốn nhiều nhất với 198 tỉ đồng, cải tạo sân Mỹ Đình 108 tỉ đồng; Cung thể thao dưới nước Mỹ Đình 48 tỉ đồng); kinh phí tổ chức SEA Games 31 khoảng gần 955 tỉ đồng, là khoản được cấp cho Bộ VH-TT-DL vào năm 2021.
VN dự kiến tổ chức tối đa 40 môn và thống nhất đưa 36 môn thể thao vào đề án trình Chính phủ, gồm: điền kinh; thể thao dưới nước (bơi, nhảy cầu); bắn cung; cầu lông; bóng rổ (gồm bóng rổ 5x5 và bóng rổ 3x3); billiards-snooker; quyền Anh; vật; đua thuyền (rowing và canoeing); xe đạp (đường trường, địa hình); đấu kiếm; golf; bóng đá (bóng đá nam, nữ và futsal nam, nữ); bóng ném; thể dục (gồm thể dục dụng cụ, thể dục nghệ thuật và aerobic); karate; judo; taekwondo; bắn súng; cầu mây; quần vợt; bóng bàn; cử tạ; bóng chuyền (bóng chuyền trong nhà; bóng chuyền bãi biển); wushu; cờ (cờ vua, cờ tướng); pencak silat; vovinam; đá cầu; bi sắt; muay; thể hình; lặn; thể thao điện tử; kick boxing; dance sport. 4 môn còn lại sẽ chờ Hội đồng thể thao Đông Nam Á và các quốc gia đề nghị thêm.
Nguồn TNO