Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Sen Dolta – nét văn hoá ngàn đời của đồng bào Khmer
Thứ tư: 18:49 ngày 28/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - 15 ngày qua là những ngày đồng bào dân tộc Khmer ở các nơi trở về với gia đình, nguồn cội. Những gia đình ở ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh cùng nhau thực hiện những nghi lễ bày tỏ sự hiếu kính đối với ông bà, cha mẹ, tổ tiên.

Phần cơm được anh Trung Hiếu chuẩn bị mang lên chùa cúng vào sáng sớm.

Sáng 25.9, tức 30.8 âm lịch, tại chùa Botum Kiriangsay, người uy tín Cao Văn Ươn đang cùng bà con chuẩn bị dâng lễ Phật. Ông Cao Văn Ươn cho biết, lễ Sen Dolta của đồng bào dân tộc Khmer cũng giống như lễ Vu lan báo hiếu của bà con người Kinh, nhưng người Khmer làm lâu hơn một chút.

“Lễ Sen Dolta diễn ra trong nửa tháng, bắt đầu từ ngày 16.8 đến ngày 1.9 âm lịch mỗi năm. Mấy ngày này, ở nhà người ta nấu cơm cúng ông bà, tổ tiên mỗi ngày 2 bữa. Rồi 4 giờ sáng mỗi ngày, mọi người sẽ mang cơm lên chùa cúng cho sư và cúng cho vong linh những người đã khuất. Lễ cúng cơm này đến rạng sáng ngày 30.8 là xong. Sáng 1.9 là tiễn ông bà về trời”- người uy tín ở ấp Thạnh Đông nói.

Mang lễ vật lên chùa cúng Phật.

Anh Thị Nguyễn Trung Hiếu cho biết, mấy ngày nay, ngày nào anh cũng cùng gia đình dậy sớm để làm thức ăn, mang cơm lên chùa. Anh Hiếu chuẩn bị hai phần cơm, một phần dâng cúng sư và một phần cơm vắt cúng cho những người đã khuất, kể cả những linh hồn không nơi nương tựa.

“Mình thấy nghi lễ này rất ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của con cháu với ông bà, tổ tiên. Dù dậy sớm để làm nhưng mình không thấy vất vả hay phiền phức. Đây là phong tục của dân tộc và mình- những người trẻ cần phải học làm để tiếp nối truyền thống, đặc biệt hiếu thảo là đức tính có từ muôn đời của cả dân tộc Việt Nam rồi”- anh Trung Hiếu chia sẻ.

Bà con đi vòng quanh chùa để dâng lễ cúng Phật.

Một năm, bà con dân tộc Khmer có nhiều nghi lễ gắn liền với đời sống sinh hoạt, làm ăn như lễ mừng năm mới Chol Chnam Thmay, lễ Ok Om Bok, lễ Dâng y… nhưng, Sen Dolta được xem là lễ lớn nhất trong năm. Đón lễ này, nhiều người dù đi làm xa cũng thu xếp công việc về đón lễ cùng gia đình. Đó như một dịp để mọi người tìm về với nguồn cội, thêm nhớ công ơn tổ tiên, ông bà. 

Chị Sóc Đa (19 tuổi) hiện đang làm công nhân ở một công ty thuộc Khu công nghiệp Phước Đông - Bời Lời (xã Phước Đông, huyện Gò Dầu). Thường ngày, Sóc Đa đi làm bằng xe đưa đón của công ty. Nhưng nay, để có thể thực hiện các nghi lễ, chị đi làm bằng xe máy để chủ động thời gian. Đặc biệt, 3 ngày lễ cuối là những ngày quan trọng, đúng vào ngày đi làm, chị Sóc Đa xin nghỉ phép năm để dự lễ. 

Trong đêm 29.8, đông đảo bà con cùng tụ về ngôi chùa Botum Kiriangsay vui chơi, múa hát. Đến sáng 30.8 âm lịch, bà con chuẩn bị lễ vật gồm trà, bánh, gạo, nhang, đèn… lên chùa cúng Phật, cúng dường cho sư. Đến hôm sau, ngày cuối của lễ, tức mùng 1.9 âm lịch, sẽ là lễ tiễn ông bà. 

Mọi người chuẩn bị tiền đặt bát cho chư tăng.

Theo truyền thống, ngày này, bà con sẽ làm một chiếc thuyền để đưa ông bà tổ tiên về trời. Từ sáng sớm, Sóc Đa đã đến nhà hàng xóm là chị Cao Thị Ở để cùng mọi người làm thuyền. Mỗi gia đình sẽ làm một chiếc thuyền. Con trai của chị Ở đang dùng những mảnh xốp tạo hình chiếc thuyền cho gia đình và 2 nhà hàng xóm. Anh đang đi nghĩa vụ quân sự. Nhưng đây là lễ chính của dân tộc, anh đã xin chỉ huy cho nghỉ 10 ngày phép năm theo chế độ  để về sum họp cùng gia đình. 

Khi những chiếc thuyền vừa làm xong, chị Cao Thị Ở và Sóc Đa bắt đầu phần trang trí thuyền. Những cành hoa được hái quanh nhà hay hoa mua chưng từ mấy hôm trước trong nhà được các chị tận dụng để làm đẹp cho con thuyền. Mọi người cũng chuẩn bị sẵn những bó củi tí hon, những lọn rau, túi gạo, mớ gia vị, bánh, trái cây, nước uống và chút tiền đặt vào lòng thuyền. “Đây là những thứ mình chuẩn bị đưa theo ông bà về trời”- chị Ở giải thích. 

Đặt bát– một nghi lễ cúng dường cho chư tăng.

Sau khi cúng cơm tại nhà, tiễn ông bà đi, bà Cao Thị Sà Rương, 71 tuổi, cùng con cháu mang chiếc thuyền vào chùa làm lễ. Lần lượt những chiếc thuyền của các gia đình khác cũng được mang về đây để sư cầu kinh, làm lễ. 

“Lễ này là lễ tạ ơn ông bà, ba mẹ đã để đất, để nhà, để lại sức khoẻ cho con cái. Mình phải trả hiếu, nên làm lớn lắm, lớn hơn lễ năm mới Chol Chnam Thmay. Mình làm như vậy để dạy con cháu. Không thì chúng nó không biết đâu”- bà Sà Rương nói.

Đi qua những ngày lễ Sen Dolta, chúng ta thấy dẫu cuộc sống có đổi mới, hiện đại, thì văn hoá truyền thống bao đời vẫn là thứ quý giá cần lưu giữ. Sen Dolta sẽ mãi là nét văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer.

Sư nhận tiền từ người lớn, nhưng tặng tiền cho trẻ em.

Một nghi thức trong lễ Sen Dolta.

Trẻ con đóng vai “cướp biển”, tìm lấy những tờ tiền được người dân đặt cúng về mua quà bánh.

Ngọc Diêu

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục