Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
SGK tiếng Việt lớp 2 sai ngữ pháp, diễn đạt
Thứ tư: 08:27 ngày 31/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đã là sách giáo khoa, lại là sách tiếng Việt, sách dạy về ngữ pháp cho học sinh tiểu học thì phải chuẩn mực, chính xác.


Bài tập đọc trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 2 có sai sót - Ảnh: M.K.

Tuy nhiên, nội dung trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 2, tập 2 (NXB Giáo Dục) đang được giáo viên và học sinh sử dụng bấy lâu nay lại để xảy ra lỗi diễn đạt, ngữ pháp...

Cuối năm học, vợ chồng anh tôi mang về nhà tập “hồ sơ” thành tích học tập của cậu con trai để khoe với ông bà nội. Lật qua một bài thi điểm 10 môn tiếng Việt của cháu, tôi không khỏi ngạc nhiên bởi một đoạn văn được viết sai. Tưởng lỗi của cháu, nhưng khi lật sách giáo khoa ra thì đúng là lỗi từ sách.

Bài tập đọc của tuần thứ 28, trang 83 là truyện Kho báu (theo ngụ ngôn Ê-Dốp, Nguyệt Tú dịch). Mở đầu có câu văn: “Ngày xưa có hai vợ chồng nông dân kia quanh năm hai sương một nắng, cuốc bẫm cày sâu...”. “Một nắng hai sương”, “cày sâu cuốc bẫm” vốn là hai cụm thành ngữ rất quen thuộc với mọi người, nói về sự nhọc nhằn, vất vả, cần cù của người nông dân thời xưa. Hai thành ngữ này lại bị người ta đảo ngược, nghe qua không suông chút nào!

Thành ngữ được tạo ra và được cộng đồng chấp nhận nên đã tồn tại, thông dụng đến hôm nay. Để dạy các cháu tiểu học cách diễn đạt hiệu quả, hay, lẽ ra phải dùng ngữ liệu thông dụng, chuẩn xác. Thế nhưng, khi đưa vào sách giáo khoa cho trẻ, người ta lại viết thành ra như thế. Hai thành ngữ nói trên trong sách giáo khoa đọc lên quá lạ tai, ngay cả với người lớn, chưa nghe ai dùng. Họa chăng, có người nước ngoài bập bõm học tiếng Việt mới nói kiểu trái khoáy như thế!

Tôi có hỏi, phụ huynh cháu cho biết cũng không khỏi sửng sốt về hai câu thành ngữ nói trên lúc giúp con học bài. Nhưng sách giáo khoa viết rành rành như vậy, cô giáo cũng răm rắp dạy theo như vậy, nên anh chị tôi chỉ biết nói thêm cho con hiểu: rằng ngoài xã hội còn một cách nói ưa dùng, thông dụng về hai thành ngữ này, chứ không dám khẳng định đúng, sai.

Cùng truyện Kho báu, cùng đoạn văn, câu tiếp theo được viết: “Hai ông bà thường ra đồng từ lúc gà gáy sáng và trở về nhà khi đã lặn mặt trời”. Lại một lỗi sai khó chấp nhận. Chắc chắn cụm từ “khi đã lặn mặt trời” không phải là văn phong, ngữ pháp của người Việt Nam. Một người Việt Nam bình thường không ai dùng cách diễn đạt kỳ lạ đó. Đúng ra phải là “khi mặt trời đã lặn”.

Do truyện được dịch lại từ nguồn nước ngoài, khi dịch, các tác giả thường phải “Việt hóa” để phù hợp với đối tượng tiếp nhận. Với sách giáo khoa dành cho trẻ em, sự cẩn trọng là bắt buộc, cần thiết. Cách diễn đạt phải trong sáng, dễ hiểu...

Những sai sót trên thiết nghĩ không nên có trong sách giáo khoa cho học sinh lớp 2. Khi trẻ chỉ bắt đầu học bài học về ngữ pháp, sách giáo khoa phải giúp các cháu nói đúng, viết đúng, giáo dục ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục