Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, ngày 30.12.2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định về dạy thêm, học thêm sẽ có hiệu lực vào ngày 14.2.2025. Về nguyên tắc, khi thông tư có hiệu lực, tất cả cơ sở giáo dục, nhà trường phải chấp hành.

Học sinh trung học phổ thông trong ngày thi tốt nghiệp.
Trong khi chỉ còn vài ngày nữa Thông tư 29 có hiệu lực, nhiều vấn đề nảy sinh nhưng chưa thể giải quyết, vì trong thông tư có quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương. Quy định về dạy thêm, học thêm đang thu hút sự chú ý rất lớn của dư luận, đủ mọi giai tầng trong xã hội.
Chờ hướng dẫn
Điều 5 Thông tư 29 quy định dạy thêm, học thêm trong nhà trường như sau: việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng ký học thêm theo từng môn học. Cụ thể, học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Quy định nêu trên cho thấy, dạy thêm trong nhà trường chỉ còn ba nhóm đối tượng gồm học sinh có học lực yếu cần phụ đạo, bồi dưỡng học sinh giỏi và ôn thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp cho học sinh cuối cấp. Quy định như trên đã giúp cho hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường trở lại “thuở ban đầu” của hoạt động giáo dục. Từ hàng chục năm trước, hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường chỉ dành cho ba nhóm đối tượng nêu trên. Về sau, hoạt động dạy thêm, học thêm trở nên tràn lan, khó kiểm soát.
Thông tư 29 quy định không được thu tiền của ba nhóm đối tượng nêu trên, vậy nhà trường lấy kinh phí ở đâu để trả cho giáo viên? Không có nguồn kinh phí, liệu nhà trường có bắt buộc giáo viên dạy ba nhóm đối tượng nêu trên không, sau khi giáo viên đã hoàn thành nhiệm vụ trong giờ dạy chính khoá? Không dạy thêm trong nhà trường cho tất cả học sinh, vậy học sinh muốn học thì học ở đâu, hay phải tìm trung tâm dạy thêm (ngoài nhà trường)?
Chiều 10.2.2025, trao đổi với phóng viên Báo Tây Ninh, một số cán bộ quản lý trong một trường phổ thông cho biết, hiện tại, nhà trường đang chờ hướng dẫn của cấp trên. “Chúng tôi vẫn đang tổ chức dạy buổi thứ hai có thu tiền theo quy định hiện hành.
Nếu bây giờ dừng lại, rất nhiều học sinh, đặc biệt học sinh cuối cấp bị ảnh hưởng. Ở khu vực đô thị, các em có thể tìm đến học ở các trung tâm dạy thêm nhưng khu vực nông thôn không có trung tâm, không phải em nào cũng có điều kiện tìm đến các trung tâm ở khu vực thành thị để học thêm vì đường xa, rủi ro về giao thông, chưa kể học phí cao hơn”- hiệu trưởng một trường THPT ở Tây Ninh thông tin.
“Chương trình giáo dục phổ thông 2018 lần đầu tiên triển khai đối với ba lớp cuối cấp gồm lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Kết quả kiểm tra giữa học kỳ 1 và cuối học kỳ 1 vừa qua, chúng tôi chưa thể yên tâm. Tỷ lệ học sinh bị điểm thấp còn khá cao. Thông tư 29 cho phép dạy thêm đối với học sinh cuối cấp nhưng không cho thu tiền, chúng tôi chưa biết làm như thế nào, đặc biệt đối với học sinh lớp 9 và lớp 12” - một ý kiến khác phát biểu.
Phải thay thế Quyết định 02
Năm 2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định 02 quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh, nội dung trọng tâm là quy định về dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường. Điều 4 của Quyết định 02 quy định như sau: Học sinh có nguyện vọng học thêm phải viết đơn xin học thêm gửi nhà trường; cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ (sau đây gọi chung là cha mẹ học sinh) có con em xin học thêm trực tiếp ký, ghi cam kết với nhà trường về dạy thêm, học thêm vào đơn xin học thêm và chịu trách nhiệm thực hiện cam kết.
Hiệu trưởng nhà trường tiếp nhận đơn xin học thêm của học sinh, tổ chức phân nhóm học sinh theo học lực, phân công giáo viên phụ trách môn học và tổ chức dạy thêm theo nhóm học lực của học sinh.
Giáo viên có nguyện vọng dạy thêm phải có đơn đăng ký dạy thêm; trong đơn có cam kết với nhà trường về việc hoàn thành tốt tất cả các nhiệm vụ của giáo viên theo quy định chung và các nhiệm vụ khác do nhà trường phân công, đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm trong nhà trường.
Hiệu trưởng nhà trường xét duyệt danh sách giáo viên dạy thêm, phân công giáo viên dạy thêm, xếp thời khoá biểu dạy thêm phù hợp với học lực của học sinh.
Khi mở lớp dạy thêm phải có đủ giáo viên được đào tạo đạt trình độ chuẩn quy định, có đủ cơ sở vật chất và lớp học bảo đảm yêu cầu tại Quy định về vệ sinh trường học ban hành kèm theo Quyết định số 1221/2000/QĐ-BYT, ngày 18.4.2000 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Đối với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, Điều 5 của Quyết định 02 ghi: Người dạy cam kết với UBND xã, phường, thị trấn nơi đặt điểm dạy thêm, học thêm thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường và trách nhiệm giữ gìn trật tự, an ninh, bảo đảm vệ sinh môi trường nơi tổ chức dạy thêm, học thêm. Công khai tại địa điểm tổ chức dạy thêm trước và trong khi thực hiện dạy thêm: Giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm; thời khoá biểu dạy thêm, học thêm; mức thu tiền học thêm.
Tổ chức, cá nhân đăng ký mở lớp dạy thêm phải có đủ giáo viên được đào tạo đạt trình độ chuẩn quy định, có đủ cơ sở vật chất và lớp học bảo đảm yêu cầu tại quy định về vệ sinh trường học ban hành kèm theo Quyết định số 1221/2000/QĐ-BYT, ngày 18.4.2000 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Quyết định 02 năm 2013 cụ thể hoá Thông tư 17 năm 2012 nhưng không còn phù hợp với Thông tư 29 năm 2024. Thông tư 17 cũng đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Thông tư 29, song hiện tại chưa có quyết định mới để thay thế Quyết định 02.
Học 2 buổi: Áp dụng Nghị quyết 12
Ngoài hoạt động dạy thêm, trong nhà trường hiện nay còn có buổi học thứ hai. Buổi học này cũng có thu tiền để trả cho giáo viên và chi cho các hoạt động quản lý giáo dục. Nhưng, theo Thông tư 29, một khi không được thu tiền, ngoại trừ học phí của buổi học chính khoá, hoạt động này cũng không thể duy trì. Chỉ còn vài ngày nữa, Thông tư 29 có hiệu lực, nhà trường tính toán như thế nào đối với hoạt động dạy thêm trong nhà trường cũng như học buổi thứ hai?
Trả lời câu hỏi nêu trên, một hiệu trưởng cho biết, trong khi chờ hướng dẫn của cấp trên, nhà trường đang áp dụng Nghị quyết 12 năm 2021 của HĐND tỉnh Tây Ninh. Nghị quyết này quy định mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, trong đó quy định khoản thu phí học hai buổi đối với trường không tổ chức bán trú. Nghị quyết 12 năm 2021 của HĐND tỉnh quy định mức thu thấp nhất là 2.000 đồng, cao nhất 4.500 đồng/tiết/môn học, tuỳ cấp học và khu vực. So với giá cả và lương tối thiểu hiện tại, mức thu nêu trên không cao.
Dạy thêm, học thêm đã và đang trở thành tâm điểm của dư luận. Ngay cả đối với Thông tư 29 mới ban hành cũng có nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Mức thu tiền học thêm theo Quyết định 02:
Mức thu tiền học thêm đối với các lớp dạy thêm trong nhà trường (trong hệ thống các cơ sở giáo dục công lập) được thu theo quy định với mức như sau:
a) Trung học cơ sở, trung học phổ thông: Mức thu tối đa không quá 80.000 đồng/tháng/học sinh/môn học.
b) Ôn thi vào lớp 10, ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông: Mức thu tối đa không quá 100.000 đồng/tháng/học sinh/môn học.
c) Thi tuyển sinh đại học, cao đẳng: Mức thu tối đa không quá 150.000 đồng/tháng/học sinh/môn học.
2 Căn cứ tình hình kinh tế xã hội từng vùng, điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở và năng lực giáo viên, hiệu trưởng trường có tổ chức dạy thêm thoả thuận và thống nhất với cha mẹ học sinh về mức thu nhưng không được vượt định mức thu đã quy định tại khoản 1 điều này.
3. Mức thu tiền học thêm đối với các tổ chức, cá nhân ngoài nhà trường (ngoài hệ thống các cơ sở giáo dục công lập) do cá nhân, cơ sở tổ chức dạy thêm quy định trên cơ sở thoả thuận và tự nguyện giữa cha mẹ học sinh với cá nhân, cơ sở tổ chức dạy thêm.
Việt Đông