Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
BẢNG XẾP HẠNG CHỈ SỐ HÒA BÌNH TOÀN CẦU 2023
Singapore, Malaysia và Việt Nam yên bình nhất Đông Nam Á
Thứ bảy: 09:48 ngày 01/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Theo bảng xếp hạng Chỉ số Hòa bình toàn cầu vừa công bố, Iceland vẫn là quốc gia yên bình nhất thế giới, còn Afghanistan kém yên bình nhất. Tại Đông Nam Á, Singapore được xếp hạng cao nhất trong khi ngay phía sau là Malaysia và Việt Nam.

Singapore và Việt Nam thăng hạng

Bảng xếp hạng Chỉ số Hòa bình toàn cầu (GPI), do Viện Kinh tế & Hòa bình (IEP) có trụ sở tại Úc công bô hôm thứ Tư 28/6, chứng kiến Singapore được xếp hạng là quốc gia yên bình thứ 6 trên thế giới và cũng là quốc gia châu Á có thứ hạng cao nhất. Đảo quốc sư tử đã leo lên 4 bậc so với BXH năm 2022.

Singapore không chỉ là quốc gia yên bình nhất Đông Nam Á mà còn nhất cả châu Á - Ảnh: Tripadvisor

Danh sách năm nay cũng ghi nhận hầu hết các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đều nằm ở nửa trên của bảng xếp hạng. Tính riêng Đông Nam Á thì đứng sau Singapore lần lượt là Malaysia và Việt Nam. Malaysia không thăng hạng nào so với năm 2022 còn Việt Nam cũng tiến thêm 4 bậc như Singapore.

Trong Top 10, châu Á chỉ đóng góp 2 đại diện là Singapore và Nhật Bản. Bhutan, đất nước thường dẫn đầu các bảng xếp hạng về chỉ số hạnh phúc, đứng thứ 17 thế giới trong danh sách yên bình. Còn Sri Lanka, quốc gia Nam Á vừa mới vỡ nợ, rơi tới 18 bậc xuống vị trí 107, mức giảm lớn thứ nhì thế giới, chỉ sau Ecuador.

Ông Michael Collins, một giám đốc khu vực của Viện Kinh tế & Hòa bình (IEP) cho biết: “Chỉ số Hòa bình Toàn cầu cho biết các xu hướng đang diễn ra hoặc chúng đến từ đâu. Những gì chúng tôi thực sự muốn đạt được là đánh giá đúng những yếu tố cơ bản tạo ra và duy trì hòa bình trên khắp thế giới”.

Theo ông Collins, IEP dựa trên 23 chỉ số từ nhiều nguồn khác nhau và đo lường tình trạng yên bình trên ba lĩnh vực, đó là mức độ an toàn và an ninh xã hội, mức độ xung đột trong nước và quốc tế đang diễn ra và mức độ quân sự hóa. Đây là năm thứ 17 IEP công bố bảng xếp hạng thường niên, với 163 quốc gia và vùng lãnh thổ được chấm điểm theo mức độ yên bình (điểm càng lớn thì xếp hạng yên bình càng thấp).

Nơi yên bình nhất và nơi bất ổn nhất

Danh sách năm nay ghi nhận, Iceland vẫn là quốc gia hòa bình nhất trên thế giới, một vị trí mà đất nước băng đảo này đã nắm giữ kể từ năm 2008. Các quốc gia khác lọt vào top 10 của bảng xếp hạng năm nay bao gồm Đan Mạch, Ireland, New Zealand, Áo, Bồ Đào Nha, Slovenia, Nhật Bản và Thụy Sĩ.

Afghanistan là quốc gia kém hòa bình nhất thế giới trong năm thứ 8 liên tiếp. Phía trên đất nước Nam Á này là Yemen, Syria, Nam Sudan và CHDC Congo, những nơi đều đang chứng kiến chiến sự. Cũng bởi chiến sự, Ukraine ghi nhận mức độ suy giảm yên bình lớn thứ 4 thế giới, với 14 bậc giảm so với bảng xếp hạng năm ngoái và nằm trong nhóm 10 quốc gia kém yên bình nhất năm nay. Haiti, Mali và Israel cũng là những quốc gia khác có mức suy giảm yên bình lớn nhất.

Theo IEP, thế giới đã trở nên kém yên bình hơn trong thập kỷ qua. Năm 2023 chứng kiến 84 quốc gia có sự cải thiện, trong khi 79 quốc gia khác ghi nhận tình trạng yên bình giảm sút. Dù cuộc xung đột ở Ukraine có tác động đáng kể đến hòa bình toàn cầu, nhưng việc nhiều điểm nóng gia tăng trên khắp thế giới, mà một số còn xuất hiện từ trước khi chiến sự nổ ra tại Ukraine, cũng góp phần vào sự suy giảm hòa bình toàn cầu.

Ông Collins cho biết khoảng cách giữa các quốc gia yên bình nhất và kém yên bình nhất đang tiếp tục gia tăng. “Ví dụ, 25 quốc gia yên bình nhất trên thế giới đang dần trở nên hòa bình hơn, trong khi tình hình ở 25 quốc gia kém yên bình nhất đã xấu đi đáng kể”, vị chuyên gia này nói.

Báo cáo của IEP cũng chỉ ra rằng công nghệ đã thay đổi động lực của nhiều xung đột trên thế giới. “Chẳng hạn, máy bay không người lái (UAV) đã đóng một vai trò quan trọng trong hàng loạt cuộc xung đột, với số lượng lớn UAV quân sự được sử dụng ở Ukraine, Ethiopia. Cứ đà này, UAV sẽ còn xuất hiện nhiều hơn trong các cuộc xung đột trên toàn thế giới”, ông Collins nhận xét.

Theo ông Collins, nhu cầu về “một phản ứng mang tính hệ thống” để xây dựng hòa bình là cấp thiết, khi xung đột đang gia tăng ở một số khu vực. Nhà phân tích này nói: “Sự phổ biến của các công nghệ quân sự tiên tiến rẻ hơn, cạnh tranh địa chính trị ngày càng tăng và sự bất ổn chính trị tiềm ẩn ở nhiều quốc gia có nghĩa là sự suy giảm liên tục của hòa bình toàn cầu có khả năng sẽ xảy ra”.

BXH 10 NƯỚC YÊN BÌNH NHẤT THẾ GIỚI

BXH CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á

Nguồn congluan

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục