Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Sơ kết 3 năm thi hành Luật Báo Chí
Thứ sáu: 00:12 ngày 06/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 4.12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thi hành Luật Báo chí 2016. Sau 3 năm đưa vào thực tiễn, dù hoạt động báo chí đạt được những thành tựu quan trọng, song vẫn còn nổi lên nhiều bất cập. Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Báo chí nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại và đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí.

Theo báo cáo của Bộ TT&TT, nhiều bộ, ngành, địa phương và cơ quan báo chí đều cho rằng, qua gần 3 năm thi hành, Luật Báo chí 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển vượt bậc; quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và luật định. Những nội dung của Luật Báo chí 2016 về cơ bản phù hợp và bảo đảm tính hiệu lực trong quản lý, điều hành các hoạt động báo chí.

Luật Báo chí 2016 quy định khá rõ ràng, chi tiết, tạo điều kiện cho hoạt động báo chí; đồng thời tạo hành lang cho cơ quan báo chí, tổ chức, cá nhân hiểu và hợp tác, hỗ trợ cơ quan báo chí, tác nghiệp của phóng viên; các cơ quan hành chính Nhà nước bước đầu thực hiện việc cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất cho báo chí. Nhiều cơ quan hành chính Nhà nước đã tích cực phản hồi thông tin của cơ quan báo chí. 

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện, Bộ TT&TT nhận thấy còn một số khó khăn, vướng mắc. Ông Lưu Đình Phúc- Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT nêu rõ: “Trên thực tế vẫn còn những quy định chung chung, chưa phân định rõ một số loại hình mới. Đơn cử như Khoản 15 Điều 3 quy định: “Tạp chí điện tử là sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ, đăng tin, bài có tính chất chuyên ngành, được truyền dẫn trên môi trường mạng”.

Với định nghĩa này, chưa có sự phân biệt và lượng hoá rõ ràng giữa báo và tạp chí điện tử, dẫn đến tình trạng “báo hoá”, gây khó khăn trong công tác quản lý. Luật Báo chí 2016 cũng chưa quy định về báo in và tạp chí in, gây lúng túng cho cơ quan báo chí khi thực hiện, nhất là khi triển khai quy hoạch báo chí. Giải thích tại Khoản 3 và Khoản 6 Điều 3 về báo in và báo điện tử: “Báo in là… gồm báo in và tạp chí in”; “Báo điện tử là… gồm báo điện tử và tạp chí điện tử”, dễ gây nhầm lẫn, nên quy định là báo chí in, báo chí điện tử cho rõ ràng”- ông Lưu Đình Phúc nói thêm.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương cho rằng cần sửa đổi, bổ sung quy định Điều 22 về văn phòng đại diện, phóng viên thường trú cho chặt chẽ hơn. Có tình trạng nhiều văn phòng đại diện chỉ có trưởng văn phòng có thẻ nhà báo, còn lại phóng viên thuộc văn phòng là nhân viên quảng cáo hoặc cơ quan báo chí ký với các cá nhân không có chuyên môn, nghiệp vụ về báo chí làm cộng tác viên, không đáp ứng được yêu cầu về năng lực và trình độ của người làm báo. Thậm chí, có cơ quan báo chí cử trưởng văn phòng ở toà soạn Hà Nội và đưa các nhân viên hợp đồng làm nhân sự tại văn phòng đại diện ở địa phương.

Theo phản ánh của các cơ quan báo chí, nhiều cơ quan hành chính Nhà nước cử người phát ngôn cho có, mang tính đối phó; nhà báo, phóng viên liên lạc với người phát ngôn rất khó, bị né tránh bằng nhiều hình thức: trả lời chung chung hoặc khất hẹn…

Qua thực tiễn quản lý, ý kiến của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, các chủ thể khác có liên quan, Bộ TT&TT nhận thấy việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp với thực tiễn là cần thiết. Theo đó, Cục Báo chí đang nghiên cứu, đề xuất ban hành bổ sung chế tài xử lý đối với các vi phạm trong hoạt động báo chí, phù hợp các quy định sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016, đặc biệt, đối với các vấn đề: khai thác thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, không kiểm chứng để đăng tải, bình luận trên báo chí và gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến uy tín báo chí và các địa phương; cá nhân, doanh nghiệp truyền thông tự sản xuất chương trình truyền hình cung cấp cho các hạ tầng truyền dẫn nội dung số, các phương thức truyền dẫn mới (youtube, facebook…) phải đăng ký liên kết sản xuất với cơ quan báo chí theo từng loại hình nhằm đáp ứng yêu cầu thẩm định nội dung đối với các sản phẩm như truyền hình; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí đối với sai phạm của cơ quan báo chí; tình trạng cơ quan, tổ chức, cá nhân của các cơ quan hành chính Nhà nước cố tình “né” báo chí, không chịu cung cấp thông tin cho báo chí, không thực hiện trách nhiệm người phát ngôn hoặc cung cấp thông tin sai sự thật.

Từ ý kiến của các đại biểu tại hội nghị, Cục Báo chí cũng đề xuất bổ sung quy định về hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, không để tình trạng “khoán doanh thu” và không kiểm soát được hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú. Đồng thời, có cơ chế bảo vệ phóng viên khi tác nghiệp đúng quy định của Luật Báo chí; xử lý nghiêm các trường hợp giả danh phóng viên.

T.N

Tin cùng chuyên mục