Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ngành NN&PTNT:
Sơ kết công tác quý I năm 2018
Thứ ba: 16:22 ngày 27/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 27.3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh tổ chức hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ quý I; triển khai kế hoạch, nhiệm vụ quý II năm 2018 của ngành NN&PTNT.

Sản xuất, trồng trọt phát triển ổn định

Trong 3 tháng đầu năm, tình hình sản xuất trồng trọt trong tỉnh tương đối ổn định, các cây trồng chính sinh trưởng, phát triển tốt. Giá cả đa số các loại nông sản chính tăng, riêng mía giảm, cao su giá cả ổn định nhưng còn ở mức thấp.

Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Sở NN&PTNT với đại diện Saigon Co.op và Công ty BD HAPIMEX.

Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp, ngành tập trung phát triển các cây trồng chủ lực của tỉnh. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân 2017 – 2018 là 97.177 ha, đạt 95,4% kế hoạch vụ, bằng 95% so cùng kỳ (SCK). Cụ thể: cây lúa có diện tích 46.869 ha, tăng 5,8% so kế hoạch vụ, vượt 4,4% SCK; cây mì diện tích 23.355 ha, bằng 75,3% so kế hoạch vụ, đạt 72,3% SCK; cây mía diện tích 12.000 ha, tăng khoảng 8% so với kế hoạch vụ, bằng 80% SCK; rau các loại 9.333 ha, vượt 21,7% so kế hoạch vụ, bằng 97,5% SCK.

Chuyển đổi cây trồng tiếp tục được triển khai có hiệu quả với tổng diện tích chuyển đổi trong 3 tháng đầu năm khoảng 144 ha, từ các diện tích trồng kém hiệu quả (cao su, mì, mía) sang trồng các loại cây ăn trái có giá trị cao như xoài, cây có múi và các loại cây ăn trái có giá trị khác như mít, sầu riêng, mãng cầu xiêm. Luỹ kế diện tích đã chuyển đổi mô hình giá trị cao đến nay trên 920 ha.

Liên kết sản xuất- tiêu thụ đạt được những kết quả tích cực, một số nhà đầu tư sản xuất- tiêu thụ, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quan tâm, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Toàn tỉnh đã thu hút 57 dự án đầu tư vào nông nghiệp trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản với tổng vốn đầu tư trên 2.100 tỷ đồng. Tỉnh đã ban hành 5 chính sách đặc thù để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp.

Báo động tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong hoạt động nông nghiệp và phát triển nông thôn 3 tháng đầu năm vẫn còn có những mặt hạn chế. Chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm qua kiểm tra, giám sát cho thấy mức độ vi phạm chưa có chiều hướng giảm.

Đoàn thanh tra liên ngành VSATTP tỉnh Tây Ninh kiểm tra hàng hoá kinh doanh trên thị trường- Ảnh minh hoạ.

Ngành đã thực hiện 4 cuộc thanh tra tại 843 cơ sở, cá nhân, hộ gia đình; lấy 136 mẫu kiểm tra chất lượng. Kết quả có 32/136 mẫu (tỷ lệ 23,5%) không đạt chất lượng, xử phát vi phạm hành chính 21 trường hợp với tổng số tiền 353 triệu đồng.

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở NN&PTNT, tỷ lệ gần 24% mẫu qua kiểm tra không đạt chất lượng là con số không nhỏ. Căn cứ vào số liệu này, cứ 5 cơ sở thì có 1 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, do đó, đây là vấn đề báo động trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tình trạng khai thác và mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép, cháy rừng vẫn còn xảy ra, chủ yếu trên địa bàn huyện Tân Châu (Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng). Công tác phối hợp thực hiện kế hoạch giải quyết tình trạng trồng cây nông nghiệp trên đất quy hoạch lâm nghiệp triển khai chậm…

Cần sự chung tay của các ngành, địa phương

Ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, để xử lý các vấn đề chất lượng rừng trồng, trồng cây nông nghiệp trong đất lâm nghiệp, phá rừng, đề nghị các đơn vị trong ngành, đặc biệt là huyện Tân Châu hỗ trợ ngành thực hiện tốt việc này và cần phải làm quyết liệt để kịp tiến độ trồng rừng.

Đối với các chính sách, chương trình hỗ trợ phục vụ cho người dân, doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, Giám đốc Sở NN&PTNT Tây Ninh đề nghị Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Chi cục Phát triển nông thôn tập trung tổ chức thực hiện để giúp cho người dân tiếp cận được với các chính sách này.

Nhiệm vụ trọng tâm trong quý II, ngành Nông nghiệp sẽ làm quyết liệt để định hình các vùng quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao và triển khai đầu tư hạ tầng. Các chương trình hỗ trợ sản xuất của Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, khi xây dựng kế hoạch phải tập trung vào các vùng nông nghiệp công nghệ cao, nhất là các mô hình theo định hướng của ngành.

Ngành cũng cần tập trung có trọng tâm, trọng điểm đối với kiểm soát về an toàn thực phẩm và vật tư nông nghiệp.

Giám đốc Sở NN&PTNT Tây Ninh trao cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua” của UBND tỉnh tặng cho đại diện các tập thể.

Giám đốc Sở NN&PTNT Võ Đức Trong nhận định, tái cơ cấu nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ và cũng là thách thức rất lớn, cần có sự chuyển đổi về nhận thức, cách làm. Hiện nay nhiều ngành, nhiều địa phương, đơn vị còn làm theo lối mòn nên không giúp được cho người dân, doanh nghiệp, không nâng cao được vai trò quản lý nhà nước. Chính vì vậy mà tái cơ cấu nông nghiệp có sự chuyển biến rất chậm, hiệu quả cũng còn thấp.

Sắp tới đây, tổ chức của ngành sẽ thay đổi: các trạm sẽ được sáp nhập vào thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp của huyện, giao biên chế này về cho huyện; đồng thời sáp nhập một số chi cục, đơn vị về các phòng của Sở để tập trung nâng cao vai trò quản lý nhà nước, còn vai trò hỗ trợ sản xuất sẽ giao về các Trung tâm dịch vụ nông nghiệp của huyện.

Tại hội nghị, lãnh đạo Sở NN&PTNT đã ký kết thỏa thuận hợp tác với với Liên hiệp các HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Bình Dương (BD HAPIMEX) trong liên kết tiêu thụ nông sản thực phẩm trên địa bàn tỉnh; ký kết hợp đồng nguyên tắc giữa Saigon Co.op, BD HAPIMEX với nông dân, HTX và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Dịp này, Sở NN&PTNT có 3 tập thể được nhận cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua”, 2 tập thể nhận danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” năm 2017, 3 tập thể và 2 cá nhân nhận bằng khen của UBND tỉnh.

Giang Hà

Tin cùng chuyên mục