Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
VỀ Ý KIẾN CỬ TRI HUỲNH THỊ RƠ (GÒ DẦU):
Sở LĐ-TB&XH yêu cầu địa phương xác minh, giải quyết theo quy định
Thứ hai: 11:51 ngày 29/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tại hội nghị tiếp xúc cử tri cụm liên xã Phước Thạnh, Phước Trạch và thị trấn huyện Gò Dầu vừa qua, cử tri Huỳnh Thị Rơ, 67 tuổi, ngụ ấp Phước Hoà, xã Phước Thạnh phản ánh đến các đại biểu Quốc hội về trường hợp của mình là vợ liệt sĩ, nhưng chưa được hưởng chế độ chính sách.

Ðại tá Hoàng Ðình Chung- Cục phó Cục Chính trị Quân khu 7, ÐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh hướng dẫn bà Rơ làm thủ tục. Sau đó, Văn phòng Ðoàn ÐBQH chuyển hồ sơ đến Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh yêu cầu xác minh, trả lời cử tri.

Bà Rơ cho phóng viên xem hồ sơ và tỏ ra rất buồn vì đến nay chưa được hưởng chế độ chính sách.

Ðám cưới được tổ chức trong rừng

Bà Huỳnh Thị Rơ cho biết, trong kháng chiến, bà được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen “Vì đã góp công sức vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”. Trước đây, bà với liệt sĩ Ðỗ Văn Thạch là vợ chồng. Khi ông hy sinh, Nhà nước cấp bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ đúng theo quy định. Bà Rơ còn cung cấp các loại giấy tờ chứng nhận Huân chương Kháng chiến hạng Nhì của Chủ tịch nước tặng cho ông Nguyễn Văn Luyến- chồng sau của bà Rơ, Huy hiệu 40 năm tuổi Ðảng của ông Huỳnh Văn Rốt- cha ruột bà Rơ, đơn xin xác nhận vợ liệt sĩ, giấy xác nhận của đơn vị C33- đơn vị bà Rơ và ông Thạch công tác thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước...

Bà Rơ kể, lúc mới 15 tuổi, bà theo cha tham gia cách mạng. Do còn nhỏ nên bà được giao nhiệm vụ hằng ngày đạp xe đạp ra ngoài vùng địch tạm chiếm mua gạo, đèn pin mang vô vùng giải phóng, đồng thời quan sát tình hình quân địch báo cáo lại. “Có lần, chở gạo ngang đường, bị địch nghi ngờ, chặn xe lại, đánh tôi té nhào xuống đất”- bà Rơ nhớ lại.

Một năm sau, bà quen biết ông Ðỗ Văn Thạch- đồng đội cùng đơn vị. Sau một thời gian tìm hiểu, hai người quyết định đi đến hôn nhân. Tháng 7.1974, bà Rơ 17 tuổi, cha mẹ của bà Rơ và ông Thạch vào rừng Phước Bình- nơi đơn vị đóng quân, làm lễ cưới cho vợ chồng bà. “Lúc đó, cha mẹ hai bên đứng ra tuyên bố cho tôi và ông Thạch chính thức trở thành chồng vợ.

Lễ tuyên bố có bốn, năm người đến dự tiệc. Cha mẹ cho tôi chiếc khâu vàng, bên trên đính hột màu tím”- bà Rơ xoay xoay ngón tay đeo nhẫn, rơm rớm nước mắt kể câu chuyện đời mình: “Sau khi vợ chồng tôi cưới nhau được một tháng, Sư đoàn 25 của địch bố ráp vào rừng Phước Bình. Trong trận đánh đó, chồng tôi trúng đạn, hy sinh”.

Chưa có con với nhau, chồng hy sinh sớm, bà Rơ goá bụa khi đang thời xuân sắc. Sau ngày hoà bình, thống nhất đất nước, bà Rơ đi bước nữa với ông Nguyễn Văn Luyến- một chiến sĩ cách mạng. Bà Rơ và ông Luyến có với nhau được 7 người con, hai người con đã mất, 5 người con đã lập gia đình, sống riêng. Hiện tại, hai vợ chồng bà Rơ nương tựa vào nhau lúc tuổi già. Ông Luyến bị thương trong chiến tranh, chỉ còn một mắt. Bà Rơ cũng thường xuyên bị cơn đau tim và bệnh đau khớp gối hoành hành. 

Hồ sơ lưu trữ không có tên bà Rơ

Hai năm sau ngày miền Nam giải phóng, ông Ðỗ Văn Thạch được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1098-TTg ngày 3.10.1977 công nhận liệt sĩ với bằng Tổ quốc ghi công. Từ đó, cha mẹ ruột ông Thạch thờ cúng và hưởng chế độ liệt sĩ. Khi cha mẹ ruột ông Thạch qua đời, đến lượt em ruột ông Thạch hưởng chế độ thờ cúng.

Ðến năm 2013, khi biết tin Chính phủ mới có quy định “Vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc lấy vợ khác thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng nếu đủ điều kiện”. Xét thấy mình đủ điều kiện được hưởng chế độ chính sách, bà Rơ làm đơn xin xác nhận mình là vợ liệt sĩ và yêu cầu chính quyền địa phương cho bà được hưởng chế độ chính sách theo quy định.

Năm 2015, bà Rơ làm đơn gửi UBND xã Phước Thạnh, Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Gò Dầu xin xác nhận là vợ liệt sĩ. Ðồng thời, bà Rơ nhờ những người cùng tham gia kháng chiến xác nhận bà với ông Thạch là vợ chồng. Ông Ðỗ Văn Bựng (sinh năm 1937, ngụ ấp Phước Ðức, xã Phước Ðông, huyện Gò Dầu), nguyên C33 Huyện đội Gò Dầu xác nhận: “Do thời gian chiến tranh, anh Ðỗ Văn Thạch và bà Huỳnh Thị Rơ không có kết hôn, chỉ công bố cha mẹ hai bên và báo cáo lại đơn vị C33 Huyện đội Gò Dầu... Ðến ngày 23.8.1974, ông Ðỗ Văn Thạch hy sinh. Nay tôi xác nhận cho bà Huỳnh Thị Rơ và đồng chí Ðỗ Văn Thạch đúng sự thật”.

Một đồng đội khác của bà Rơ là ông Võ Văn Ðông (Ðức), là cán bộ hưu trí, hiện ngụ ấp Phước Bình B, xã Phước Thạnh cũng xác nhận cho bà Rơ nội dung tương tự như ông Bựng. Lãnh đạo UBND hai xã Phước Ðông và Phước Thạnh cũng ký tên đóng dấu, xác định chữ ký của hai nhân chứng Ðỗ Văn Bựng và Võ Văn Ðông trong giấy xác nhận vợ liệt sĩ của bà Rơ là đúng.

Sau khi có những giấy xác nhận, bà Rơ photocopy bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Ðỗ Văn Thạch nộp UBND xã Phước Thạnh, Ban Tiếp công dân huyện Gò Dầu xin được hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng của chồng. Ðến nay đã 4 năm trôi qua, bà Rơ nhiều lần đến UBND xã hỏi nhưng nguyện vọng của bà vẫn chưa được giải quyết. Bà Rơ nói: “Hiện nay, tôi già yếu, bệnh tật, không sống được bao lâu, chỉ mong giải quyết chế độ vợ liệt sĩ, được cấp thẻ bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh”.

Ông Võ Tòng Bá- cán bộ phụ trách LÐ-TB&XH xã Phước Thạnh cung cấp cho chúng tôi một số văn bản trả lời của lãnh đạo huyện và Phòng LÐ-TB&XH huyện Gò Dầu. Văn bản số 1195, do bà Trương Thị Phú- Phó Chủ tịch UBND huyện ký ngày 9.11.2017 cho biết: “Qua kiểm tra hồ sơ của liệt sĩ Ðỗ Văn Thạch lưu trữ tại Sở LÐ-TB&XH tỉnh Tây Ninh, thân nhân liệt sĩ Ðỗ Văn Thạch chỉ có cha và mẹ liệt sĩ, không có tên bà Huỳnh Thị Rơ là vợ liệt sĩ.

Căn cứ Nghị định số 31/2013/NÐ-CP ngày 9.4.2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, bà Huỳnh Thị Rơ không có tên trong bản khai thân nhân liệt sĩ Ðỗ Văn Thạch nên không có cơ sở giải quyết cho bà Huỳnh Thị Rơ hưởng chế độ tuất liệt sĩ của liệt sĩ Ðỗ Văn Thạch và chế độ bảo hiểm y tế theo quy định”.

Phòng LÐ-TB&XH cũng có văn bản trả lời bà Rơ với nội dung tương tự.

Về trường hợp của bà Rơ, Sở LÐ-TB&XH cho biết, Sở vừa chuyển hồ sơ của bà Rơ về Phòng LÐ-TB&XH huyện Gò Dầu, yêu cầu kết hợp UBND xã Phước Ðông, Phước Thạnh xác minh trường hợp của bà Rơ, sau đó báo cáo kết quả để cơ quan này xem xét.

Ông Nguyễn Thiện Thanh- Chủ tịch UBND xã Phước Thạnh rất quan tâm đến trường hợp của bà Rơ. Sau khi có ý kiến của Sở LÐ-TB&XH, Chủ tịch UBND xã đã chỉ đạo cán bộ LÐ-TB&XH xác minh phía gia đình ông Thạch, đồng thời xác minh từ ông Út Phuông- Ðại đội trưởng C33 thời bấy giờ. “Nếu đúng là hai người đã từng làm đám cưới trong rừng và bà Rơ làm tròn bổn phận người vợ, xã sẽ làm thủ tục chuyển các chế độ chính sách liệt sĩ từ em ruột của ông Thạch sang cho bà Rơ”.

Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9.4.2013 của Chính phủ quy định vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc lấy vợ khác thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng nếu đủ điều kiện.
Theo quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình, tại điểm a Mục 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10 của Quốc hội về thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình, trường hợp hai bên nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng trước ngày 3.1.1987 (không đăng ký kết hôn) nhưng bảo đảm tuân thủ đầy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1960 được coi là hôn nhân thực tế (vẫn được pháp luật công nhận là có quan hệ hôn nhân).

ÐẠI DƯƠNG

 

Tin cùng chuyên mục