Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 5.4, ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chủ trì Hội nghị triển khai thông tin phát triển sản xuất và thị trường xuất khẩu nông sản.
Ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở NN&PTNT phát biểu tại hội nghị.
Tham dự hội nghị có đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Liên minh HTX, Sở Công thương, Sở Kế hoạch và đầu tư, Hội Nông dân cùng lãnh đạo Ban Tuyên giáo các huyện, thành phố, Hội doanh nghiệp trẻ, Hội doanh nghiệp tỉnh, Phòng NN&PTNT các huyện, các doanh nghiệp chế biến khoai mì, nông dân sản xuất cây ăn trái, khoai mì với quy mô trang trại.
Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hội nghị có mục tiêu định hướng cho các doanh nghiệp, nông dân sản xuất chế biến khoai mì và sản xuất lớn cây ăn quả nắm được những thông tin cần thiết để phát triển sản xuất, cũng như những thông tin thị trường trong nước về nông sản, xuất khẩu nông sản, tinh bột khoai mì của Việt Nam và của Tây Ninh trong thời gian tới.
Ông Trong đề nghị các doanh nghiệp chế biến tinh bột khoai mì cần quan tâm đến những quy định về hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm tinh bột mì xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới, cũng như việc xuất khẩu những mặt hàng trái cây sang thị trường này vốn ngày càng đòi hỏi nhiều quy định khắt khe về chất lượng như: đạt tiêu chuẩn VietGap, có mã số vùng, kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, kho chứa...
Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp chế biến khoai mì cần phải chủ động để đáp ứng các tiêu chuẩn mà thị trường Trung Quốc yêu cầu để có thể xuất khẩu. Từ ngày 1.10.2019, Trung Quốc sẽ chính thức áp dụng quy định này.
Ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở NN&PTNT trao đổi bên lề với các doanh nghiệp chế biến khoai mì.
Tây Ninh hiện có gần 60 ngàn ha khoai mì với 62 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Hằng năm, ngoài việc chế biến khoai mì được trồng trong tỉnh, các doanh nghiệp khoai mì nhập khẩu thêm khoảng 3 triệu tấn củ mì tưoi của Campuchia để chế biến.
Sản lượng tinh bột khoai mì của tỉnh chiếm 50% so với cả nước; khoảng 90% sản lượng tinh bột khoai mì hiện nay chủ yếu được xuất sang thị trường Trung Quốc. Do đó ông Trong đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khoai mì trong tỉnh phải gắn kết lại để cùng nhau ứng phó với những quy định mới từ thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, ông Trong cũng đề nghị các nông dân sản xuất cây ăn trái cần liên kết thành lập HTX để cùng sản xuất, đáp ứng các quy định của các đối tác xuất khẩu, cũng như đưa hàng hóa vào siêu thị. Bởi chỉ riêng lẻ từng nông dân thì khó mà đáp ứng được các quy định của thị trường xuất khẩu nông sản ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm.
Tại hội nghị, ông Trong cũng thông tin về 3 chính sách của tỉnh hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ liên kết sản xuất, chính sách hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp và nông dân làm nông nghiệp công nghệ, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường…
Các doanh nghiệp và nông dân tham dự hội nghị cũng nêu những ý kiến thắc mắc về việc chuyển đổi cây trồng từ cây mì sang loại cây khác, hay hỗ trợ cho doanh nghiệp và người nông dân đăng ký mã vùng cho sản phẩm nông sản…và đã được Sở NN&PTNT giải thích đầy đủ.
Thế Nhân