Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Sở Tư pháp: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của ngành Tư pháp
Thứ bảy: 18:08 ngày 11/01/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 10.1, Sở Tư pháp tổ chức hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2024 và triển khai công tác năm 2025. Ông Nguyễn Hồng Thanh- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; ông Phạm Văn Đặng- Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2024 và triển khai công tác năm 2025.

Năm 2024, công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được thực hiện đúng quy trình, bảo đảm về thời gian, tiến độ theo quy định. Công tác kiểm tra VBQPPL được chỉ đạo kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm; kết luận kiểm tra bảo đảm khách quan, chính xác.

Trong năm, UBND tỉnh đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 105 VBQPPL; cấp huyện ban hành 45 VBQPPL; cấp xã ban hành 55 VBQPPL; chỉ đạo Sở Tư pháp thẩm định 105 văn bản, góp ý 423 văn bản; tự kiểm tra 46 quyết định, kiểm tra theo thẩm quyền 30 VBQPPL do HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố ban hành; rà soát thường xuyên 62 VBQPPL, rà soát chuyên đề 397 văn bản.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) thực hiện đúng theo kế hoạch, chương trình cụ thể với nhiều hình thức, biện pháp thực hiện phù hợp với từng nhóm đối tượng. Trong năm, đã tuyên truyền 284 nội dung trên Trang thông tin điện tử PBGDPL tỉnh Tây Ninh, mạng xã hội (zalo, facebook) hơn 480 nội dung; tổ chức 12 hội nghị PBGDPL, thi tìm hiểu pháp luật; biên soạn, in ấn, phát hành 40.000 tờ gấp Hỏi - đáp pháp luật; treo 20 băng rôn tuyên truyền về ý nghĩa của Ngày Pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo hiểm y tế...

Ông Nguyễn Hồng Thanh- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Địa phương tiếp tục hướng dẫn áp dụng các sáng kiến, mô hình hay trong công tác hoà giải ở cơ sở đã được Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh nhân rộng, như mô hình “Tổ hoà giải cơ sở điểm”; mô hình “Hoà giải gắn với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”; mô hình “Hoà giải lồng ghép tuyên truyền pháp luật”; mô hình “Hoà giải cơ sở kết hợp tư vấn pháp luật”; mô hình “Phối hợp Hội Luật gia huyện nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác hoà giải ở cơ sở”…

Để bảo đảm cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ công tác đăng ký hộ tịch, UBND tỉnh ban hành công văn chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát trang bị máy tính, trang thiết bị phục vụ công tác đăng ký, quản lý hộ tịch.

Bên cạnh đó, chỉ đạo Sở Tư pháp tiếp tục triển khai cho các Phòng Tư pháp, UBND cấp xã rà soát, đối chiếu dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; tổ chức tập huấn giải quyết 2 nhóm thủ tục hành chính (TTHC) liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất cho công chứng thực hiện công tác hộ tịch cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Hồng Thanh- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp” năm 2024 của Bộ Tư pháp cho các cá nhân.

Năm 2024, đã thực hiện đăng ký khai sinh trong nước cho 22.346 trường hợp, đăng ký khai tử 9.726 trường hợp; đăng ký kết hôn 8.862 cặp; đăng ký cho 194 trường hợp khai sinh có yếu tố nước ngoài; đăng ký cho 16 trường hợp khai tử có yếu tố nước ngoài; 750 trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài.

Đến nay, tỉnh đã thực hiện xong việc kết nối, kiểm nghiệm đối với các phần mềm và dự kiến bắt đầu chính thức áp dụng thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) qua VNeID từ ngày 1.12.2024. Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện lập thông tin LLTP ngoài giờ hành chính nhằm bảo đảm kịp thời xây dựng cơ sở thông tin LLTP; tăng cường phối hợp với Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp thông tin để hoàn thiện cơ sở dữ liệu LLTP. Trong năm, Sở Tư pháp tiếp nhận 11.346 hồ sơ, đã cấp 10.852 phiếu.

Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý được UBND tỉnh chú trọng thực hiện. Việc củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động các tổ chức bổ trợ tư pháp được quan tâm thực hiện, chất lượng đội ngũ luật sư, công chứng viên, đấu giá viên, giám định viên… không ngừng được nâng cao.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 24 tổ chức hành nghề công chứng, với 54 công chứng viên; 25 văn phòng luật sư, 13 công ty luật, 18 chi nhánh tổ chức hành nghề ngoài tỉnh, 8 chi nhánh tổ chức hành nghề trong tỉnh, 7 văn phòng giao dịch và 134 luật sư là thành viên Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh; 1 trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản, 4 doanh nghiệp đấu giá, 6 chi nhánh do doanh nghiệp đấu giá tài sản ngoài tỉnh thành lập, 1 chi nhánh do doanh nghiệp đấu giá tài sản trong tỉnh thành lập với số lượng đấu giá viên là 10 đấu giá viên…

Trong năm, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tiếp nhận thụ lý 460 vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng, số vụ việc tham gia tố tụng kết thúc là 381 vụ (trong đó, số vụ việc thành công hiệu quả là 143 vụ). Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp tổ chức đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý (có 114/114 vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng hoàn thành được đánh giá đạt chất lượng tốt).

Trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp” năm 2024 của Bộ Tư pháp cho các cá nhân.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành Tư pháp, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Tư pháp tỉnh triển khai đầy đủ các ứng dụng, phần mềm do Bộ Tư pháp và tỉnh triển khai, như phần mềm lý LLTP, phần mềm thống kê ngành Tư pháp, hệ thống văn phòng điện tử (eGov), phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực.... Hiện các ứng dụng, phần mềm đang được sử dụng, khai thác ổn định, hiệu quả, phục vụ tốt cho công tác tư pháp tại địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Thanh đề nghị, thời gian tới, Sở Tư pháp tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai đầy đủ các nội dung theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Tư pháp; rà soát cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tổ chức bộ máy của Sở Tư pháp gắn với rà soát vị trí, chức danh việc làm theo hướng tinh gọn, hiệu năng, hiệu quả. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của ngành Tư pháp, trước hết là đối với công tác quản lý, điều hành, thực hiện nhiệm vụ của Sở Tư pháp; ưu tiên nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng của ngành Tư pháp.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu ngành Tư pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và chất lượng dịch vụ công trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; bổ trợ tư pháp; nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp; đăng ký biện pháp bảo đảm; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp… Sở Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh trong nâng cao công tác PBGDPL; đổi mới công tác tuyên truyền, PBGDPL theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực và hiệu quả; xây dựng tốt đội ngũ làm công tác pháp chế…

Dịp này, 13 cá nhân được Bộ Tư pháp tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp” năm 2024.

Thiên Di

Tin cùng chuyên mục