Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Những ngày này, không khí ở thủ đô Tashkent, Uzbekistan trở nên nhộn nhịp, sôi động hơn bởi sự kiện quốc tế quan trọng Đại hội đồng lần thứ 150 của Liên minh nghị viện thế giới (IPU).

Chủ đề “Hành động nghị viện vì phát triển và công bằng xã hội” đã trở thành trọng tâm của các cuộc trao đổi, với mục tiêu xây dựng một thế giới công bằng hơn, nơi mọi người đều có cơ hội phát triển. Dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và sự tích cực của đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta, hình ảnh về đất nước Việt Nam chủ động, trách nhiệm thúc đẩy các quan hệ hợp tác nghị viện đa phương vì các mục tiêu toàn cầu như hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và công bằng xã hội đã định hình rõ trong ấn tượng của bạn bè quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Phiên toàn thể cấp cao của Đại hội đồng lần thứ 150 của Liên minh nghị viện thế giới.
Đặt người dân ở vị trí trung tâm
Với lịch sử 136 năm tồn tại và phát triển, Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) đã tổ chức 150 kỳ Đại hội đồng, nhưng đây là lần đầu tiên sự kiện trọng đại này được tổ chức tại thủ đô Tashkent, Uzbekistan, một quốc gia Trung Á. Chính vì vậy, những ngày này các con phố, khách sạn, trung tâm hội nghị và địa điểm tổ chức sự kiện đều trở nên sôi động, nhộn nhịp bởi sự hiện diện của các đoàn đại biểu đến từ gần 130 nghị viện thành viên. Những nhân vật quan trọng như chủ tịch quốc hội, các nghị sĩ, các lãnh đạo quốc tế đã quy tụ tại các hội trường, diễn đàn với những thảo luận và trao đổi quan trọng về chủ đề “Hành động của nghị viện vì phát triển và công bằng xã hội”.
Chủ đề này được Đại hội đồng IPU lựa chọn phản ánh những ưu tiên lớn của nghị viện các quốc gia trong việc xây dựng một xã hội công bằng, thúc đẩy sự phát triển bền vững, giảm nghèo và bảo vệ quyền lợi của các nhóm yếu thế trong xã hội. Đúng như Chủ tịch Thượng viện Uzbekistan Tanzila Norbaeva và Chủ tịch Hạ viện Uzbekistan Nuriddinjon Ismailov đánh giá, chủ đề của khóa họp có tính thời sự cao, trong bối cảnh thế giới đang gặp phải nhiều thách thức về bảo đảm phát triển xã hội, nhất là do xung đột vũ trang, cạnh tranh nước lớn, bất ổn chính trị, suy giảm cam kết, nguồn lực trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm công bằng xã hội, trợ giúp các nhóm dễ bị tổn thương.
Với tư cách là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực và đạt được nhiều tiến bộ trong phát triển kinh tế cũng như trong công tác xóa đói giảm nghèo và bảo vệ quyền lợi của người dân. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vinh dự là lãnh đạo Quốc hội đầu tiên phát biểu tại Phiên toàn thể cấp cao Đại hội đồng IPU-150. Bài phát biểu quan trọng của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã gây ấn tượng mạnh mẽ, nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ các đại biểu quốc tế qua những tràng pháo tay liên tục. Quan điểm về phát triển bền vững và công bằng xã hội của Việt Nam được Chủ tịch Quốc hội bày tỏ một cách thẳng thắn và trách nhiệm, đó là cần “đặt người dân ở vị trí trung tâm”, “phát triển bền vững cần đi đôi với tiến bộ công bằng xã hội”, “lấy công bằng và tiến bộ xã hội làm thước đo cao nhất của sự phát triển”.
Tạo ra một nền tảng hợp tác bền vững cho sự phát triển toàn cầu
Với một số đại biểu tham dự hội nghị, sự hưởng ứng nhiệt liệt mà họ dành cho bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn xuất phát từ thực tế tại Việt Nam. Việt Nam đã trải qua một quá trình lịch sử đầy gian nan, đau thương nhưng cũng rất kiên cường và kiên trì trên con đường phát triển. Từ những thập kỷ chiến tranh ác liệt đến những nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế sau đó, Việt Nam luôn nỗ lực không ngừng để tạo dựng một nền tảng vững chắc cho tương lai. Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam không chỉ tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn đặc biệt chú trọng đến công bằng xã hội, bảo đảm mọi người dân, dù là thành thị hay nông thôn, đều có cơ hội thụ hưởng những thành quả của đất nước, đây chính là một phần quan trọng trong tầm nhìn của Việt Nam.
Tại sự kiện này, Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong việc cải thiện đời sống người dân, bảo vệ quyền lợi của các nhóm yếu thế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đó là lấy tinh thần kiến tạo phát triển làm nòng cốt trong việc thực hiện sứ mệnh của quốc hội và các nghị viện. Điều này bao gồm việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, giám sát việc thực thi các chính sách phát triển và tạo điều kiện để các chính sách này có hiệu quả, bao trùm và đột phá...
Đại hội đồng IPU 150 là một cơ hội quan trọng để Quốc hội Việt Nam thể hiện vai trò và đóng góp đối với các vấn đề toàn cầu. Những đóng góp của Việt Nam tại Đại hội đồng IPU 150 không chỉ nâng cao uy tín của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế mà còn khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy hòa bình, phát triển bền vững và bảo vệ quyền con người. Các sáng kiến và quan điểm của Việt Nam tại IPU 150 đã góp phần vào việc xây dựng một cộng đồng nghị viện toàn cầu mạnh mẽ hơn, cùng chung tay giải quyết những thách thức mà thế giới đang đối mặt.
Nguồn QĐND (từ Tashkent, Uzbekistan)