Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Sợi lông đuôi voi bạch
Thứ bảy: 16:12 ngày 19/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Voi bạch là vua của loài voi. Lông đuôi nó được liệt vào hàng đại quý hiếm. Lại là đồ nhật dụng của các vị đại quan nên dân gian đã dựng lên đủ chuyện hoang đường. Nào là giữ nó trong người thì rắn độc cắn không chết. Nào là chữa được bách bệnh nan y.

Trước ngày nhận sổ hưu vài tháng, tôi được cơ quan cho đi Đà Lạt an dưỡng mươi ngày. Ăn chơi, bù khú bạn bè tôi chẳng mấy quan tâm, nhưng bụng vẫn háo hức vì một chuyện bấy lâu canh cánh bên lòng. Ấy là bởi mấy tháng nay, trên báo chí cũng như dư luận đang âm ỉ đồn thổi về chuyện lông đuôi voi và công dụng thần kỳ của nó.

Tháng trước, một anh bạn làm chung với tôi vốn nổi tiếng chi li từng cắc, vậy mà nhân chuyến công tác Tây Nguyên đã dám bỏ ra cả triệu bạc mua một sợi lông đuôi voi làm thuốc phòng thân. Anh ta khoe vậy, tôi biết vậy, lại còn thì thầm: “Một đoạn ngắn bằng que tăm cũng quý hơn vàng đấy, khó kiếm lắm bố già ạ!”.

Tôi biết giống voi rừng ở xứ ta hiện còn chừng vài ba chục con. Còn trên một số tờ báo in tới báo mạng thì đăng đầy những thông tin, mấy chục chú voi nhà bản Lắc hiện lông đuôi đã trụi thui lủi vì bọn bất lương nhổ trộm. Có đứa dã man định chặt một khúc đuôi, bị voi quật chết thê thảm.

Vốn là người cả đời làm công việc nghiên cứu khoa học, tôi chả dễ dàng tin mấy sợi lông đuôi voi ấy lại có thể là thần dược. Nhưng mấy đời nay nhà tôi đã phải chịu nhiều tai vạ, chỉ vì cái sợi lông đuôi voi bạch gia bảo của cụ cố năm đời để lại thì là chuyện có thật trăm phần trăm.

Cả làng tôi, cả tổng tôi ngày xưa ai cũng biết, suốt gần hai trăm năm nay nhà tôi đang cất giữ một đoạn lông voi bạch, di vật của cụ cố tổ từng làm quan lớn trong triều. Lúc còn niên thiếu, quả thật tôi đã vài ba lần được tận mắt nhìn thấy nó. Chỉ nhìn thôi chứ tuyệt nhiên không được đụng tay vào.

Đó là vào những dịp giỗ lớn trong năm. Trước khi mở cửa từ đường để con cháu dâng mâm cơm cúng, ông nội tôi một mình lấy cái ống ngà voi nhỉnh hơn chiếc đũa vẫn cất bí mật sau ngai thờ cố Ngự. Rồi ông tự tay mở nút và khẽ lôi ra một đoạn lông đuôi voi bạch cứng hơn sợi cước màu trắng ngà nằm trong ruột nó.

Đoạn, ông kính cẩn đặt trước tấm giá gương vẽ hình cố Ngự ngồi cứng đơ như khúc gỗ, trong bộ triều phục đại thần. Nhìn những sợi râu bạc lưa thưa được vẽ rất công phu dưới chiếc cằm nhọn, chả hiểu sao tôi hay chú mục đến cái miệng cụ cố với đôi môi mỏng dính mím chặt.

Và luôn tự hỏi: Phía trong cái miệng nghiêm trang kia có còn chiếc răng nào không nhỉ? Đó là điều nếu biết rõ thì tôi đã có thể kết luận được thực hư, mọi lời dai dẳng lan truyền về công dụng thần kỳ của sợi lông đuôi voi bạch ấy rồi.

Tôi chưa có dịp hỏi người lớn trong nhà thì đã phải ra đi biền biệt nhiều năm ròng. Đến bây giờ tôi cũng chỉ biết tiểu sử cố Ngự, qua ít dòng ghi chép sơ sài trong vài trang gia phả cũ nát may mắn còn sót lại. Đại thể trước khi được cất lên chức Ngự sử, cụ đã có mấy năm dạy học tại Quốc Tử Giám.

Trong đám học trò của cụ, có người được cử về trị nhậm vùng Tây Nguyên. Vùng đất này thuở ấy rừng núi vẫn còn hoang dã đầy huyền bí như thời nguyên thuỷ. Nhớ ơn thầy, ông quan ấy đã biếu một đoạn lông đuôi voi bạch, để thầy dùng làm tăm xỉa răng hằng ngày.

Cái cây tăm quý giá ấy cụ đã dùng cho tới khi chết. Có lẽ công dụng của nó chỉ giản đơn như vậy. Voi bạch là vua của loài voi. Lông đuôi nó được liệt vào hàng đại quý hiếm. Lại là đồ nhật dụng của các vị đại quan nên dân gian đã dựng lên đủ chuyện hoang đường. Nào là giữ nó trong người thì rắn độc cắn không chết. Nào là chữa được bách bệnh nan y. Nào là dùng nó xỉa răng thì mồm miệng thơm tho, răng lợi chả bị sâu sia đục khoét, thọ trăm tuổi hai hàm vẫn còn nguyên vẹn và cứng cáp như răng trai tráng, khô khốc như chân gà vẫn nhai rau ráu…

Cũng bởi sẵn tin như vậy, nên cụ Ngự mất chưa bao lâu, có nhà phú hộ đã nài nỉ xin đổi mẫu ruộng nhất đẳng điền mà cụ nội tôi vẫn không chịu. Đến đời ông nội tôi, dù gia cảnh bần hàn, gặp hai ba đám phú hào gạ mua giá còn cao hơn, ông vẫn chẳng chuyển lòng.

Vậy mà nó vẫn bị mất bởi tay người em ông tôi. Ông này làm thừa phái trên huyện đường. Tính ham chơi cờ bạc. Một tay đồng liêu với ông muốn có chiếc tăm lông đuôi voi để trị bệnh sâu răng kinh niên cho ông bố. Hắn đã dụ ông Thừa vào một canh bạc bịp.

Kết cục ông Thừa bị thua năm trăm đồng Đông Dương. Một món tiền quá lớn, quá khả năng trả nợ của ông Thừa. Ông đành liều giấu ông tôi đem ống lông voi gia bảo trao cho hắn. Sự việc bị phát giác, ông nội tôi giận lắm, chỉ mặt ông Thừa chửi: “Chú làm bại hoại gia phong rồi”.

Ông Thừa cãi: “Chỉ là cái lông đuôi voi bình thường, chả lẽ nếp nhà hưng suy đều do nó”. Từ đấy đến cuối đời, anh em từ mặt nhau chưa một ngày hoà thuận. Đến nỗi ngày ông tôi mất, nghe tiếng trống phát tang vang lên trong đêm, ông Thừa hối hận ngồi ôm cột nhà mình khóc suốt. Nhưng muộn mất rồi.

Chả biết bệnh đau răng của người bố ông cờ bạc bịp kia có nhờ cái lông đuôi voi mà khỏi không. Cũng chả thấy thông tin gì. Thực tình từ xưa, nhà tôi chưa bao giờ đem nó ra thử nghiệm xem công dụng thế nào. Tôi nghĩ các cụ khư khư quyết gìn giữ, coi nó như một bảo vật, chẳng qua là giữ cái danh tiếng cao quý mà thôi.

Mà thời nào danh tiếng không quan trọng nhỉ. Chả thế mà khi ông Thừa làm ra sự ấy, cả nhà cứ phải giữ kín như bưng không ai hé một lời. Hàng xóm vẫn đinh ninh cái lông voi vô giá ấy, nhà tôi vẫn còn cất giữ. Mới di hại dài dài đến đời chúng tôi.

Chuyện xảy ra vào thời làng tôi không may bị địch lập tề vài năm. Năm ấy mẹ tôi đã mất vì bệnh thương hàn, cha tôi thoát ly biền biệt. Tôi được tổ chức gửi đi học trường thiếu sinh quân bên khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc. Ở nhà chỉ còn bà nội với thằng Hậu em trai tôi mới lên bảy tuổi. Ngôi đình đầu làng biến thành cái đồn Tây.

Thằng quan một đồn phó là người làng. Năm ấy ông nội nó sâu răng sưng tấy hai hàm. Ông ta nghĩ ngay đến sợi lông đuôi voi gia bảo nhà tôi, liền bảo thằng cháu bắt bà tôi lên đồn tra khảo. Đến nước ấy mà bà tôi vẫn không khai thật nó đã bị ông Thừa đem chuộc món nợ cờ bạc rồi.

Hết thằng đồn phó doạ đem bắn cho hết nòi giống Việt Minh. Đến ông nó tay chìa cả nắm tiền Đông Dương, tay ôm một bên bên má sưng vều, kẽ răng ri rỉ mủ vàng chảy cả ra hai bên mép, đau đớn vậy vẫn lặp năm lặp bẩy:

- Thì nà… thì nà… bà làm phúc cho tôi thuê cái tăm xỉa răng của cụ Ngự để chọc vào kẽ răng chữa bệnh, qua khỏi rồi, xin hậu tạ nữa.

Bà tôi vẫn một mực không là không. Những chuyện này là tôi nghe bà tôi kể lại sau này. Chứ thực tế từ năm tôi lên mười tuổi, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra ác liệt, tôi đã được cha tôi cử người về dẫn lên Việt Bắc, rồi đi học ở khu học xá Nam Ninh.

Tới ngày nửa nước hoà bình rồi, tôi vẫn phải ở lại nước ngoài học xong chương trình mới được về nước. Rồi lại đi đào tạo dài ngày bên Liên Xô, bà nội mất tôi cũng không có mặt ở nhà. Từ đấy đến nay đã mấy chục năm rồi, tôi đã chẳng khi nào nhớ tới cái sợi lông đuôi voi gia bảo oan khiên ấy nữa, nếu vài năm nay chẳng rộ lên rộng rãi nhiều tin đồn hoang tưởng về nó.

Đi an dưỡng chuyến này, tôi rất muốn tìm về xứ voi xưa, mong tìm hiểu thực hư câu chuyện, nhưng cũng chỉ thu lượm được những thông tin lờ mờ hư hư thực thực. Mấy ngày la cà khắp Đà Lạt tôi không thấy bóng chú voi nào.

Nhưng lảng vảng quanh khách sạn chúng tôi nghỉ dưỡng, thường có mấy người lượn lờ úp úp mở mở thò ra dăm chiếc lông cụt lủn đen nhánh, bảo rằng đích thị lông đuôi voi. Hỏi, họ cam đoan thực không phải giả. Hỏi thêm về công dụng, họ cũng chỉ liến thoắng những điều tôi đã biết. Hỏi giá bán, người bảo năm trăm ngàn, kẻ phán một triệu.

Nhưng tôi ngờ đó chỉ là những sợi lông đuôi bò, đuôi ngựa mà thôi. Bởi vì cách ăn mặc của họ thì cũng giống trang phục dân tộc đấy, giọng lưỡi cũng ra vẻ lơ lớ đấy, nhưng bàn tay họ không một vết chai sần và hàm răng thì trắng bóng có thể soi gương được.

Răng người dân tộc hút thuốc từ bé ai cũng đều bị ám khói đen sì. Tin họ sao được. Đi chơi vài chuyến xe ngựa lóc cóc chạy ven chân đồi, đem chuyện lông đuôi voi hỏi mấy người dân tộc thứ thiệt, người thật thà: Không biết đâu.

Người khẽ cười bí hiểm: Có đấy, mà lâu lắm rồi, thất truyền rồi. Bán tín bán nghi, đang định xin phép trưởng đoàn làm vài ngày, lên xứ voi Đăk Lăk tìm hiểu tường tận, thì tôi nhận được điện thằng Hậu khẩn thiết gọi về có chuyện.

Về quê, ngay đầu ngõ tôi đã gặp thằng em trai râu ria tua tủa, một chân giả tới háng tập tễnh đi ra đường cái. Ngoài đó nó có gian nhà nhỏ đặt chiếc máy xay xát gạo. Nó phẩy tay bảo tôi vào nhà, rồi chui vào cái chỗ kiếm cơm hằng ngày của nó. Sau mấy phút máy nổ xé màng tai, xong việc, nó tập tễnh bước lên hè, thản nhiên như chẳng có sự gì hệ trọng, làm tôi muốn nổi điên trách nó sao bảo anh về gấp. Nhưng nó nhập đề ngay:

- Anh nhớ ông Hách chứ. Ông ấy sắp mất rồi. Chẳng biết ẩn ức gì, mấy lần cho người gọi em sang khóc mếu, bảo em gọi anh về cho ông ấy thưa một chuyện, không thì chết không nhắm mắt.

Ông Hách với cha chúng tôi là bạn học. Trước năm 1945, cả hai đều được thầy giáo làng giác ngộ rồi đưa đi hoạt động bí mật. Cha tôi đi biệt từ ngày ấy. Sau 1954, chỉ nhắn lại phải biệt phái xa, cả nhà yên tâm đừng lo lắng.

Còn ông Hách sau này công tác trên tỉnh, chả biết khuyết điểm gì đó bị điều về địa phương làm nhân viên văn phòng Uỷ ban xã cho tới khi nghỉ hưu. Bà vợ ông mất lâu rồi. Thằng con duy nhất của ông kém tôi mấy tuổi thì ở Hà Nội với vợ con nó.

Bây giờ ông ở một mình. Hiện chỉ có cô cháu gái tuổi trên dưới sáu chục gọi ông bằng cậu, nhà gần đấy, hằng ngày tới cơm nước trông nom ông. Sau 1975, cô ấy từ chiến trường về cùng đợt với thằng em trai tôi. Mỗi người có vài tấm huân chương chống Mỹ. Thằng em tôi mất một chân. Cô thì để cả tuổi xuân ở lại cùng rừng rú, không chồng con tới bây giờ.

Linh cảm có điều gì hệ trọng, chiều hôm ấy tôi qua nhà ông Hách. Ngôi nhà ông từ mái ngói đến tường xây đều cũ kỹ rêu phong như một ngôi từ đường cổ. Lá tre khô rụng đầy khuôn sân loang vạt nắng chiều hiu hắt.

Gió từng cơn thổi dạt đám lá cong queo đầu này sang đầu kia nghe xáo xác buồn. Cô cháu gái ngồi băm băm trước rổ bèo cạnh gốc sung già, đang kỳ rụng lá giơ mấy cành khẳng khiu chĩa lên trời, như cánh tay gầy guộc người già.

Tôi chào, cô nhận ra tôi và gọi với vào trong: “Cậu ơi có khách”. Tôi nghe vọng ra tiếng rát giường kèn kẹt. Cô cháu với tay bật công tắc đèn. Một làn ánh sáng điện vàng vọt, tràn lên một thân hình nằm duỗi dài trong bộ quần áo màu cháo lòng nhàu nhĩ, dán tẹt vào cái bụng nhô cao phập phồng không đều nhịp.

Ông Hách đấy. Tôi nắm nắm bàn tay ông sưng múp màu trắng đục như mấy củ cải non thay lời chào hỏi. Có cảm tưởng cả người ông bị tích một thứ nước gì đùng đục. Nhưng đôi mắt ông chưa có vẻ mắt người sắp chết, cứ nhìn xoáy vào tôi rồi lại lảng ra như muốn nói điều gì khó nói. Phải sau một hồi tin tôi cởi mở chân tình, ông mới thều thào:

- Tôi đã bị kỷ luật về quê làm một anh cán bộ xã mà vẫn chưa tu tỉnh. Năm ấy bố tôi bị bệnh, hai hàm răng cứ nhấc ra từng chiếc, đau đớn vô cùng, chữa tứ phương không khỏi. Chợt nhớ tới cái tăm đuôi voi gia bảo nhà anh, tôi vẫn đinh ninh bà anh còn giữ, mới sang xin cụ cho mượn may ra cứu được bố mình.

Nghe bà anh một mực nói rằng nó không còn, tôi không tin, cho là bà cụ hiểm, không muốn cứu người. Mới để bụng tư thù từ đấy. Khi em anh có giấy báo trúng tuyển đại học, tôi bí mật ém đi, không thông báo cho nó. Sau sợ tính nó nóng như lửa mà biết được thì chuyện chẳng lành, mới lập cách đưa nó vào danh sách đi nghĩa vụ quân sự.

Em anh là một thanh niên có chí tiến thủ nên vài năm sau cậu ấy được đơn vị cử đi học sĩ quan. Giấy tư về xã, tôi lại vụng trộm phê vào lý lịch là dòng dõi quan lại phong kiến. Dù đã biết bố anh đang bí mật công tác đâu đó, tôi vẫn ghi bố có thời gian hoạt động cách mạng nhưng mất tích, nghi theo địch chạy vào Nam. Anh trai học bên Liên Xô nhiễm tư tưởng xét lại…

Tôi biết tôi sắp chết rồi anh ạ! Không nói được những lời này với anh, không cúi đầu tạ lỗi với vong linh bà cụ nhà anh thì tôi không nhắm mắt được. Bây giờ nói được rồi, anh tha thứ cho tới đâu thì tôi được nhờ đến đấy. Để sắp tới tôi còn có cơ hội gặp bà cụ, gặp cha anh ở nơi ai cũng sẽ phải về.

Trời ơi! Tôi còn nói được gì với ông đây? Mọi sự đang đi về phía cuối đường rồi. Ông đã nhận ra vậy thì chính ông đã tháo được cái ách đeo trên cổ rồi ông ạ.

Trời ơi! Vào thời điểm ấy, một cái lý lịch đen như bồ hóng, nặng như tảng đá vậy thì dẫu mười thằng em tôi cũng không gánh nổi, cũng không ngóc đầu lên được.

Tối ấy về lại căn nhà tôi xưa, vào thẳng căn buồng tôi đã ra đời, nơi mẹ tôi trút hơi thở cuối cùng, nơi bà nội tôi và thằng Hậu bíu ríu đùm bọc nhau qua biết bao tháng năm thương khó. Bây giờ vợ chồng em tôi, hơn hai chục năm nay dùng làm chỗ nuôi dưỡng đứa con tật nguyền dị dạng.

Cháu bị nhiễm chất độc da cam do bố nó truyền sang. Nhìn thằng cháu đầu to như quả bí ngô đặt ở giữa giường, bụng bé tẹo, hai chân bé tẹo cứ đạp đạp xoay xoay, xoay tròn quanh cái đầu nặng trịch giữa giường như một chân com-pa quay vòng liên tục.

Từ trong miệng nó, rớt dãi bầy nhầy chảy ra ướt má. Nghe cháu kêu a a không ngớt, nhìn đôi mắt cháu trắng nhã, lồi như nửa trái chanh, tôi ngồi ôm cháu nghẹn ngào khóc không thành tiếng. Khóc mà không chắt ra được giọt nước mắt nào. Khóc khan, nước mắt ngược vào trong lòng như dao cắt.

Đêm ấy, tôi quyết định không nói lại lời ông Hách với em tôi. Sợ xảy ra một chuyện đau lòng nữa, lại cũng vì lo nỗi khổ của nó hiện đã quá sức chịu đựng rồi. Biết thêm, thêm đau đớn. Gần sáng, nghe ba tiếng trống phát tang vang lên, tôi biết ông Hách đã từ trần. Khe khẽ bước ra ngoài trăng sáng, thằng em tôi đã ngồi đó tự lúc nào. Hai anh em cứ thế lặng lẽ bên nhau, tưởng rằng mỗi người sẽ im lặng theo đuổi một tâm sự riêng, ai dè nó lên tiếng trước:

- Em biết ông Hách vừa nói gì với anh rồi. Chuyện ấy em đã biết từ sau khi đơn vị thông báo, em được cử đi học sĩ quan nhưng gặp trục trặc. Một đồng chí cán bộ đã nói thực với em hết cả. Nhưng đã có chỉ đạo cho em được hai lựa chọn, một, đi học sĩ quan; hai, ra quân rồi học đại học dân sự.

Em đoán là nhờ được hưởng ưu tiên có cha đang biệt phái ở nơi đâu xa lắm. Nhưng em đã chọn con đường ra mặt trận. Cuộc đời đẹp nhất là cuộc đời trên chiến trường đánh Mỹ. Ngày ấy tinh thần Lê Mã Lương thực sự là khí phách Việt Nam, thực sự là lương tâm thời đại anh ạ. Bây giờ cảnh sống của em vất vả nhiều lắm, nhưng lòng em không có tí gì ân hận. Chỉ khôn nguôi day dứt thương thằng con tật nguyền... Nhưng mà thôi, anh em mình đừng khơi chuyện cũ nữa. Buồn thêm mà ích gì đâu.

Tôi sửng sốt nhìn em đang ngồi như một vị sư nhập thiền. Một chân lành thả thoải mái từ mép hè xuống mặt sân, tạo thành nửa hình vuông góc. Một đoạn đùi ngắn cũn thâm thâm thò ra từ miệng ống quần cộc. Mặt em ngửa ngửa đăm chiêu. Hàm ria môi trên mọc dài ngắn vô trật tự, hàm râu dưới cằm lưa thưa như râu cụ tổ. Cả hai hàm đều nhóng nháy đen, nhóng nháy ánh trăng xanh xanh, cảnh tượng đẹp đến nao lòng.

Vậy là em đã thực sự lớn khôn hơn anh rồi em ạ. Những lời đêm nay tôi định chỉ nói riêng với em thôi, tôi thấy chả cần thiết nữa. Một chân để lại chiến trường, một thằng con tật nguyền mà vợ chồng nó thương yêu, đau đớn, chăm bẵm vô vọng mấy chục năm nay đã cho nó chiêm nghiệm nhiều thực tế, khôn ngoan chắc gì tôi bằng nó?

Đêm ấy anh em tôi lặng lẽ dựa vào nhau, cùng ngủ ngồi, cùng tựa lưng vào bức tường ngôi nhà từng là nơi đã sống, đã chết của mấy thế hệ gia đình tôi. Lâu lâu cả hai cùng choàng thức dậy, bởi ba hồi trống báo tang loi lói thúc lên bầu trời êm vắng.

Tôi có cảm giác hai anh em tôi đang mơ một giấc mơ cùng ngon giấc êm đềm hai bên nách mẹ trong những đêm xưa xa lắm. Những ngày xưa thân ái của chúng tôi, hình như chưa bao giờ ở vào thời quá khứ xa xăm. Trong tai tôi đang lanh lảnh tiếng cười thơ trẻ.

Nhưng sáng mai chúng tôi còn một việc hệ trọng nữa, cùng sang viếng tang ông Hách. Coi như là khép lại một dĩ vãng chẳng ai mong muốn.

V.T.K

Tin liên quan