Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Sớm có hướng dẫn để người dân giám sát và nhận thưởng
Thứ năm: 14:58 ngày 23/01/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Từ đầu năm 2025, Nghị định 176/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, đưa ra cơ chế thưởng lên đến 5 triệu đồng cho người dân khi cung cấp thông tin, hình ảnh hoặc video phản ánh các hành vi vi phạm giao thông.

Việc người dân tham gia giám sát giao thông nhằm giảm thiểu các tình trạng vi phạm (ảnh: Phương Thảo).

Đây là bước tiến mới nhằm khuyến khích người dân tham gia giám sát, nâng cao ý thức cộng đồng và góp phần xây dựng hệ thống giao thông an toàn, văn minh hơn.

Chính sách này đang thu hút sự quan tâm rộng rãi từ dư luận. Nhiều người cho rằng đây là cách làm hiệu quả để răn đe các hành vi vi phạm giao thông nguy hiểm. Đồng thời, một số ý kiến cũng đặt ra những thách thức trong việc thực hiện, như làm sao bảo đảm tính chính xác của thông tin và quyền riêng tư cho cả người cung cấp lẫn người bị phản ánh.

Những hành vi vi phạm giao thông nghiêm trọng như lạng lách, đánh võng, chạy ngược chiều hay không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn không chỉ gây nguy hiểm cho chính người vi phạm mà còn đe dọa trực tiếp đến tính mạng của những người tham gia giao thông. Hiện nay, mức phạt cho hành vi này rất nghiêm khắc, với mục tiêu có thể giảm thiểu được những vi phạm và số vụ tai nạn.

Cụ thể, điều khiển xe lạng lách, dùng chân điều khiển vô lăng có thể bị phạt từ 40 triệu đến 50 triệu đồng; nếu gây tai nạn, mức phạt tăng lên 70 triệu đồng. Đua xe trái phép bị phạt đến 50 triệu đồng cho cá nhân tham gia và lên tới 100 triệu đồng nếu là tổ chức vi phạm. Ngoài ra, việc không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn hay đi ngược chiều trên cao tốc cũng bị xử phạt mạnh tay, từ 30 triệu đến 40 triệu đồng.

Anh Trần Văn Thanh, một tài xế tại thị xã Hoà Thành, bày tỏ: “Tôi thấy việc giám sát và báo cáo vi phạm rất cần thiết. Khi mọi người biết rằng hành vi của mình có thể bị ghi lại bất cứ lúc nào, chắc chắn họ sẽ cẩn thận hơn”.

Việc ghi nhận và cung cấp thông tin từ người dân được kỳ vọng sẽ hỗ trợ lực lượng chức năng xử lý nhanh chóng, kịp thời các trường hợp vi phạm, giảm nguy cơ tai nạn và tạo hiệu ứng răn đe hiệu quả trong xã hội.

Ngoài việc đóng góp vào an toàn giao thông, người dân còn nhận được sự khuyến khích từ chính sách mới. Theo đó, mỗi trường hợp cung cấp thông tin chính xác có thể nhận thưởng không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tối đa 5 triệu đồng/vụ việc. Đây được xem là động lực lớn để khuyến khích cộng đồng tham gia giám sát, tăng trách nhiệm của người dân trong việc chung tay cùng lực lượng chức năng kéo giảm tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, để chính sách phát huy hiệu quả, người dân cần lưu ý một số quy định. Hình ảnh và video cung cấp phải rõ ràng, trung thực, phản ánh đúng hành vi vi phạm. Đặc biệt, việc ghi hình cần tuân thủ pháp luật, không xâm phạm quyền riêng tư hoặc gây ảnh hưởng tiêu cực đến người khác.

Dù mang lại nhiều kỳ vọng, chính sách này cũng đối mặt với không ít thách thức. Một số người lo ngại về tính khả thi của việc xác minh thông tin, hoặc việc bảo vệ quyền riêng tư của cả người cung cấp và người vi phạm. Người dân cần chịu trách nhiệm pháp lý về tính chính xác của thông tin cung cấp. Đây là yếu tố quan trọng để ngăn ngừa lạm dụng, bảo đảm việc thi hành đúng Luật.

Anh Nguyễn Minh Ngọc (TP. Tây Ninh) bày tỏ: “Tôi thấy đây là chính sách hay, nhưng cần có hướng dẫn cụ thể để tránh việc người dân vô tình vi phạm khi ghi hình, hoặc bị lạm dụng thông tin với mục đích không tốt”.

Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra trên các tuyến đường (ảnh: Phương Thảo).

Chính sách giám sát giao thông và nhận thưởng không chỉ là một giải pháp quản lý hiệu quả mà còn là nền tảng để xây dựng văn hoá giao thông an toàn, để mỗi người dân có thể trở thành “người giám sát”, tăng trách nhiệm chung của cộng đồng.

Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện giám sát giao thông để nhận thưởng theo Nghị định 176 vẫn chưa thể triển khai do thiếu các quy định chi tiết về phương thức tiếp nhận, xác thực thông tin và chi trả “tiền thưởng”. Điều này đòi hỏi các cơ quan thi hành cần sớm ban hành hướng dẫn cụ thể, giúp người dân hiểu rõ quy trình thực hiện, tránh các hành vi vi phạm pháp luật và ngăn chặn tình trạng lạm dụng chính sách mới.

Hoà Khang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục