Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), được xây dựng trên nền tảng Hiệp định Thương mại tự do ASEAN+1, bao gồm 10 quốc gia ASEAN và 6 đối tác là Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, được kỳ vọng là sẽ tăng cường liên kết kinh tế khu vực, đẩy mạnh thương mại và dòng vốn đầu tư.
Tiến trình đàm phán tiến tới ký kết một hiệp ước thương mại tự do RCEP đã được bắt đầu vào năm 2013 và đã nhiều lần "lỡ" thời hạn chót được đặt ra.
Trong bối cảnh xuất hiện chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và xảy ra các cuộc xung đột thương mại có tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, tại cuộc họp mới đây hôm 11.10, lãnh đạo các nước ASEAN khẳng định giữ vững cam kết duy trì hệ thống thương mại đa phương cởi mở và dựa trên các quy tắc đã góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của khu vực từ nhiều năm qua. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã đưa ra cam kết hợp tác chặt chẽ nhằm đảm bảo không quốc gia nào bị bỏ lại trong tiến trình đàm phán.
Trên tinh thần đó, ngày 13/10, tại Singapore, các bộ trưởng của 16 nước tham gia đàm phán RCEP đã tham dự phiên họp giữa kỳ cấp bộ trưởng lần thứ 6 nhằm đánh giá các bước tiến của thỏa thuận sau phiên họp hồi cuối tháng 8 vừa qua để vạch ra các hướng đi thích hợp sớm kết thúc đàm phán .
Trong tuyên bố chung kết thúc cuộc họp nêu rõ: "Các bộ trưởng tái khẳng định hướng giải quyết vấn đề nhằm mang lại kết luận quan trọng cho các cuộc đàm phán, đồng thời nhắc lại việc đạt được thỏa thuận đến cuối năm sẽ là cột mốc quan trọng", trong lúc tình hình thương mại thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức.
Dự kiến, cuối năm sẽ kết thúc về cơ bản đàm phán mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đồng thời kết thúc đàm phán một số nội dung kỹ thuật để có thể hoàn toàn kết thúc đàm phán trong năm 2019.
Theo kế hoạch, các bộ trưởng thương mại tham gia tiến trình đàm phán RCEP sẽ nhóm họp lần nữa tại Auckland, New Zealand vào cuối tháng này để chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh lãnh đạo các nước thành viên RCEP dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới, bên lề hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các cường quốc khu vực.
Trước đó, ngày 29/8, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng cho biết các cuộc đàm phán RCEP đã đạt được bước tiến quan trọng và có thể sẽ sớm hoàn tất. Ông Lý Hiển Long nhấn mạnh các thành viên của RCEP đã chấp nhận đánh đổi và nhượng bộ lẫn nhau, đổi lại lợi ích về kinh tế và chiến lược quan trọng sau khi đạt được hiệp định RCEP. Ông cũng kêu gọi 16 thành viên RCEP "có tầm nhìn dài hạn, duy trì động lực, tham gia một cách xây dựng với sự linh hoạt tối đa" nhằm đạt được một thỏa thuận tốt nhất trong năm 2018.
Còn Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chung Sing hoan nghênh các nước ASEAN đã kiên định với con đường hội nhập kinh tế khu vực, bất chấp sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc và tâm lý chống thương mại ở nhiều khu vực.
Các số liệu đưa ra cho thấy, khi có hiệu lực, RCEP sẽ tạo ra khối hợp tác thương mại lớn nhất thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chiếm hơn 30% GDP toàn cầu; có dân số lên tới 3,4 tỷ người. RCEP cũng được đánh giá sẽ tăng cường hợp tác và hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng, mấu chốt giúp ASEAN hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Nguồn chinhphu