Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Như tin đã đưa, ngày 21.8, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước về “nâng cao công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững”.
Tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh. (Ảnh minh hoạ)
NHIỀU THÀNH TỰU TRONG CHUYÊN MÔN
Phát biểu tại hội nghị, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác y tế trong giai đoạn vừa qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Ngành Y tế đạt được các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao; đồng thời đạt được một số kết quả chủ yếu. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) tăng từ 81,7% năm 2016 lên 91,01% năm 2021 (vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là 80% năm 2020 sớm hơn 4 năm).
Việt Nam đã làm chủ công nghệ ghép tạng và ghép được 6/6 tạng chủ yếu; làm chủ các công nghệ phẫu thuật nội soi và can thiệp tim mạch, châm cứu với chi phí giảm từ 1/2- 1/3 so với ở nước ngoài. Một số kỹ thuật cao đã được quốc tế cử chuyên gia đến học, mời báo cáo, trình diễn kỹ thuật tại các hội nghị chuyên ngành lớn tại các nước (phẫu thuật nội soi, can thiệp tim mạch, châm cứu...).
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nêu lên nhiều tồn tại, hạn chế của ngành. Trong đó, có tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế tại các cơ sở y tế khu vực công lập. Hơn 2 năm qua, dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến đội ngũ nhân viên y tế do gia tăng áp lực công việc, mức độ nguy hiểm, rủi ro nghề nghiệp; nhiều nhân viên y tế hầu như không có ngày nghỉ, làm việc với cường độ cao trong thời gian kéo dài, đặc biệt đối với nhân viên y tế ở những địa phương có dân số lớn như tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Trong khi đó, lương và phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp- nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở (nguồn kinh phí hoạt động của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập chủ yếu do ngân sách Nhà nước bảo đảm, nguồn thu sự nghiệp thấp). Mức lương này chỉ bảo đảm một phần nhu cầu cuộc sống, không tương xứng với đặc thù làm việc và quá trình đào tạo. Thực hiện chi trả các phụ cấp phòng, chống dịch cho nhân viên y tế còn chậm hoặc chi trả không đầy đủ tại một số địa phương.
Đặc biệt, do tác động tiêu cực của một số vụ việc vi phạm pháp luật thời gian qua trong mua sắm, đấu thầu dẫn đến tâm lý e ngại, lo lắng, hoang mang, nhụt chí của một bộ phận viên chức y tế. Từ đó dẫn đến xu hướng dịch chuyển nguồn nhân lực từ công sang tư, bỏ việc; lâu dài sẽ tác động đến việc triển khai công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu của hệ thống y tế và bảo đảm công bằng của người dân khi khám bệnh, chữa bệnh.
Tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế đang diễn ra tại nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Báo cáo của 34 sở y tế và 21 bệnh viện tuyến Trung ương cho thấy, 28 sở y tế, 12 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc; 26 sở y tế, 15 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hoá chất; 14 sở y tế, 8 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế.
RỦI RO TRONG ĐẤU THẦU VẬT TƯ Y TẾ
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đại diện UBND TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đề nghị tháo gỡ khó khăn trong công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế, “mua thuốc tốt chứ không mua thuốc rẻ”. Đại diện TP. Cần Thơ nêu, đội ngũ nhân viên y tế đang có dấu hiệu lo sợ, hoang mang, đặc biệt liên quan việc mua sắm, đấu thầu vật tư y tế; từ đầu năm đến nay, 111 nhân viên y tế của địa phương này xin nghỉ việc, trong đó có 47 bác sĩ. Tương tự, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế xem xét tháo gỡ khó khăn trong công tác đấu thầu vật tư y tế, “kéo dài tình trạng như hiện nay khiến người dân, người bệnh thiệt thòi, cơ sở khám, chữa bệnh gặp nhiều khó khăn”.
Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy nêu thực trạng, việc đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế đang gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc lập dự toán mua sắm. Nhiều loại thuốc cần cho phẫu thuật tim mạch nhưng hiện tại khó mua, đề nghị lập trung tâm mua sắm tập trung. “Việc mua sắm nên chọn giá hợp lý thấp nhất chứ không phải chọn giá rẻ nhất, vì giá rẻ không thể có sản phẩm tốt, có những cái dao mổ giá rẻ rạch ba lần da mới đứt”- lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy dẫn chứng chuyện xảy ra tại đơn vị này.
“Luật cho phép chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách nhưng như thế nào là cấp bách thì không rõ, đề nghị làm rõ nội hàm “thế nào là cấp bách”- đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng cần giải quyết được hai nút thắt hiện nay, trong đó có việc nhân viên y tế bỏ việc, cần tìm hiểu xem nguyên nhân do đâu. Ông Phớc nêu, việc thực hiện tự chủ có ảnh hưởng đến thu nhập không, đã tính đúng tính đủ chưa, nếu chưa, phải tính toán đơn giá trong khám, chữa bệnh. Muốn khắc phục tình trạng thiếu vật tư y tế thì phải sửa hàng loạt quy định hiện nay, trong đó có Nghị định 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế.
KHÔNG QUÊN SỰ HY SINH THẦM LẶNG
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu ý kiến: ngành Y tế đang đối diện rất nhiều khó khăn, thách thức, “hàng núi việc”, yêu cầu chất lượng khám, chữa bệnh cao nhưng thu nhập bình quân của nước ta còn thấp; nghiên cứu, sản xuất vật tư y tế chưa đạt như trông đợi, phần lớn phải nhập khẩu.
“Không thể có chất lượng khám, chữa bệnh cao như các nước tiên tiến nếu vẫn giữ định mức chi phí khám, chữa bệnh như hiện nay, vì chưa thực hiện đúng tinh thần tính đúng, tính đủ”. Theo Phó Thủ tướng, không cải thiện được tiền lương, việc thu hút nhân lực ngành Y tế “chỉ là hô hào”.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ, thời gian qua, nhân viên ngành Y tế “trải qua nhiều cung bậc, tâm tư, cảm xúc khác nhau”. Thủ tướng Chính phủ không quên nhắc lại những gian lao, hy sinh của đội ngũ y, bác sĩ cả trong chiến tranh và thời bình. Vượt qua nhiều khó khăn, ngành Y tế đã đạt được nhiều thành tựu lớn lao, có thành tựu mang tầm quốc tế.
Ba năm qua, đội ngũ nhân viên y tế lại đối diện với cuộc chiến không tiếng súng: chống dịch Covid- 19, trận đại dịch chưa từng có tiền lệ. “Đảng, Nhà nước, Nhân dân không bao giờ quên những hy sinh, vất vả của đội ngũ nhân viên y tế trong trận đại dịch, đóng góp này được cả xã hội trân trọng. Nhờ kiểm soát được dịch bệnh, kinh tế vĩ mô đã hồi phục”- Thủ tướng nói. Tính đến thời điểm hiện tại, khoảng 10.000 nhân viên y tế bỏ việc trên tổng số hơn 500.000 nhân viên trong cả nước, tương đương khoảng 2%, “cần bình tĩnh nhận diện để điều chỉnh chính sách”- Thủ tướng lưu ý.
TÂY NINH KIẾN NGHỊ ĐIỀU CHỈNH LƯƠNG, PHỤ CẤP
Tại Tây Ninh, lãnh đạo Sở Y tế cho biết, địa phương cơ bản kiểm soát dịch, tình hình bệnh đang có xu hướng giảm rõ rệt, chuyển dần từ các biện pháp phòng bệnh từ phòng, chống đại dịch sang quản lý bền vững. Tuy nhiên, tỉnh luôn cảnh giác với các biến thể mới của virus và đòi hỏi chính quyền các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm đầu tư hơn nữa cho hệ thống y tế để sẵn sàng đáp ứng với tình huống xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nặng tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.
Tây Ninh kiến nghị Chính phủ sớm có hướng điều chỉnh lương, phụ cấp cho nhân viên ngành Y tế; có chính sách hỗ trợ thêm ngoài lương cho các đối tượng là nhân viên y tế, nhất là lực lượng y tế cơ sở để họ yên tâm làm nhiệm vụ tại tuyến y tế cơ sở trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.
Bộ Y tế thường xuyên tổ chức sơ kết, đánh giá các dự án đang triển khai để củng cố, điều chỉnh và đưa ra giải pháp cho từng dự án. Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể về quy trình xây dựng danh mục, cách lập dự toán, xây dựng nhu cầu… nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc, hạn chế tình trạng sai phạm trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc.
Đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn về mức chi cho các hoạt động y tế từ xa để phát huy được hiệu quả của hệ thống công nghệ thông tin trong việc hỗ trợ nâng cao năng lực chuyên môn cho tuyến dưới.
Tây Ninh đề xuất Bộ Y tế xây dựng, ban hành quy định quản lý thống nhất giá từng mặt hàng thuốc trên toàn quốc dựa vào giá thuốc nhập khẩu, giá thuốc tại các nước trong khu vực có cùng điều kiện kinh tế với Việt Nam; hoặc dựa vào cơ cấu giá thành sản xuất thuốc đối với thuốc sản xuất trong nước để kiểm soát giá thuốc áp dụng thống nhất trên toàn quốc nhằm giảm áp lực thực hiện công tác đấu thầu, nhân viên y tế được tập trung vào công tác chuyên môn; cần tăng cường chủ trì đấu thầu tập trung hoặc đàm phán giá cấp quốc gia đối với thuốc, hoá chất, trang thiết bị, vật tư y tế.
Việt Đông