Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Sống là phải cố gắng
Thứ hai: 12:29 ngày 01/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Có những con người cuộc sống không may mắn, đầy tủi buồn nhưng họ luôn đáng quý ở cách suy nghĩ tích cực và luôn cố gắng vượt qua trở ngại dù là rất nhỏ.

Mẹ con bà Cúc.

Bị khiếm khuyết bẩm sinh, bà lớn lên với nhiều mặc cảm, nhưng có một gia đình, có chồng thương và hai cô con gái. Hơn sáu mươi năm, chẳng dành dụm được tài sản gì đáng giá, bà cười vui nói: “Tôi nhớ đôi bông tai vàng mười tám mỏng dính mình được đeo cách đây hàng chục năm rồi”. Cuộc đời của bà trải qua nhiều niềm vui lẫn nỗi buồn nhưng luôn cố gắng tìm niềm vui sống trong cảnh khốn khó với nụ cười thường trực trên môi. Bà tên là Nguyễn Thị Cúc (nhà ở khu phố 4, phường 2, thành phố Tây Ninh).

Cuối con hẻm cạnh đình Hiệp Ninh, ngôi đình cổ giữa lòng phố Tây Ninh có một khóm nhà nhỏ. Ðó là nơi cư ngụ của ba chị em bà Cúc. Họ- những người phụ nữ tật nguyền, dáng nhỏ thó, bước đi khó khăn liêu xiêu và đang ngày càng già yếu.

Ba chị em của bà Cúc người nào cũng mang khiếm khuyết giống nhau, những đôi chân ngắn và quặt quẹo khiến các bà khó khăn trong gần suốt cuộc đời mình. Và mỗi người đều có hoàn cảnh của riêng mình, với những niềm riêng đeo mang. Theo lời bà Cúc, ba chị em bà khi sinh ra đã mang tật giống cha mình.

Tuổi thơ đầy cơ cực vì cha mẹ vốn có cuộc sống khó khăn. Học hành ít chữ, có người mù chữ, chị em bà Cúc những ngày trẻ phải sớm đi làm thuê, ở đợ, trông trẻ để mưu sinh. Ðến tuổi cập kê, dù với tâm lý đầy mặc cảm về ngoại hình nhưng các bà vẫn chọn lập gia đình với niềm hy vọng nhỏ nhoi trong cuộc sống. Ðó là có những đứa con hủ hỉ khi về già.

Trở lại với bà Cúc, đứa con gái đầu lòng của bà sinh ra nguyên vẹn hình hài trong sự vui mừng của hai vợ chồng cũng như hai bên nội ngoại. Nhưng rồi sau đó con gái thứ hai sinh ra bị khiếm khuyết như mẹ khiến bà lo lắng, hụt hẫng. Những năm tháng ấy, vợ chồng bà chăm chỉ làm để nuôi con. Bà Cúc có thời gian buôn bán nhưng sau này do sức khoẻ yếu nên nghỉ. Rồi niềm hy vọng của bà như bị dập tắt khi con gái đầu của bà mất đi khi chưa đến tuổi hai mươi. Rồi người chồng cũng bỏ mẹ con bà ra đi vĩnh viễn. Từ đó, hai mẹ con bà Cúc lại lặng lẽ sống tiếp. Vậy mà cũng đã qua 23 năm.

Trong căn nhà tường nhỏ được nhà hảo tâm xây tặng, mọi thứ đều đơn giản đến sơ sài là chốn dung thân của hai mẹ con tật nguyền. Con gái nhỏ của bà Cúc đến nay đã ngoài 40. Chị mang nét u buồn và dễ xúc động vì mặc cảm về vẻ ngoài, hoàn cảnh của mình. Người em bà Cúc chia sẻ: “Cháu gái tôi vậy chứ có duyên, nhiều người cũng có ý nhưng nó đều từ chối vì mặc cảm”.

Chị Anh Thi, con gái bà Cúc cũng như mẹ mình có đôi chân tật nguyền.  Chị mỗi ngày đều cặm cụi làm việc trước hiên nhà, đôi tay chậm rãi thêu rua khăn để kiếm tiền cho hai mẹ con. Bà Cúc nói: “Mỗi ngày con gái tôi thêu hai tấm khăn, được 10 ngàn đồng, mùa me thì lột me thuê kiếm sống”. Mười ngàn đồng có lẽ chẳng là gì với nhiều người nhưng với mẹ con bà Cúc, nó đầy ý nghĩa.

Mấy mươi năm qua, mẹ con bà Cúc luôn sống trong cảnh thiếu thốn, thường xuyên phải sống nhờ tình thương của người khác. Dù vậy, họ mỗi ngày đều cố gắng làm gì đó để không thấy mình vô dụng trong đời sống này.

“Cuộc sống khó khăn lắm, nhưng mẹ con tôi vẫn phải cố gắng sống thôi. Nhận những thứ mọi người cho một cách vui vẻ bởi tôi nghĩ họ thương mẹ con mình thật lòng”. Với suy nghĩ đó, mẹ con bà Cúc bình lặng sống qua ngày. Lòng thương của mọi người có thể là những hộp cơm chay, ổ bánh mì, bó rau hay thỉnh thoảng là phần quà từ thiện của Phường, Hội LHPN phường dành tặng; hoặc giá trị hơn là căn nhà để mẹ con bà có chỗ che nắng mưa, là chiếc tivi cũ bà trang trí cho nhà đỡ trống vắng.

Cảnh nghèo là vậy, nhưng mẹ con bà Cúc lúc nào cũng mỉm cười hồn hậu. “Ngày xưa, tôi nghĩ có tấm chồng để có con hủ hỉ. Bây giờ, con gái có hiếu lắm tôi thấy an ủi trong đời mình”. Ðôi mắt bà mẹ già như sáng lên, miệng cười móm mém khi kể việc con gái sẽ kiên nhẫn chờ mình về để chia nhau những hộp cơm người ta vừa cho; hoặc những hỏi han, chăm sóc mỗi khi bà đau nhức. Chỉ bấy nhiêu thôi đã thấy vui và đủ đầy. Bà Cúc nói: “Mình có than thân cũng chẳng thay đổi được gì nên cứ sống vui thôi. Tôi luôn mong mỏi mình khoẻ mạnh để tiếp tục sống cùng con gái. Có mẹ có con cũng đỡ tủi buồn mà”.

Có những con người cuộc sống không may mắn, đầy tủi buồn nhưng họ luôn đáng quý ở cách suy nghĩ tích cực và luôn cố gắng vượt qua trở ngại dù là rất nhỏ.

VI XUÂN

Tin cùng chuyên mục