Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Sông núi Tây Ninh
Thứ tư: 07:18 ngày 06/12/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cũng nên nhớ lại các nguồn gốc xa xưa của vùng đất “Núi Điện sông Vàm”. Từ thời các triều vua Nguyễn khai mở miền đất phương Nam, thì núi sông ở các miền đất này đã được chú trọng và khai phá.

Chẳng biết từ bao giờ, người Việt đã gọi núi sông thay cho hai từ Đất nước (hay Tổ quốc). Thôi thì cứ lấy tạm bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” với 2 câu đầu trích trên đây làm cái mốc. Thì cái mốc ấy đã là từ thế kỷ thứ 11, khi Lý Thường Kiệt dẫn quân lên vùng biên cương phía Bắc đánh tan giặc Tống.

Trong đêm khuya thanh vắng, bài thơ “thần” vang lên như một lời cảnh báo với quân xâm lược. Nếu “... lũ giặc sang xâm phạm”, thì “chúng bây sẽ bị đánh tơi bời”. Vậy là ít ra từ hơn 1.000 năm qua đã có cách gọi rất tượng hình là đất nước của mình bằng những ngọn núi, dòng sông có trên đất nước.

“Sông núi nước Nam vua Nam ở Rành rành định phận tại sách trời…”

Sông núi nước Nam thì nhiều, vùng miền nào cũng có. Nhưng không phải tỉnh, thành phía Nam nào cũng mang tên núi tên sông. Người ta thường nhớ, thường gọi Cố đô Huế là vùng đất của sông Hương núi Ngự, hay Quảng Ngãi là miền núi Ấn sông Trà.

Và Tây Ninh cùng thường được các văn nhân, sĩ phu gọi là miền quê núi Điện sông Vàm. Điện ở đây là Điện Bà ở lưng chừng núi Bà Đen, trước năm 1850 thường được gọi là núi Điện Bà, đến năm Tự Đức thứ 3 (1850) mới được triều đình ghi danh vào điển thờ (của đất nước) và đổi tên thành Linh Sơn. Còn Vàm chính là dòng sông Vàm Cỏ Đông, chảy giữa đất Tây Ninh rồi xuống Long An xuôi về biển lớn.

Tây Ninh còn có sông Sài Gòn nằm ở phía Đông tỉnh làm thành ranh giới với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước. Dù sông ấy đã không thành tên gọi đặc trưng của miền đất, nhưng sông Sài Gòn vẫn luôn trong trí nhớ của nhân dân các vùng thuộc huyện Tân Châu, Dương Minh Châu và các xã cánh Đông thị xã Trảng Bàng.

Ngày nay, cũng không thể quên là Tây Ninh đã có thêm một hồ thuỷ lợi mênh mông do người Tây Ninh đắp đập ngăn sông Sài Gòn. Cùng với lòng hồ còn có thêm 2 dòng kênh lớn dẫn nước về TP. Hồ Chí Minh và các huyện, thị trong tỉnh. Gọi là kênh Đông và kênh Tây, nhưng lớn như một dòng sông hầu như quanh năm đầy ắp nước.

Cũng nên nhớ lại các nguồn gốc xa xưa của vùng đất “Núi Điện sông Vàm”. Từ thời các triều vua Nguyễn khai mở miền đất phương Nam, thì núi sông ở các miền đất này đã được chú trọng và khai phá. Xin hãy đọc lại những trang viết về tỉnh thành Gia Định trong sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn.

Tỉnh thành Gia Định khi ấy còn bao gồm cả tỉnh Tây Ninh và Bình Phước, Bình Dương. Vậy nên, hình thế của Gia Định được miêu tả: “Phía đông nam sát biển, phía tây bắc dựa núi, ba mặt đều có sông rộng, vụng lớn, một mặt đường bộ thẳng đến đất Man núi cao thì có Linh Sơn và Lấp Vò, sông lớn thì có Ngưu Chử (Bến Nghé) và Cửu An, nơi hiểm trở thì ở xa có các phủ huyện Tây Ninh, Quang Hoá che mặt sau, các tấn Cần Giờ, Đồng Ninh, Soi Rạp (Soài Rạp) ngăn mặt trước…”.

Đoạn văn trên cho thấy, những núi, sông, đường bộ quan trọng nhất của cả miền Gia Định đều ở phủ Tây Ninh. Đấy là núi Linh Sơn cao 986m ngày nay thuộc TP. Tây Ninh. Sông Ngưu Chử chính là sông Sài Gòn hiện nay, chảy dọc ranh giới phía Đông của tỉnh. Còn sông Cửu An, chính là sông Vàm Cỏ Đông đang thênh thang chảy giữa những cánh rừng hoặc cánh đồng của các huyện Tân Biên, Châu Thành, Gò Dầu, Bến Cầu và thị xã Trảng Bàng.

Chỉ có núi Lấp Vò có thể nay là Bà Rá thuộc Bình Phước? Và nữa, con đường bộ “thẳng đến đất Man” ấy chính là con đường sứ thời vua Gia Long, năm 1815 được tu sửa lại và đổi tên thành đường thiên lý phía Tây, cũng chủ yếu ở trên đất Tây Ninh, nay là các đường ĐT 782, ĐT 784, ĐT 781, ĐT 788 và một phần quốc lộ 22B (đoạn từ TP. Tây Ninh lên tới ngã ba Vịnh).

“Sông núi nước Nam vua Nam ở”. Thì ở Tây Ninh, người Việt đã có mặt từ gần 300 năm, nếu tính từ thời anh em Huỳnh Công Giản và Huỳnh Công Nghệ lên khai phá các làng thôn phía Bắc tỉnh Tây Ninh. Còn tính từ khi triều vua Minh Mạng chính thức đặt các đơn vị hành chính phủ, huyện, tổng, thôn thì cũng đã gần 190 năm (1836). Dĩ nhiên, con đường chủ yếu để lưu dân đi mở đất lập làng là theo các dòng sông.

Nếu như anh em Huỳnh Công Giản, từ Tân An ngược dòng Cửu An lên Tây Ninh vào năm 1749, thì ở sông Sài Gòn: “vào năm 1756, Trùm cả Quách Ngạn đã dẫn một số di dân từ hạ lưu sông Sài Gòn đến lập nghiệp ở vùng Bùng Binh, Đôn Thuận. Về sau ngài Quách Ngạn trở thành Thành hoàng đình Đôn Thuận…” (Trảng Bàng phương chí - Vương Công Đức, 2014).

Chài lưới trên sông Vàm Cỏ Đông.

Sông Sài Gòn, dòng sông êm ả xanh trong mùa cạn, lại sùng sục đỏ ngầu phù sa những mùa lũ lớn ấy đã từng có nhiều tên gọi. Trước năm 1820, Trịnh Hoài Đức viết Gia Định thành thông chí gọi là sông Tân Bình: “Sông Tân Bình ở đất phủ Tân Bình, trước thành Gia Định, tục gọi sông Bến Nghé, rộng 142 tầm, sâu 10 tầm, nước cạn cũng tới 13 thước, rộng lớn trong sâu. Tàu buôn của nước nhà cùng của các nước, thuyền biển thuyền sông, ghe xuồng nối nhau, buồm chèo chen chúc…”.

Khoảng trước năm 1836, sông lại được gọi là sông Đục, sau đó đổi tên là Thanh Lưu. Sách Đại Nam thực lục có đoạn chép về chính sự triều đình trong tháng 7 (âm lịch) năm 1836 như sau: “Nay đặt đồn Xỉ Khê làm huyện Tân Ninh, đạo Quang Hoá, làm huyện Quang Hoá, gọi thành Quang Hoá làm huyện thành. Lại đặt phủ Tây Ninh kiêm lý huyện Tân Ninh. Nhân cái đồn bảo cũ (đồn Xỉ Khê) chữa cao rộng thêm để làm phủ thành. Đổi sông Đục là sông Thanh Lưu, đặt đồn bảo Thanh Lưu, cho lệ thuộc vào huyện Tân Ninh”.

Đấy là chuyện xưa, còn nay sông đã trở lại là sông Sài Gòn rong ruổi qua các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh xuôi về biển. Các nhà khoa học viết: “Sông Sài Gòn dài 256 km, có diện tích lưu vực 5.560 km2, phần diện tích ở Campuchia là 550 km2…”. Sách Địa chí Tây Ninh cho biết thêm: sông Sài Gòn chảy trên đất Tây Ninh với chiều dài 135km. Ngoài ra, những phụ lưu sông trên đất Tây Ninh còn có: Suối Ngô, rạch Sanh Đôi và rạch Suốt (Đặc điểm khí hậu - thuỷ văn Tây Ninh, 2000).

Cái dòng sông từ hơn 200 năm trước ấy, đến nay ở nhiều đoạn qua Tây Ninh vẫn còn hoang sơ thuần khiết, hứa hẹn một tiềm năng cho ngành du lịch mai sau.

Và năm 1985, lòng hồ Dầu Tiếng được hoàn thành trên đất huyện Dương Minh Châu với 270km diện tích mặt nước, dung tích 1,5 tỷ mét khối nước. Đó là kỳ tích, với sự góp công sức và trí tuệ của các nhà khoa học và biết bao mồ hôi nước mắt của người Tây Ninh.

Cùng với lòng hồ, ngày nay có thêm 3 dòng kênh lớn như 3 dòng sông mới, đó là kênh Đông, kênh Tây và kênh Tân Hưng, cùng hàng ngàn ki-lô-mét kênh mương cấp 1, 2, 3 dẫn nước về khắp đất Tây Ninh và cả tỉnh Long An, TP. Hồ Chí Minh. Nhờ đó, các mặt kinh tế, xã hội, sinh thái môi trường Tây Ninh đã được biến chuyển sâu sắc mà các thành tựu đã có chưa thể đong đếm hết.

Trần Vũ

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục