Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Xóm Bà Đao là gọi theo tên gò, thuộc về ấp Chánh, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu. Đi tìm cái xóm này kể cũng hơi cơ cực. Vì tiếng là ở ấp Chánh, mà lại thành ra một rẻo đất biệt lập kề bên sông nước miên man ven rạch nối ra sông Vàm Cỏ Đông.
Cán bộ Bảo tàng tỉnh khai quật di chỉ khảo cổ gò Bà Đao tháng 7.2010. Ảnh: Đặng Hoàng Thái
Tôi mới tìm về Bà Đao, sau khoảng 8 năm từ lần về thứ nhất. Dạo ấy, giới khảo cổ học miền Nam đang say sưa với phát hiện xóm Bà Đao.
Xóm Bà Đao là gọi theo tên gò, thuộc về ấp Chánh, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu. Đi tìm cái xóm này kể cũng hơi cơ cực. Vì tiếng là ở ấp Chánh, mà lại thành ra một rẻo đất biệt lập kề bên sông nước miên man ven rạch nối ra sông Vàm Cỏ Đông. Từ đường Xuyên Á qua ấp Chánh cũng chẳng có đường đến, đành phải vòng qua ấp Bến mà vào.
Cho đến bây giờ, xóm vẫn vắng vẻ lắm. Di dọc xóm vào lúc đầu giờ chiều mà chẳng gặp một người nào. Muốn hỏi thăm phải do người ấp Bến chỉ đường, rồi lần theo trí nhớ ngày xưa mà tìm đến. Tìm được đúng cái bến nước ở cuối xóm kia, mới nhận ra mình đã tới bến Bà Đao.
Suốt hai năm 2010 và 2011, giới khảo cổ học của Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ phối hợp Bảo tàng tỉnh tiến hành khai quật di tích khảo cổ học Bà Đao, theo Quyết định số 1923 của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch ngày 2.6.2010. Để có được quyết định quan trọng ấy, 2 đơn vị phối hợp kể trên đã tiến hành khảo sát thực địa từ tháng 11.2009.
Và mới chỉ sơ bộ thôi, đã xác định được: “Đây là một di tích cư trú của nhóm cư dân thuộc thời kỳ Tiền sử (thời kỳ Đồng Thau). Các dấu vết cổ như gốm cổ, rìu đá được phát hiện rải rác trên khắp mặt gò…”. Sau khi nhận giấy phép, đoàn nghiên cứu đã tiến hành mở 2 hố khai quật với diện tích 84m2.
Chỉ với 84m2 hố khai quật đấy thôi. Với độ sâu từ 0,8- 0,9m tới tầng sinh thổ (lớp đất tự nhiên, chưa có tác động bởi con người) trong 2 năm 2009 và 2010, đã phát hiện được 79 chiếc rìu đá, hàng chục chiếc đục và cuốc đá; 10 chiếc bàn mài cũng bằng đá sa thạch. Đấy là chưa kể nhiều mảnh vỡ của công cụ đá như các mảnh chuôi, mảnh lưỡi của rìu. Đặc biệt nhiều là gốm vỡ các loại, có tới cả ngàn mảnh, mà sau này đem về nghiên cứu được phân loại thành các nhóm từ 1 đến 5. Trong đó có các hiện vật không còn nguyên vẹn như bình, nồi, thỏi gốm tròn, chậu cà ràng, bàn xoa và bi gốm.
84m2 khai quật, đã có tới cả ngàn di vật người xưa! Thử hỏi trên gò Bà Đao 20.000m2 kia sẽ còn biết bao nhiêu di vật nữa đang âm thầm trong lòng đất?
Không ai có thể trả lời. Chỉ biết ngày hội thảo khoa học về đề tài “Điều tra, xác định và đề xuất giải pháp bảo tồn phát huy các di tích khảo cổ học ở Tây Ninh” đã có trưng bày rất nhiều di vật khảo cổ Bà Đao cho các đại biểu xem. Không gian sân trong của Bảo tàng (cũ) sáng trưng dưới nắng và những hiện vật ở Bà Đao cũng ngời sáng lung linh như có lửa thắp bên trong.
Những chiếc đục, chiếc rìu đá có màu xám sáng. Những mảnh gốm còn đỏ au màu gạch hoặc đã ngả màu xám tro, gần như màu đất. Cả những thỏi gốm tròn dài hồng tươi như gạch mới ra lò. Cho đến nay chưa ai biết chúng sinh ra là để làm gì, trong cuộc sống những tiền nhân thời tiền sử. Thú vị nhất là có cả những vành gốm được tạo thành những cánh hoa, hay những hoa văn giản dị vạch trên thân các lọ, vò hình quả trám, hình răng sói hay lăn tăn sóng nước.
Vậy mà chúng đã sống tới gần 3.000 năm tuổi. Theo báo cáo khoa học đề dẫn hội thảo, “Trung tâm hạt nhân TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành phân tích 2 mẫu gốm than (gốm trộn nhiều bã thực vật) ở di tích gò Bà Đao, bằng phương pháp tính niên đại C14, đã cho hai con số cụ thể như sau:
- Mẫu thứ nhất ở độ sâu 0m60 cách mặt đất, có niên đại 2.580 năm - 60 năm cách ngày nay.
- Mẫu thứ hai ở độ sâu 1m0 cách mặt đất có niên đại 2.670 năm - 70 năm cách ngày nay”.
Đường vào xóm nhỏ Bà Đao.
Vậy là lòng đất mẹ Tây Ninh đã lưu giữ những kỷ vật của gần 3.000 năm trước. Mà người mẹ nghèo ấy tên là xóm nhỏ Bà Đao. Người trong ấp chỉ nhớ trước kia, xa xôi lắm từng có một bà sinh sống trên gò có tên Bà Đau. Bà hay đau ốm hoặc là bà có biệt tài chữa bệnh cho bà con trong xóm, nên gọi chệch thành Đao (Đau)? Sau cuộc hội thảo này, tôi tìm đến chỉ thấy một xóm nhỏ đơn sơ, như biệt lập với công cuộc phát triển đang rầm rộ bên tuyến đường Xuyên Á, hoặc trên xuôi ngược sông Vàm.
Dù nơi ấy, tính theo cánh chim bay, chỉ cách đường và cánh sông khoảng 500m. Đất gò vẫn khô rang, phờ phạc dưới nắng trưa, chỉ có vài bóng mát của cây cổ thụ dưới chân gò và những hàng tre pheo phơ phất. May quá, qua gò chừng 200m thì bến Bà Đao bỗng hiện ra, lấp loáng ánh nước giữa màu xanh lục bình, thấp thoáng sau rậm rịt những hàng gừa bám rễ vào sông. Người ta cũng gọi đây là bến Bà Đao.
Chuyến đi ấy thật là may quá! Vì tôi vẫn còn “mót” được các “di chỉ khảo cổ” ở bến Bà Đao. Một cậu bé mập mạp ở trần cùng tốp bạn leo trèo lên cây gừa chơi trò nhảy cầu lao xuống nước, khi nghe hỏi về những “lưỡi tầm sét”, tức rìu đá đã mau mắn chạy về nhà lấy tặng tôi một chiếc. Cậu bảo ở đây thứ ấy có mà đầy, thỉnh thoảng lại nhặt được- nhất là ở giữa những bụi tre.
Vài cô bé và các em nhỏ hơn cũng được cha tạo cho niềm vui bằng cách chở xuồng cho các em đi chơi trên rạch. Mà những chiếc xuồng thời ấy cũng có vẻ gì mộc mạc thân thương lắm. Toàn xuồng gỗ, dài thượt, đít bằng, mũi nhọn hơi giống với con thuyền độc mộc mấy nghìn năm tuổi tác đang lưu giữ tại Bảo tàng.
Chẳng như những con xuồng hôm nay tôi gặp tại Bà Đao, sau 8 năm. Đã là xuồng composite lạnh lẽo chỉ 2 màu xanh, trắng. Còn bến nước? Hôm nay cũng trở nên quạnh vắng. Các em bé ngày xưa nay chắc đã đủ lớn để đi học xa, hoặc đi làm công nhân ở Phước Đông hay ở Mộc Bài! Trước bến, chỉ duy nhất có chiếc ghe của đôi vợ chồng đang lưới cá. Anh chồng chèo tay, còn chị vợ thì sửa soạn thả xuống từng manh lưới nhỏ. Long lanh nước biếc mây trôi, con thuyền chầm chậm giữa lục bình hoa tím. Hạnh phúc của họ làm bừng sáng cả cây cối ven bờ rạch như một bài ca hạnh phúc trên miền di sản Bà Đao. Bài ca ấy tôi đã từng gặp ở chính nơi này, 8 năm về trước trong nụ cười, cú nhảy, rồi vẫy vùng bơi lội của các cô và cậu bé ngày xưa.
Cái nhà đầu tiên trên bến lại đang mở cổng. Ngó vào lại thấy một cái ao vuông (kiểu như một cái bàu trước gò thường thấy ở nhiều nơi trên đất Tây Ninh). Quanh ao những hàng cây ăn trái. Nước bàu trong veo, nổi lên vài cụm lá và bông súng. Trên bờ chỉ duy nhất một người phụ nữ đang chăn bầy gà nhốn nháo đòi ăn.
Hỏi về các cô cậu bé, bà kể nhà cũng có ba đứa. Con trai thì đang ra ruộng lúa, chuẩn bị gieo sạ vụ Đông Xuân. Hai con gái, một đã lấy chồng, một đi làm công nhân ở Phước Đông. Còn cái bàu vuông, do bà và cậu con trai thuê đào từ vài năm trước. Tiện bà khoe, lúc đầu nuôi cá thác lác cườm, thu cả trăm triệu mỗi năm.
Nay thì nhiều nhà cũng làm theo, giá rớt nên lời lóm chẳng bao nhiêu nữa! Hỏi, lúc đào ao có thấy những rìu đá hay mảnh gốm? Bà hồ hởi khoe:- nhiều lắm, nhưng chẳng ai biết để làm gì, nên bỏ đi. Chỉ giữ lại vài “lưỡi tầm sét” nhỏ, phòng khi con cháu cảm sốt thì mài cho uống (theo kinh nghiệm ông bà để lại). Nhưng “sắp nhỏ” bây giờ cũng không tin dùng nữa, nên bỏ lăn lóc đó đây.
Nói rồi, bà vào bếp tìm cho tôi một chiếc. Bà nói: “Mà anh muốn lấy nữa, thì cứ ra vườn mà kiếm”. Ngoài vườn, rà quanh gốc các bụi tre không tìm thêm được rìu đá, nhưng mảnh gốm sứ thì rải đầy đó đây. Cũng là loại gốm sứ các nhà khảo cổ đã thu về hàng ngàn mảnh 8 năm xưa. Cuộc sống vẫn tiếp nối, bình yên hạnh phúc trên vùng di sản- điểm cư trú của người thời tiền sử gần 3.000 năm trước.
Qua các đợt thám sát và khai quật khảo cổ ở Tây Ninh, tiến hành trong các năm 2009 đến 2011, các nhà khoa học đã xác định được 4 điểm di tích cư trú của người tiền sử, gồm ở ấp Khởi Hà, Cầu Khởi, Dương Minh Châu; gò Cao Sơn Tự ở xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu. Riêng xã An Thạnh huyện Bến Cầu có hai di tích là Dinh Ông và Bà Đao. Trong đó: “di tích gò Bà Đao… là một di tích mang tính tiêu biểu nhất” (Báo cáo khoa học năm 2011).
Đấy là do: “Khai quật di tích gò Bà Đao đã thu nhặt được các công cụ bằng đá, gốm cổ với số lượng lớn, nếu đem so sánh với những di tích cùng thời kỳ đã được khai quật trên khu vực Đông Nam bộ, như các di tích Bình Đa, Gò Me (Long Thành), Gò Me (Biên Hoà), Rạch Lá, Cái Vạn… ở Đồng Nai, Dốc chùa, Mỹ Lộc ở Bình Dương và một vài di tích khác như An Sơn, Rạch Núi thuộc Long An… di tích Bà Đao ở Tây Ninh không hề thua kém về độ dày của tầng Văn hoá, về mật độ của các di vật…” (Báo cáo năm 2011).
Đối chiếu với các di vật ở các vùng văn hoá Óc-eo Tây Nam bộ, có niên đại từ thế kỷ I đến VII, các nhà khoa học còn có một nhận xét rất lý thú, tuy còn hơi “rụt rè”. Đó là: “Dựa vào đặc điểm của loại hình di vật tìm thấy mà đặc biệt là kiểu dáng của các loại hình đồ gốm đã có thể nhận thấy nhóm cư dân ở lưu vực sông Vàm Cỏ Đông của Tây Ninh là lớp người mở đầu và triển khai mạnh mẽ nhất công cuộc chinh phục vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, đã góp phần quan trọng tạo dựng nên nền văn hoá tiền Óc-eo trên vùng đất này…”.
Di vật gò Bà Đao.
Trong phần báo cáo kết luận này, cũng nhắc lại một quan điểm đã được công nhận lâu nay, rằng: “Di tích khảo cổ học là một di sản quý giá của các thế hệ trước đây đã để lại… nếu để mất đi, là vĩnh viễn không thể nào tạo dựng lại được”. Ấy thế nhưng ở mục III - giải pháp bảo tồn- phát huy các di tích khảo cổ học ở Tây Ninh, phần kiến nghị các di tích cần được làm hồ sơ đã công nhận di tích lịch sử văn hoá lại không có tên Bà Đao.
Kể ra thì cũng khó! Không như ở Cao Sơn Tự, Dinh Ông còn có miếu, chùa; Bà Đao chỉ có một xóm nhỏ hiền hoà với đất đai, bến nước cư dân sinh sống. Nhưng nếu không có biện pháp nào, biết đâu sẽ có ngày, một dự án du lịch sinh thái nào đó sẽ dễ dàng “thôn tính” xóm Bà Đao?
Ghi chép: NGUYỄN QUỐC VIỆT