Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Sông Vàm mùa gặt lúa Đông Xuân
Thứ bảy: 04:16 ngày 28/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Vâng! Chính là vụ gặt này đây đã khiến tôi nhớ. Nhớ nôn nao không chịu nổi! Thế là bất chấp nắng chói chang giữa mùa khô, cứ phải… lên đường.

Vụ gặt lúa Đông Xuân thường trùng với lễ hội kỳ yên ở các ngôi đình cổ ven sông. Đấy là vào độ rằm tháng 2 âm lịch. Suốt một giải thềm sông Vàm Cỏ Đông cả trăm cây số, các miền quê rạo rực vui vì hội, cũng vì một mùa vàng hứa hẹn ấm no.

Cánh đồng ven quốc lộ 22 thuộc xã Trường Tây.

Từ đình Phước Chỉ ở vĩ tuyến chót cùng phía Nam, cho đến đình Hòa Hội chon von trên nguồn sông phía Bắc. Các ngôi ở khoảng giữa như Thanh Phước, Phước Trạch, Cẩm An thuộc huyện Gò Dầu… cho đến những Trường Tây, Trường Đông của thị xã Hòa Thành đều râm ran tiếng trống mõ, phấp phới cờ hội bay in bóng nước sông Vàm.

Tay lái máy cày của ngày mai.

Năm nay do dịch bệnh Covid- 19 nên có khác. Các lễ kỳ yên rút vào nội bộ, âm thầm. Cũng đủ lễ vật dâng lên các vị Thành hoàng, Tiền và Hậu Hiền cùng binh gia tướng sĩ nhưng phần nghi lễ diễn ra trong lặng lẽ, không cờ bay, băng- ron và cả chuyện uống ăn… Nhưng vụ gặt thì vẫn cứ râm ran suốt miền ruộng trũng ven sông. Vì người ta vẫn phải ăn. Ăn để tiếp tục cuộc chiến đấu với dịch bệnh và cả vì miếng cơm, manh áo trong năm.

Chở cù qua sông Vàm Cỏ Đông đón lúa Đông Xuân.

Tôi nhớ, một năm nào, vào dịp lễ kỳ yên đình Trường Tây 11 tháng 2 âm lịch. Tôi tới bến vừa lúc một cậu bé tên Kha đang tập lái cái xe cù lên cái phà vuông để sang thu lúa bên cánh đồng Long Vĩnh. Lần ấy, theo cậu, tôi sang sông để được thấy một mùa gặt đông vui chưa từng thấy.

Là vì bên ấy chỉ có mênh mông cánh đồng, mà chưa bị các khối xây của đô thị hóa ngoạm vào. Vì thế không gian chỉ vàng rực lên mùa lúa chín, cùng với rạ rơm. Ngực được hít căng những hương thơm mộc mạc nồng nàn của lúa.

Cù băng băng chở thóc trên cánh đồng mới gặt.

Những mùa gặt cho tôi thấy, cái ước mơ nho nhỏ của nhà thơ Tố Hữu năm xưa, ở Tây Ninh đã thành hiện thực từ lâu. Năm 1961, ông còn mơ “khiêm tốn” thôi! Rằng “Núi rừng có điện thay sao/ Nông thôn có máy làm trâu cho Người” (bài thơ Mùa xuân 1961). Thì những vụ gặt ở Tây Ninh, ít ra là trên dưới 10 năm qua, đã được hoàn toàn cơ giới hóa.

Chuẩn bị thuyền đi chở lúa.

Máy đã không chỉ “làm trâu” mà còn thay cho chính con người. Đây nhé, từ máy cấy, máy cày, bừa cho đến máy gặt, xe cù… Đa số lại do chính người nông dân tự tay mày mò sáng chế. Chỉ riêng mỗi cái gặt đập liên hợp là còn mang nhãn mác Kubota. Vì thế, chị em phụ nữ cũng đã được giải phóng thật sự rồi, bạn ạ! Trên cánh đồng và khắp các bến sông nơi chở lúa về, toàn gặp đàn ông, trai tráng cả.

Máy gặt Kubota đã xuống phà chở đến các cánh đồng xa.

Người phụ nữ duy nhất tôi gặp ở bến Đình Bà hôm rằm tháng 2 Canh Tý (7.3.2020) lại là một chị chủ đang ghi sổ sách các ghe về bến giao lúa. Còn cậu thanh niên đang điều khiển băng tải kéo lúa từ ghe lên lại là một cậu rất xinh trai.

Lúa Đông Xuân ở xã Trí Bình, ven sông Vàm Cỏ.

Tôi cũng kịp ghi lại vài hình ảnh chụp ở bến Đình Bà vào giữa mùa gặt hái. Còn ai muốn đi xem thực tế, thì đến cánh đồng Sẩm Nổi, xã An Bình vào cuối tháng ba này. Chỉ hơi tiếc cho cánh đồng này là năm nay nhiều khoảnh ruộng bị giống lúa ma xen lấn. Nếu không, thì lúa Đông Xuân cũng sẽ có năng suất 8 tấn/ ha, như ở bến Đình Bà.

Ghe chở lúa về, lên băng tải vào kho.

N.Q.V

Tin cùng chuyên mục