Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Sống vui và có ích
Thứ bảy: 16:00 ngày 07/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ở tuổi 87, bà Bùi Thị Hường (ảnh) ngụ khu phố 1, phường 3, thành phố Tây Ninh vẫn rất minh mẫn để kể chuyện đời mình.

Từ nhỏ, Hường đã biết sống tự lập và biết giúp đỡ người khác. Sớm mồ côi mẹ, cô bé sống trong sự đùm bọc, yêu thương của bà ngoại. Cha Hường từng là một vận động viên đua xe đạp nên cô cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng.

Ðến tuổi trưởng thành, Hường theo học ngành thể thao, ra làm huấn luyện viên thể dục. Những năm cuối thập niên 50 đầu 60 của thế kỷ trước, Hường là một trong số các nữ huấn luyện viên, giáo viên dạy thể dục hiếm hoi trên địa bàn tỉnh nhà.

Sau khi kết hôn, bà Hường lần lượt sinh 8 đứa con và đành phải xin nghỉ dạy ở trường vì đồng lương quá ít ỏi.

 Vốn có tính cách mạnh mẽ, lại có sức khoẻ nên bà Hường không gặp khó khăn mấy khi chuyển nghề từ dạy học sang làm ruộng.

Ngoài làm ruộng, bà còn chăn nuôi, buôn bán nhỏ lẻ để kiếm tiền nuôi các con học hành. Bà bảo: “Nhờ trời thương nên tôi làm gì cũng thuận lợi, trồng rau thì rau tốt, nuôi heo thì heo mau lớn, buôn bán đắt khách. Nhờ vậy, tôi mới có tiền nuôi mấy đứa con ăn học đến nơi đến chốn”.

Những người con của bà Hường đều có công ăn việc làm, đời sống riêng ổn định. Bà Hường luôn lấy tình yêu thương, sự gần gũi, chân thành làm kim chỉ nam trong nuôi dạy con cháu và ứng xử với những người xung quanh.

Bí quyết nuôi con nên người của bà: “Dù cuộc sống bần hàn hay khá giả, tôi vẫn luôn dành thời gian ở bên các con. Có như vậy tôi mới hiểu tâm tính từng đứa, dễ bề dạy bảo chúng. Tôi luôn nghĩ cha mẹ phải biết làm gương để răn dạy con, nhưng phải có thiện chí và quyết tâm thì việc mới thành”.

Vốn là người sôi nổi, tính cách mạnh mẽ, lại có lòng trắc ẩn, bà Hường đã có một thời tuổi trẻ khó quên, không gì nuối tiếc.

Khi còn là giáo viên, bà tập hợp học sinh thành những nhóm tình nguyện để cứu giúp người bị thương do chiến tranh; vận động mối cung cấp bột, nguyên liệu làm bánh mì phân phát cho học sinh và những người gặp cảnh không may.

Rồi sau nữa, bà lại cùng chồng tổ chức một nhóm người chuyên đi hiến máu giúp người bệnh.

Sau ngày giải phóng miền Nam, bà Hường mạnh dạn tham gia các tổ chức đoàn thể, góp công đi vận động giúp đỡ người nghèo, tham gia công tác y tế ở địa phương.

Bà còn tham gia trong các hoạt động của Hội Cựu giáo chức, Hội Phụ nữ phường 3, tổ tự quản, Mặt trận Tổ quốc… Cho đến bây giờ, khi tuổi tác đã cao, bà vẫn nhiệt tình tham gia công tác Hội Phụ nữ, nhiều lần được địa phương khen thưởng.

Bà tự tạo cho mình một cuộc sống lành mạnh, sáng thể dục, làm việc, tối đi ngủ sớm và giữ thói quen đọc sách- thường là sách về Phật pháp, sách dạy làm người, dạy cách sống khoẻ…

“Ðọc sách, tôi lại có thêm một ít kiến thức để vận dụng vào cuộc sống của mình”. Ðọc được quyển sách hay nào đó, bà lại hào hứng phô tô ra nhiều bản để tặng cho bạn bè trong Câu lạc bộ Cựu giáo chức.

Dù còn trong nghề hay đã về hưu, bà Hường luôn sống hết mình với công việc, với mọi người.

Vì vậy, bà được nhiều người yêu quý. Giờ đây, có những người học trò cũ của bà tuy mái đầu đã bạc nhưng vẫn nhớ và thỉnh thoảng tìm đến thăm hỏi cô giáo ngày xưa.

Bà Hường chia sẻ: “Dẫu còn nhiều điều mong muốn nhưng tôi biết những gì là đủ với bản thân mình để tự thấy thoả mãn và sống vui hơn mỗi ngày’.

NGÔ TUYT- M KIU

Tin cùng chuyên mục