Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Sông xưa, một thuở Lên Ngàn (tiếp theo và hết)
Thứ tư: 00:37 ngày 13/10/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Qua bao năm tháng, sông Vịnh mùa lũ vẫn ầm ào như vang dậy những bài ca giữ nước. Lúc sông hiền hoà, lại như thủ thỉ kể chuyện ngày xưa…

Thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông mùa lũ 2018.

Trước khi tiếp tục tìm tòi khám phá những bí ẩn của dòng sông Vịnh (Bến Đá), xin gửi đến bạn đọc bài thơ "Ngược dòng sông Vịnh" của tác giả Vân An:

“Thăm phủ An Cơ

Thuyền tôi ngược dòng sông Vịnh

Về với người xưa

Mặt sông nở trắng những hoa mã đề

Dòng sông sùng sục uốn quanh

Tre dại ken tay dựng luỹ thành

Bờ sông ngang tàng dốc đứng

Cổ thụ nghiêng mình bên vực thẳm hầm hinh

Ôi người xưa, những cha anh đàng cựu

Chọn đây làm cứ điểm chống Tây dương

Thằng Tây đến, dẫu thần công chưa kịp nổ

Đã nghe sông núi chụp tinh thần!

Nặng nhọc thuyền cày nước ngược

Nghe như cánh mọc tâm hồn?

Mã đề trảy mãi hoa trinh trắng

Như lòng thành của kẻ hành hương”.

Bài thơ được viết vào đầu thập niên 90, thế kỷ trước, khi mà đôi bờ sông Vịnh chưa phải là ngút ngàn cao su như bây giờ. Cho tới nay (đầu năm 2021) ta vẫn có thể gặp những bờ tre dại, tre gai giăng díu bên bờ giữ đất. Đôi chỗ vẫn còn những cây cổ thụ nghiêng ngả thân mình trên mặt nước.

Dù mùa cạn ghe thuyền có thể không đi suốt tuyến được, do một vài nơi có ghềnh đá nổi lên. Nhưng vào mùa lũ thì sông Vịnh đúng là một dòng “sùng sục uốn quanh”. Thứ duy nhất không còn như trong thơ nữa, chính là loài hoa mã đề, lá giống như cây bông súng nhưng hoa thì trắng ngần tinh khiết.

Loài hoa này không chịu nổi dòng nước sông ô nhiễm. Cá cũng không còn nhiều, nên rất ít người chài lưới trên sông. Vả lại cũng có cách đánh bắt thiếu khoa học, như dưới chân cầu Rạch Tre, người ta cắm đăng sát bờ ở cả hai bên, khiến dòng cá ngược dòng nước trong mùa lũ bị chặn lại. Đấy là theo ý kiến của một lão nông sống ở ấp Xóm Tháp, gần cầu, cho biết. 

Tác giả bài thơ trên cũng là một nhà viết sử. Chỉ với 4 câu thơ, ông đã khắc hoạ nên một thời chiến trận oai hùng trên sông Vịnh. Đấy là: “Ôi người xưa, những cha anh đàng cựu/ Chọn đây làm cứ điểm chống Tây dương/ Thằng Tây đến dẫu thần công chưa kịp nổ/ Đã nghe sông núi chụp tinh thần”.

Những "Cha anh đàng cựu" chọn bờ sông Vịnh, lập phủ An Cơ làm căn cứ chống Tây Dương ấy là ai? Ta cần phải rà lại trong nhiều trang sử. Sách “Lược sử Tây Ninh” (Ban Tổng kết chiến tranh tỉnh Tây Ninh, xuất bản 1986) cho biết, sau hiệp ước thời vua Tự Đức, ngày 5.6.1862 giao 3 tỉnh miền Đông cho Pháp, thì: “ở Tây Ninh, quan đại thần Khâm Tấn Tường trấn nhậm vùng này lúc bấy giờ không tuân lệnh bãi binh của triều đình.

Không “hợp tác” với giặc, ông rút về phủ An Cơ (thuộc xã Hảo Đước, huyện Châu Thành) chiêu mộ quân sĩ mua sắm vũ khí, lương thực, bám lấy địa hình thuận lợi của rừng, tổ chức kháng chiến chống Pháp”.

Tại nơi được gọi là phủ An Cơ, nghĩa quân đắp bờ thành cao chống giặc ở “sát khúc cong của sông Sóc Om ngang bến Sóc Thiết (nay thuộc về Hoà Hiệp, Tân Biên)… Bề ngang chân bờ thành trên 20m. Chiều dài bờ thành hàng km bao quanh một khối đất rộng hình hột cầy.

Ba mặt dựa vào ưu thế của khúc cong sông Sóc Om, còn một mặt trên bờ thành cao với luỹ tre dày kiên cố”. Về cách đánh giặc, giữ thành, có 2 cách phổ biến: “Một là, dùng gỗ treo trên cao cho lăn xuống; hai là, dùng dầu chai nấu sôi và thụt bắn vòi dầu từ xa (gọi là hoả hổ).

Về phủ An Cơ, sách “Truyền thống đấu tranh cách mạng của quân dân Châu Thành”, cũng do Ban Tổng kết chiến tranh thuộc Tỉnh uỷ Tây Ninh xuất bản 1986 còn có 1 chi tiết lý thú khác. Đấy là “Phủ An Cơ tại làng Hảo Đước, nơi đây còn có tên là làng Mãnh Hoả”.

Liệu cái tên này có liên quan gì đến vũ khí “hoả hổ” của nghĩa quân Khâm Tấn Tường hay không? Dò tìm trong sách “Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ” (Nguyễn Đình Tư, Nxb Chính trị Quốc gia, 2008) thì quả nhiên có tên làng Mãnh Hoả.

Mục từ Hoà Ninh (trang 457) cho biết, tổng Hoà Ninh thuộc huyện Tân Ninh, phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Định có từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836). Đầu thời Pháp thuộc đặt vào hạt thanh tra Tây Ninh có 14 thôn, trong đó có thôn Mãnh Hoả… Đến ngày 6.3.1891, Mãnh Hoả và Trí Bình mới bị giải thể, nhập vào làng Hảo Đước.

Vậy phủ An Cơ, thuộc thôn Mãnh Hoả là đúng! Nhưng tên làng với ý nghĩa như một ngọn lửa đấu tranh mãnh liệt, lại không liên quan gì với vũ khí mang tên hoả hổ của Khâm Tấn Tường. Vậy liệu nó có liên quan gì với các cuộc chiến đấu xa xưa trước đó từng diễn ra bên bờ sông Vịnh?

Trước năm 1862, những truyền tụng trong dân gian Tây Ninh đã có những nhân vật, như Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản trên vùng đất mới xã Thái Bình, nay thuộc về huyện Tân Biên; hay Trần Công Thắng ở Cẩm Giang, sau đổi lại là Huỳnh Công Thắng.

Trên vùng sông Vàm Cỏ Đông, qua ấp Trường, xã Hảo Đước, huyện Châu Thành có sự tích về Lê Ngọc Báu, Lê Ngọc Dương… Nổi bật nhất vẫn là anh em Quan lớn Trà Vong trên vùng lưu vực sông Vịnh này đây. Tiếc rằng, đa số các trang sử Tây Ninh lại chưa có nhiều tư liệu xác thực về các ông.

Như sách “Lược sử Tây Ninh”, dù có ghi nhận tại phần IV, Mục 4: Sự tích Ông lớn Trà Vong (3 trang: 35-38) thì chân dung các vị vẫn còn mờ ảo, cả về sự nghiệp, thời gian… Tuy vậy, tại phần VI- Truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, có đoạn: “Ông Lớn Trà Vong (Giảng) liên tục chống giặc”.

Sau nữa, lại: “biết sử dụng vật liệu ở địa phương là dầu trong (rút ra từ đốt các bọng cây dầu trong rừng) nấu sôi dùng gáo hoặc ống thục tát, phun dầu sôi chống giặc rất hiệu nghiệm ở thời kỳ đánh nhau bằng giáo mác…

Rừng cây ở Tây Ninh cũng là căn cứ từ xưa của nghĩa quân “xuất quỹ nhập thần” chống giặc. Gỗ cũng được treo lên cao đánh chiến thuật gỗ lăn giết giặc…”. Điều này cho thấy từ trước Khâm Tấn Tường, các vị nghĩa sĩ vùng sông Vịnh đã biết dùng gỗ lăn và “hoả hổ” để đánh địch xâm phạm vùng đất người dân đang yên ổn làm ăn.

Đến nay, đã có nhiều tư liệu mới tìm thấy và công bố, trong đó có bản “Tiểu sử đức Quan lớn Trà Vong Tây Ninh” của Ban cúng tế miếu Thái Vĩnh Đông, in năm 1973. Do vậy mà sự tích hai anh em Huỳnh Công Giản (Quan lớn Trà Vong) và Huỳnh Công Nghệ đã dần rõ nét.

Theo đó, Huỳnh Công Giản sinh năm 1722, tử tiết 1782. Ông và em trai Huỳnh Công Nghệ là con của “một gia đình nông nghiệp…” quê Nhật Tảo, Tân An. Các ông đến Tây Ninh quy dân lập ấp vào năm 1749, lập được 3 ấp mới Tân Lập, Tân Hội và Tân Hiệp.

Hai ông chia nhau ra lập đồn binh để bảo vệ dân lành khi có nạn giặc cướp bên ngoài đến đánh. Huỳnh Công Giản xây thành Trà Vong ở giữa đồng Trà Vong; còn Huỳnh Công Nghệ lại xây thành đắp luỹ ở bên bờ rạch Sóc Om (sông Vịnh).

Huỳnh Minh trong sách “Tây Ninh xưa” chỉ rõ hơn đấy là bến Thứ, xưa ở Hảo Đước, nay thuộc về ấp xóm Tháp, xã Tân Phong, huyện Tân Biên. Sự tích của các ông được kể nhiều, thôi không nói nữa. Chỉ thêm rằng, nơi có mộ ông Huỳnh Công Giản tại ấp 3 Trà Vong có đào được tấm bia đá ghi: “Thọ đại hiệp chánh đông binh chi cơ”.

Nhìn lên bản đồ, quả thật ngôi mộ nằm ở phía Đông của vùng đất mà các ông từng trấn giữ. Về phía Tây, cách đó 13km đường chim bay chính là địa danh Bến Thứ. Vậy có phải nơi Huỳnh Công Nghệ đóng quân chính là “Chánh tây binh chi cơ”, mà bia đá nếu có đã thất lạc rồi sao? Bến Thứ cũng rất gần nơi tương truyền có phủ An Cơ của Khâm Tấn Tường hồi đầu đánh Pháp (1862). Tất cả đều ở bên bờ sông Vịnh.

Rồi sau đó, đến năm 1866, con trai Bình Tây đại nguyên soái Trương Định là Trương Quyền cũng mượn thế đất, hình sông mà đánh cho quân Pháp nhiều trận tơi bời, trong đó nổi bật nhất là trận Rạch Vịnh ngày 14.6.1866, diệt quan Năm Macsezơ chỉ huy cùng nhiều quan lính khác.

Qua bao năm tháng, sông Vịnh mùa lũ vẫn ầm ào như vang dậy những bài ca giữ nước. Lúc sông hiền hoà, lại như thủ thỉ kể chuyện ngày xưa…

Trần Vũ

Tin cùng chuyên mục