Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Chiều 21-8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đi thăm các bác sĩ và người bệnh sốt xuất huyết ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, Hà Nội.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thăm hỏi động viên các nhân viên y tế chăm sóc cho người bệnh sốt xuất huyết ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - Ảnh: Việt Dũng.
Trong chuyến thăm, Bộ Y tế báo cáo số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) ở Hà Nội không tăng mạnh như vài ngày trước. Cụ thể trong 6 ngày gần đây, mỗi ngày Hà Nội có 440-500 ca mắc, trong khi tuần trước mỗi ngày có trên 1.000 ca.
Nhìn số liệu này, nhiều người tưởng sẽ bớt lo về bệnh SXH? Nhưng theo điều tra của phóng viên, hiện đang có sự chênh lệch rõ rệt giữa con số mắc thực tế và báo cáo của ngành y tế về dịch SXH ở Hà Nội.
Các con số lệch
Theo ông Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế, Hà Nội hiện đang là địa phương có số ca mắc SXH cao nhất cả nước, với xấp xỉ 18.400 người bệnh, cao hơn TP.HCM - địa phương đang xếp thứ 2 về số mắc (TP.HCM có gần 18.200 người mắc SXH tính từ đầu năm 2017 đến nay). Những ngày vừa qua, Bộ Y tế đánh giá SXH ở Hà Nội có dấu hiệu không tăng mạnh như tuần trước đó.
Tuy nhiên, con số thống kê này chưa phản ánh được hết thực tế về số mắc SXH ở Hà Nội. Theo ghi nhận của phóng viên, mới đầu giờ chiều 21-8, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư đã tiếp nhận trên 730 người bệnh, trong khi số người chờ khám vẫn còn rất đông. Trung bình mỗi ngày bệnh viện này nhận khám 700 - 1.000 người bệnh sốt, ốm các loại, 60% trong đó là SXH và đại đa số là người bệnh ở Hà Nội.
Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, số người bệnh SXH đến khám có giảm trong hai ngày cuối tuần, trong ngày 21-8 có khoảng 200 người đến khám, con số này đã giảm so với tuần trước (300 người SXH đến khám mỗi ngày).
Song một bác sĩ có trách nhiệm của bệnh viện này cho biết chưa thể nói được gì về tình hình dịch, vì Hà Nội đang nắng to trong khi tuần trước mưa lớn và có nhiều vũng nước đọng.
Lo ngại dịch "đi ngang"
Ngoài hai bệnh viện trên, có thêm hàng chục bệnh viện đang tiếp nhận người bệnh SXH ở khu vực Hà Nội, như Đức Giang, Thanh Nhàn, Đống Đa, Hoài Đức, Bệnh viện E, Xanh Pôn, Bạch Mai...
Tính riêng số đến khám tại hai bệnh viện kể trên, mỗi ngày Hà Nội đã có ít nhất 600 người bệnh SXH mới, cao hơn hẳn so với con số được thống kê Hà Nội có 440-500 ca SXH mỗi ngày.
Nếu tính hết người bệnh đến khám ở tất cả các bệnh viện đang tiếp nhận khám và điều trị cho người SXH, chắc chắn số lượng người bệnh không dừng lại ở con số 600 người/ngày.
Tại buổi làm việc chiều 21-8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, ông đến thăm bác sĩ và bệnh nhân nhưng có chút lo ngại tình hình dịch đang “đi ngang”, có thể nảy sinh tâm lý chủ quan, cho rằng “giai đoạn cao điểm dịch đã qua và nỗ lực phòng chống dịch sẽ giảm”.
Do đó, Phó thủ tướng yêu cầu ngành y tế và địa phương không được lơ là với dịch SXH.
Sốt xuất huyết lan nhanh ra ngoại thành
Theo thống kê của Bộ Y tế, ngoài 5 quận nội thành có số mắc SXH rất cao, dịch đang có dấu hiệu lan ra khu vực ngoại thành.
Một gia đình ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, quận "nóng" nhất về SXH ở Hà Nội cho biết, gia đình đã được phun hóa chất diệt muỗi hai lần trong vòng một tháng qua, nhưng con gái đang học cấp hai của gia đình lại mắc SXH và đã phải nghỉ học bốn ngày nay. Thậm chí đã có những lớp học ở Hà Nội có gần 20% học sinh phải nghỉ ốm vì SXH.
Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, 20 ngày đầu tháng 8 bệnh viện tiếp nhận trên 1.430 người bệnh, trong khi tháng 8-2016 chỉ có gần 40 người bị SXH vào bệnh viện. Số mắc SXH ở Hà Nội đã bắt đầu tăng từ tháng 5 (số mắc gấp 6 lần so với tháng 4), tháng 6 tăng gần gấp 2 so với tháng 5, tháng 7 tăng hơn 3 lần so với tháng 6 và xu hướng tăng vẫn đang tiếp tục.
Đề nghị phun thuốc diệt muỗi nhưng không ai đến!
Chuyên gia Viện Sốt rét - côn trùng và ký sinh trùng T.Ư trong chuyến thị sát công tác phòng chống SXH cùng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa qua đã tìm thấy 5 ổ lăng quăng sắp nở thành muỗi trưởng thành, trong đó có 4 ổ là của muỗi vằn gây SXH tại hai hộ dân trong ngõ 282 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội.
Trong khi chỉ mới hai ba hôm trước, đội xung kích diệt lăng quăng của phường đã tiến hành kiểm tra hai hộ dân này nhưng không phát hiện được gì.
Người dân tại đây cũng rất băn khoăn vì khu vực này đã từng được phun thuốc diệt muỗi đến 3 lần nhưng vẫn có thêm ca SXH mới.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho rằng hoạt động của đội xung kích chưa đạt yêu cầu, do đội tập hợp những người già yếu và thiếu kinh nghiệm. Trước vụ việc ở Tây Hồ và Hoàng Mai, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng phải tập huấn thật kỹ cho đội xung kích diệt lăng quăng, vì họ mới chính là người tham gia chống dịch tại từng ngôi nhà, ngõ xóm ở Hà Nội.
Tại buổi kiểm tra sáng 21-8, chúng tôi đến tổ dân phố 48, phường Hoàng Văn Thụ, Q.Hoàng Mai thì hai người trong đội xung kích diệt lăng quăng là tổ trưởng tổ dân phố 72 tuổi và một người hơn 40 tuổi, lo "bao quát" số muỗi và lăng quăng cho hơn 100 hộ dân trong tổ.
Ông Đào Đắc Hùng, tổ trưởng tổ dân phố 48, thành viên chính của đội xung kích diệt lăng quăng, cho biết đội được lập chớp nhoáng vào khoảng cuối tháng 7, không hề qua tập huấn. Ban đầu đội được phát một bịch cá và tập tờ rơi, chỉ biết đến từng nhà hỏi có bể nước, chum, vại chứa nước không, giao cá cho chủ nhà và phát tờ rơi cho từng gia đình rồi thôi.
Cho đến cách đây 2- 3 ngày đội mới được phường giao đèn pin, vợt bắt muỗi để đến từng nhà tìm ổ lăng quăng nhưng chủ yếu là hướng dẫn (qua đọc sách, báo) người dân phòng muỗi đốt, thường xuyên thay nước trong bình hoa... Do không có kinh nghiệm nên đội chẳng bắt được ổ lăng quăng nào!
Ông Hùng bày tỏ nếu như được tập huấn từ sớm, từ trước khi có ca SXH thì mới phát huy được hiệu quả của đội xung kích diệt lăng quăng. Trong khi trên thực tế lại không được tập huấn, đến lúc thành lập được thì dịch đã tràn lan và hoạt động chỉ mang tính hình thức.
Ông Hùng cũng cho biết tại tổ dân phố do mình phụ trách có tình trạng người dân mắc SXH đề nghị được phun thuốc diệt muỗi, nhưng mãi không thấy ai đến xử lý.
Tại nhiều tổ, khu dân cư khác, người dân phản ảnh đội xung kích chỉ đứng ngoài cửa hỏi trong nhà có muỗi không, có dụng cụ chứa nước không, rồi đi. Gần đây hoạt động của đội có ráo riết hơn, nhưng không có kinh nghiệm khi soi đèn bắt lăng quăng ở bể cá, hoặc rập khuôn phát cho người dân vải mùng, dây kim loại, rồi hướng dẫn bịt thùng chứa nước inox trong tình huống thùng inox lúc nào cũng đậy nắp kín mít...
“Đội xung kích đi hôm trước thì hôm sau người dân lại phát hiện ra ổ lăng quăng đen sì trong hộp nhựa để ngay bên đường” - một người dân phản ảnh.
Nguồn TTO